Sau liveshow “Sài Gòn kỷ niệm” của ca sĩ Nguyễn Tín (15/8/2018), có một thời gian tôi phải rời khỏi Sài Gòn để tránh sự lùng sục, “thăm hỏi” của công an. Không bao lâu sau đó, một số trong những người chăm sóc tôi nhiều nhất thời gian đó bị bắt giam, bỏ tù và hiện vẫn đang chờ xét xử. Tôi không hỏi thăm được họ và gia đình một lời. Tất cả những gì tôi làm đã chỉ là viết cuốn “Cẩm nang nuôi tù”, và nghĩ đến họ trong lúc viết; tôi viết vì họ.
Tháng 9/2019, sau khi nhận giải thưởng về tự do báo chí của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF), tôi phải nằm một chỗ vì cả hai tay đều viêm gân, di chứng của chấn thương năm 2018. Cùng lúc ấy, công an mở một chiến dịch đàn áp NXB Tự Do, truy quét người đọc sách, thu hồi sách trên khắp cả nước. Ít nhất hai shipper mất tích. Linh tính cho tôi biết là họ đã bị bắt. Còn người chăm sóc tôi nhiều nhất thời gian đó, người tôi coi như mẹ, vừa đổ bệnh, nằm liệt, cách đây vài ngày.
Tôi đã chẳng làm được gì cho họ. Cũng như chưa từng làm được gì cho mẹ tôi – bà cụ già 80 tuổi đang sống trong vòng vây an ninh ở Hà Nội. Gọi là “vòng vây an ninh” thì không hẳn đúng, vì công an không canh gác mẹ tôi 24×7, mà chỉ là luôn có sẵn hệ thống “tai mắt” chỉ điểm để bảo đảm kiểm soát được bà cụ đi đâu, làm gì, gặp ai mà thôi. Thậm chí công an còn ép hàng xóm ký cam kết “không chứa chấp hai mẹ con bà Bùi Thị Thiện Căn và Phạm Đoan Trang”, nếu thấy đứa con gái ở đâu thì báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Tôi chẳng làm được gì cho mẹ mình, anh chị mình, và hàng trăm người đã giúp đỡ, bao bọc, chăm sóc tôi hết lòng. Cái cảm giác “mình là kẻ bất hiếu, bất nghĩa” dằn vặt, đè nặng trong lòng. Đôi khi không kìm nổi, nó làm tôi thấy tim thắt lại đến mức khó thở. Thảo Gạo an ủi: “Đã đi con đường này rồi thì về mặt tình cảm, gia đình, không thể nào trọn vẹn được đâu chị ơi”.
Thì tôi cũng hiểu điều đó lắm, nhưng “Lòng ta biết thế, mà không buồn sao? Lòng ta biết thế, mà sao không buồn?” (thơ Dạ Thảo Phương).
Nếu có ai trong những người ấy – những con người mà tôi yêu mến và mang ơn – đọc được những dòng này, xin tha thứ cho tôi/con/em. Xin giữ gìn sức khỏe và sự an toàn, để còn có ngày chúng ta gặp lại, hy vọng là “ngày ấy thanh bình chắc nở hoa”.