Vừa rồi, khi đọc những câu “Ở đâu mà dân chủ và quyền con người được đảm bảo hơn Việt Nam?” hay “đặc trưng nền dân chủ của Việt Nam là tất cả mọi người đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ” hay “dân chủ và quyền con người vừa là quyền, vừa là mục tiêu hướng đến của chế độ” v.v… được cộng đồng Facebook cho là của ông Cao Đức Thái và đem ra mỉa mai ông, người viết phải bỏ công đi tìm gốc thời gian.
Lý do, những câu đó nghe rất quen, ông Cao Đức Thái phát biểu hơn chục năm trước chứ không phải mới đây.
Tôi thầm trách, chắc các anh chị em là mới đọc lần đầu nên tưởng ông ta mới viết.
Nhưng không phải anh chị em mà chính tôi lầm. Bài báo “Ở đâu mà dân chủ và quyền con người được đảm bảo hơn Việt Nam?” có những câu tưởng như viết trong thời Mao Trạch Đông còn ở Diên An, Hồ Chí Minh còn ở Pác Bó đó chỉ được đăng mấy hôm trước đây thôi trên báo Quân Đội Nhân Dân và được nhiều báo đảng khác như báo Giáo Dục chẳng hạn đăng lại.
Tôi có “nợ” với ông Cao Đức Thái này từ 15 năm trước nên biết những câu đó không phải ông chỉ mới viết lần đầu.
Một đoạn văn trong bài viết của ông Cao Đức Thái trên báo Nhân Dân ngày 10 tháng 9 năm 2004 bàn về nhân quyền:
“Gần hai mươi năm qua, công cuộc đổi mới đã đem lại những thành tựu về quyền con người cực kỳ to lớn cho nhân dân Việt Nam. Quyền con người đã được khẳng định trong Cương lĩnh, đường lối của Ðảng, trong Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Nhà nước ta đã gia nhập ký kết và phê chuẩn hầu hết các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người….”
Tôi phản biện ông trên Talawas vào tháng 7, 2006:
Các quyền cơ bản mà ông muốn nói phải chăng là quyền bầu cử, ứng cử, phát biểu, hội họp, đi lại, tín ngưỡng, bình đẳng trước pháp luật, thành lập công đoàn?
Là một quốc gia hội viên Liên Hiệp Quốc, nhà nước Việt Nam hẳn không thể không công nhận công ước quốc tế quan trọng hàng đầu và có tính cách chủ đạo về quyền cơ bản của con người là Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (Universal Declaration Of Human Rights) được công bố vào năm 1948 cùng với hai công ước liên hệ là Công ước Quốc tế về Những quyền Dân sự và Chính trị (International Covenant On Civil And Political Rights, International Covenant On Economic, Social And Cultural Rights) được công bố năm 1966 và Công ước Quốc tế về Những quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hoá (International Covenant On Economic, Social And Cultural Rights). Tôi không biết ông Cao Đức Thái đã đọc các công ước trên chưa, nếu chưa xin tìm đọc để biết nhà nước Việt Nam từ khi gia nhập Liên Hiệp Quốc vào năm 1977 đến nay, “đã ký kết và phê chuẩn hầu hết các công ước quốc tế” nhưng chưa thực hiện được một điều nào trong các công ước quốc tế nhân quyền đó.
Chuyện chưa xong.
Đầu năm Dương lịch 2018, ông Cao Đức Thái lại phát biểu trên báo “Quân Đội Nhân Dân” những câu tương tự:
“Nhà nước pháp quyền; một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh và một xã hội dân sự, trong đó bao gồm các tổ chức xã hội dân sự độc lập không chịu sự chi phối của Nhà nước. Nói tóm lại, đó là một mô hình coppy ngoại nhập 100%. Chỉ có những kẻ mang đầu óc nô lệ mới nhắm mắt ca ngợi mô hình đó một cách mù quáng.”
Mười bốn năm là một thời gian khá dài của một đời người và quá dài so với những đổi thay hàng giờ, hàng ngày trên thế giới nhưng bộ não của ông Cao Đức Thái gần như không thay đổi nếu không muốn nói là bị hủy hoại trầm trọng hơn.
Một người bị tẩy não ở mức độ trầm trọng như ông Cao Đức Thái không còn khả năng để đánh giá sự thật. Sự kiện, bằng chứng và những đổi thay trên thế giới không có nghĩa gì với ông.
Ông Cao Đức Thái chỉ là con két hát trong chiếc lồng sắt.
Tại sao người viết gọi ông là con két hát trong lồng sắt? Bởi vì ông chỉ lập đi lập lại một luận điệu tuyên truyền trên báo đảng, trường hợp này là báo Quân Đội Nhân Dân.
Ông không lên các mạng xã hội để phát biểu, bảo vệ, binh vực cho quan điểm của mình.
Làm thế nào để chữa trị bịnh của Cao Đức Thái? Không thể nào chữa được ngoại trừ trường hợp chính bản thân ông ta bị cực hình đày đọa.
, cựu nhân viên KGB đào thoát sang phía tự do, phát biểu từ kinh nghiệm của ông về những bịnh nhân tương tự như Cao Đức Thái.
Người viết thay tên ông vào chỗ bịnh nhân dưới chế độ CS toàn trị Liên Xô trước 1991 cho dễ hiểu:
“Ngay cả mang Cao Đức Thái tới tận Liên Xô và chỉ cho anh ta thấy trại tập trung, Cao Đức Thái cũng không tin… cho đến lúc Cao Đức Thái bị đá ngay vào đít, khi giày đinh đạp lên anh, rồi Cao Đức Thái mới hiểu. Nhưng không phải trước đó. Đó là thảm kịch của trình trạng bị băng hoại về đạo đức trong con người Cao Đức Thái.”
Thật buồn cho một kiếp người nhưng đúng vậy.
Ở Nam Hàn có ông Oh Kil-nam cũng bị suy não trầm trọmg như Cao Đức Thái. Lương tri của Oh Kil-nam của Nam Hàn chỉ thức tỉnh sau khi đã trốn sang Bắc Hàn và bị đày đọa vô cùng tàn nhẫn. Bản thân và gia đình Oh Kil-nam tan nát như tôi đã viết trong bài “Chuyện từ vùng biên giới Bắc-Nam Hàn”.
Hàng triệu người Việt trong nước vẫn đang bị tẩy não ở các mức độ khác nhau.
Trường hợp Cao Đức Thái là một nhắc nhở cho những ai may mắn còn một chút nhận thức độc lập hãy dùng nó như một chiếc thang để leo lên và thoát ra khỏi ngọn lửa tuyên truyền trước khi quá trễ./.