Câu chuyện một nhà xuất bản (NXB) ở Việt Nam tự in và phát hành nhiều tác phẩm không qua kiểm duyệt, đã trở thành một sự kiện quốc tế. Bởi lẽ, gần 100 người mua sách từ Nam chí Bắc đã bị phía an ninh Việt Nam đặt vào tình trạng như tội phạm. Phạm Đoan Trang, tác giả nhiều cuốn sách cùng NXB Tự Do – nơi in và phát hành – bị săn đuổi ráo riết. Hai tổ chức Theo Dõi Nhân quyền (HRW) và Ân Xá Quốc Tế (AI) cũng đồng loạt ra thông cáo trong tháng 11/2019, trong đó phản đối công an Việt Nam về các vụ vây bắt, dẫn đến cả việc hành hung cả độc giả và người giao sách.
Thật ngạc nhiên, nếu so với những ấn phẩm khác như Đèn Cù (Trần Đĩnh), Bên Thắng Cuộc (Huy Đức) hay mới nhất là cuốn Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo (Phạm Thành)… thì những cuốn sách của NXB Tự Do và nhà báo Phạm Đoan Trang hoàn toàn vô hại, chỉ là sách kiến thức thuần túy.
Cuộc trò chuyện với nhà báo Phạm Đoan Trang từ một nơi nào đó, lưu lạc vô định cho công việc của cô, đã mở ra nhiều góc nhìn thú vị về sự kiện này.
Đoan Trang có thể tóm tắt cho biết tình hình của của mình ở giai đoạn gần đây, và nếu được thì cho thêm những thông tin về NXB Tự Do.
Tôi may mắn được trao giải tự do báo chí của tổ chức RSF vào tháng 9/2019, nhưng cũng vào giờ phút nhận giải ấy, tôi tin rằng sự căm ghét của công an đối với tôi cũng tăng lên rất nhiều. Và từ đó, họ ghép tôi là có dính líu sâu xa với nhà xuất bản (NXB) Tự Do, mặc dù NXB này là một tổ chức độc lập, không làm việc riêng cho cá nhân nào, đảng phái hay tổ chức chính trị nào. Công an ghép tôi và NXB Tự Do vào một suy nghĩ chung là “phản động”.
Thật ra, NXB Tự Do ngay từ ngày đầu thanh lập (14-2-2019) đã bị đàn áp rất nhiều. Facebook của họ bị đánh sập, các hoạt động thường ngày như mua bán, phát hành đã bị ngăn cản, rượt đuổi. Đến tháng 7, thì tất cả các tài khoản ngân hàng của họ đều bị khóa một cách vô lý. Phía ngân hàng chỉ thông báo đơn giản là tài khoản này đã bị vô hiệu, không thể hoạt động. Những người đi giao sách bị săn đuổi, gài bẫy rất nhiều. Đến tháng 10, nhiều người giao sách ở Sài gòn và miền Trung bị bắt. Từ đó họ tìm ra một số người đặt mua sách. Ngay sau đó, họ mở cuộc tổng đàn áp trên diện rộng, ở toàn quốc.
Nhiều người mua sách bị công an sách nhiễu. Có người mua sách đã lâu rồi, nhưng công an lần biết đã đến tận nhà, lục soát, bắt về đồn thẩm tra… Không có ngày nào mà tôi không nhận được thư của độc giả. Có người kể chuyện của họ, có người hỏi cách đối phó, có người kêu cứu vì bị công an áp bức quá đáng. Rất nhiều người sợ hãi.
Thật ra, không có ai mà không sợ hãi cả. Thâm tâm mọi người vẫn tin rằng đọc sách không thể là tội. Thế giới văn minh không coi việc đọc sách là tội cả. Nhưng công an thì bất chấp, khi đối diện với người có sách của NXB Tự Do, thông điệp của họ là “đồ này phản động, chúng mày đọc chỉ có chết” (Đoan Trang cười). Và khi hỏi về luật hay lý lẽ, thì họ gạt phăng và nói đây là Việt Nam, và Việt Nam có luật riêng về chuyện này.
Cho đến lúc này, tôi biết số độc giả bị hăm dọa, bị đến nhà lục soát, bị bắt cóc… lên đến cũng khoảng 100 người, trên toàn quốc. Nhiều độc giả giờ bị cắt liên lạc, không biết họ thế nào. Nhiều người đi giao sách cũng mất tích, không biết họ ở đâu.
Nhưng với việc hành động táo tợn và sách nhiễu diện rộng như vậy từ mấy tháng nay, Đoan Trang nghĩ rằng họ chỉ muốn tấn công cá nhân Trang hay muốn dẹp bỏ NXB Tự Do, một hình thái của một tổ chức XHDS mới phát sinh?
Tôi nghĩ rằng họ muốn cả hai. Họ ghét cay ghét đắng sách tự do, và họ ghét luôn người xuất bản tự do. Qua cái cách mà họ thẩm vấn những người đi giao sách và người mua sách, công an luôn dùng những lời lẽ miệt thị nặng nề với tôi và cả NXB. Họ thường gọi bằng “con phản động ấy” (Đoan Trang lại cười).
Thêm một điểm nữa là thường vào cuối năm, căn bệnh háo thành tích cũng thúc đẩy họ làm mạnh hơn để nhận khen thưởng, chiến tích… Nên mọi cuộc đàn áp thường tăng vọt bắt đầu vào quý 4 hàng năm.
Đã có người đặt câu hỏi rằng, việc bắt giữ Đoan Trang hết sức dễ dàng, thậm chí còn dễ hơn là bắt giữ nhà báo Phạm Chí Dũng. Nhưng vì sao họ lại không chủ trương bắt?
Bắt giữ hay hành hạ lâu dài bên ngoài đều thuộc về chủ trương. Và mọi hình thức, họ đều có cách tính toán cẩn thận. Thời điểm này không bắt, không có nghĩa là sau này không bắt, và không bắt không có nghĩa là được yên thân.
Với tôi, có lẽ họ đang dùng một phương thức là cô lập, chặt hết chân tay để vô hiệu hóa ở môi trường được coi là tự do. Nhưng họ sẽ khủng bố tinh thần bằng cách săn đuổi – một kiểu khủng bố tinh thần – và bắt được ở đâu thì đánh cho dở sống sở chết.
Họ cô lập mình bằng cách ruồng bố những người thân, bạn bè của mình, làm cho những người chung quanh sợ hãi và thấy phiền vì mình. Từ đầu năm đến nay, các nhóm như Green Trees hay Luật Khoa Tạp Chí… đều bị đàn áp dữ dội. Thường thì công an thẩm vấn những người quen biết, luôn có ý muốn giấu mục đích này bằng cách tra vấn đủ mọi chuyện không liên quan, nhưng họ cũng không quên nói xấu hay nặng lời về tôi.
Từ sự kiện rất nhiều người bị bắt, bị sách nhiễu, đàn áp… ở khắp cả nước vì đọc sách của Đoan Trang, nhận sách của NXB Tự Do, đã xuất hiện nhiều lời đồn đãi – thậm chí là cả phía người Việt ở hải ngoại – về chuyện Đoan Trang là “nằm vùng” hay “cộng sản cài” để âm mưu phát hiện và bắt giữ những người bất đồng chính kiến?
Tôi tin rằng là có. Tôi tin là công an CS đang dùng biện pháp kép. Một mặt chặt hết chân tay – theo nghĩa đen – là bắt được là đánh, thậm chí đánh cho thương tật nhưng không bắt. Mặt khác họ săn đuổi khiến những ai quen biết đều sợ hãi và mệt mỏi khi muốn đồng hành hay giúp mình. Riêng về độc giả của các sách tôi viết, NXB Tự Do phát hành thì bị đàn áp liên tục và dai dẳng với cái kiểu “ai dây vào con phản động này sẽ đi tù hết” (lại cười). Nhưng công an cố tạo tình huống thắc mắc “người đọc sách bị bắt, người viết sách vẫn bình an”. Họ cũng cho tung ra dư luận là Phạm Đoan Trang và NXB Tự Do là do bọn công an gài bẫy, một loại chim mồi để phát hiện và bắt giữ những ai có lòng yêu tri thức, yêu sách xuất bản tự do. Dĩ nhiên, có không ít người do sợ hãi và yếu lòng, cũng bị thao túng.
Chỉ là viết sách, nhưng lại trở thành kẻ bị săn đuổi và hành hạ. Mọi thứ đang ngày càng trở nên nguy hiểm bằng suy nghĩ của mình nhưng Đoan Trang vẫn tiếp tục như một thách thức với nhà cầm quyền. Qua công việc này, Đoan Trang (hay cả NXB Tự Do) muốn chuyển thông điệp gì đến với giới trẻ, với đám đông?
Thông điệp của tôi – và có lẽ của cả NXB Tự Do – hướng về người đọc là chúng ta không sợ hãi, không cần phải sợ hãi. Với công an, không có chuyện sợ thì sẽ được nương tay. Hãy nhìn Hồng Kông để thấy đó là một bài học. Sự đàn áp là có mục đích nên khi con người lùi lại hay sợ hãi, sự đàn áp sẽ còn mạnh hơn để phục vụ cho mục đích của kẻ đắc thắng về bạo lực.
Tôi hay NXB Tự Do muốn giới thiệu việc hành động bằng quyền của mình, tự do chính đáng của mình mà không cần phải lo sợ. Nếu sợ hãi, thì đã không có sách in từng cuốn, giao tận tay để chia sẻ sự không sợ hãi với quyền của mình. Nếu ngán ngại, thì chọn ebook phát hành trên mạng là xong và không cần nghĩ ngợi, lo lắng gì cả. Nếu đã chọn sợ hãi làm lẽ sống, và không dám thể hiện quyền của mình thì chúng ta cũng chẳng nên làm gì cả, cứ thủ phận và chấp nhận mọi thứ, và chúng ta cũng chẳng có gì cả. Thậm chí tự mình phủ nhận việc đọc sách hay viết sách là quyền tối thiểu của con người.
Việc xuất hiện sách với suy nghĩ tự do, còn có giá trị lưu trữ cho đời sau. Để mọi thứ là chứng cứ và tính kết nối kế thừa. Đó là dấu hiệu của một cuộc đòi dân chủ ôn hòa, để người sau nhìn thấy những bài học của người đi trước và tiếp tục. Các bạn trẻ ở Hồng Kông không thể tự mình phát sinh ra các phương thức đấu tranh dân chủ từ cách mạng dù vàng 2014 cho đến cuộc đòi dân chủ 2019. Họ đã được học, được đọc, được trao đổi và kế thừa từ rất nhiều thứ. Và những thứ đó, từ những người hành động tưởng chừng như vô ích như NXB Tự Do.
Tôi hay NXB Tự Do đối diện với nguy hiểm, nhưng điều đó không còn quan trọng nữa. Vì giả sử ngày mai, tôi hay NXB Tự Do bị bắt hết, tôi tin là sẽ có những người khác hành động, vì đó là trách nhiệm và sứ mạng của những ai biết nghĩ cho tương lai, dân tộc mình./.