Triết Học không phải là một nghề. Môn học này không dạy con người một chuyên môn cụ thể. Nói dễ hiểu hơn, Triết Học dạy con người tư duy. Tức là, nó dạy con người cách suy nghĩ, không phải dạy con người “suy nghĩ cái gì”.
Do đó, khi soạn luật (nói chung) và Bộ Luật Hình Sự (nói riêng), Triết Học dạy cho những nhà soạn thảo cách suy nghĩ sao cho đảm bảo tính khoa học.
Nói cách khác, Triết Học thuộc lãnh vực trừu tượng còn Luật Học thuộc lãnh vực cụ thể. Triết Học không thay thế Luật Học mà nó làm nền tảng căn bản cho Luật Học. Do vậy, một bộ luật, khi áp dụng vào thực tế làm cho xã hội ngày càng thịnh vượng và an hòa, đó là một bộ luật bảo đảm tính khoa học.
“Tư duy không tưởng”
“Không Tưởng” nghĩa là những suy nghĩ viển vông, không thực tế.
Những ai từng nghiên cứu về lý thuyết của Chủ Nghĩa Xã Hội (CNXH) đều không thể quên được khái niệm “Không Tưởng” mà ngay chính Nguyễn Phú Trọng, vốn là giáo sư – tiến sĩ chuyên ngành Xây Dựng Đảng phải thốt lên [1]: “Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa” khi Hiến Pháp được bắt tay sửa đổi vào năm 2013.
Nguyên nhân của “tư duy không tưởng” xuất phát từ sự yếm thế, không tự tin trước những hiện tượng xã hội diễn ra, mà những hiện tượng đó vượt quá suy nghĩ vốn hạn hẹp dựa trên: tư tưởng bảo thủ, nền tảng giáo dục phi triết lý, khả năng quản trị quốc gia phản khoa học của nhà cầm quyền CSVN.
Đặc biệt, “tư duy không tưởng” còn xuất phát từ nhân sinh quan và thế giới quan đứng yên – tức là những sự vật hiện tượng đang diễn ra vẫn được nhà cầm quyền CSVN nhìn nhận và đánh giá như hàng chục năm về trước, bất chấp xã hội thay đổi liên tục và rất nhanh.
Hậu quả của “tư duy không tưởng” sinh ra những “tội danh không tưởng” trong Bộ Luật Hình Sự hiện hành mà một trong số đó là điều 117 – ” Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
So sánh tội “tuyên truyền..” giữa Luật Hình Sự 1985, Luật Hình Sự 1999 với Bộ Luật Hình Sự 2015.
Nhìn lại quãng thời gian rất dài, từ 1985 đến nay đã gần 35 năm để thấy sự đứng yên trong tư duy định danh tội “tuyên truyền…” của người CSVN.
Điều 82 Luật Hình Sự 1985 quy định: Tội tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa.
Điều 88 Luật Hình Sự 1999 quy định: Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Điều 117 Bộ Luật Hình Sự 2015 quy định: Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Giữa ba điều nói trên, điều 117 có một khác biệt, đó là có khoản “chuẩn bị phạm tội” với khung hình phạt từ 01 năm đến 05 năm tù giam.
Những “hành vi” được gọi tên: “làm”, “tàng trữ”, “phát tán”, “tuyên truyền” trong điều 117 được đưa lên ngay phần “tội danh chính” chẳng qua do người CSVN ngộ nhận là “làm cho rõ ràng hơn” để dễ bề kết tội. Thật ra, đó là phép ngụy biện mang tên “nhấn mạnh trọng âm”. Bởi sự “nhấn mạnh trọng âm” đó không làm thay đổi điều cốt lõi gọi là “CHỐNG NHÀ NƯỚC” – Điều mà người CSVN muốn chuyển thông điệp thật cứng rắn đến người dân rằng: Không được phép “chống nhà nước”, dù dưới bất kỳ hình thức nào!
Trong khi đó, điều 8 BLHS định nghĩa rất rõ tại khoản 1 “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội…”, điều này có nghĩa các hành vi mà những người bất đồng chính kiến luôn bị cáo buộc như: “làm”, “tàng trữ”, “phát tán”, “tuyên truyền” hoàn toàn không phải là “hành vi nguy hiểm”.
Cần nhấn mạnh về sai lầm Triết Học ở điều 117 là chưa bao giờ người CSVN đặt câu hỏi:
– Tại sao ngày càng nhiều người dân “chống” nhà nước CHXHCNVN đến vậy?
– Khả năng về quản trị quốc gia của nhà cầm quyền CSVN ra sao mà người dân không hài lòng đến mức phải “chống” nhà nước CHXHCNVN” như vậy?
– Khả năng bảo vệ tổ quốc của nhà cầm quyền CSVN trước họa ngoại xâm từ Trung Cộng như thế nào mà ngày càng làm cho người dân bất an đến mức phải “chống” nhà nước CHXHCNVN ngày càng nhiều?
– Tại sao những vấn đề dân sinh (như Thủ Thiêm, Đồng Tâm, Vườn Rau Lộc Hưng, các trạm BOT bẩn, ô nhiễm môi trường từ Formosa và nhiều địa phương khác v.v..) ngày càng bị chính trị hóa ngập tràn từ đó dẫn đến hình sự hóa triền miên?
Và còn rất nhiều câu hỏi khác gắn với vai trò “phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình” – như điều 4 Hiến pháp đã minh định.
Nghĩa là mối quan hệ Nhân – Quả trong điều 117 không hề được nhà cầm quyền CSVN đặt ra một cách khoa học và nghiêm túc để lý giải và hóa giải những xung đột trầm trọng kéo dài hàng chục năm qua như thế.
Đứng trước những câu hỏi đầy tính hiện thực, người CSVN không những không nhìn nhận một cách khách quan để giải quyết theo cách văn minh lại còn trốn trách nhiệm và đổ lỗi, như Đoàn Duy Khương – Giám đốc Công an Hà Nội nói trong báo cáo 2019 về tình hình an ninh trật tự của Hà Nội [2] “các tổ chức phản động đã sử dụng phương thức cấp đất, cấp nhà miễn phí để lừa bịp, lôi kéo và chiêu dụ người dân. Tuy nhiên, một nạn nhân mất đất của Hà Nội khẳng định với VOA rằng anh chưa từng biết và cũng không tin rằng chiêu thức “cấp đất, cấp nhà” này sẽ có hiệu quả lôi kéo người dân chống lại chính quyền, mà chính tự bản thân Đảng Cộng sản đã làm cho người dân nhận thức ra vấn đề” – đài VOA cho biết hôm 6/2/2019.
Kết Luận
Hơn cả sự đứng yên – khi so sánh điều 82 – 88 (LHS 1985 – LHS 1999) và điều 117 (BLHS 2015) – đó là sự thụt lùi thảm hại của người CSVN, bởi:
– Ba mươi lăm năm trước, về kinh tế, Việt Nam còn bị Hoa Kỳ cấm vận, cho đến nay “vật đã đổi sao đã dời” nhưng nhà cầm quyền CSVN vẫn không chấp nhận hiện thực hội nhập với thể giới để thay đổi “tư duy không tưởng” mang tên “tuyên truyền chống nhà nước”. Từ đó làm cho điều 117 nói riêng và BLHS nói chung đang chống lại những tiến bộ của cương lĩnh ĐCSVN và Hiến pháp 2013.
– Ba mươi lăm năm về trước, khoa học kỹ thuật của thời đại đó còn tồn tại những máy đánh chữ, máy quay ronéo, điện thoại để bàn còn rất hiếm v.v…Nhìn chung, người Việt Nam còn quá lạc hậu và gần như tách biệt với thế giới văn minh. Hiện nay, người Việt Nam đã thay đổi tư duy rất nhiều, trong khi não trạng của nhà cầm quyền CSVN vẫn đứng yên một chỗ bằng “tội danh không tưởng” mang tên “tuyên truyền chống nhà nước”.
Cho đến khi nhà cầm quyền CSVN không chịu nhìn nhận hiện tượng “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN” với con mắt Triết Học cùng tư duy vận động liên lục, thì vẫn còn rất nhiều án “tù không tội” được xướng lên giữa các phiên tòa độc diễn.
_______________
Nguyễn Ngọc Già