Tốc độ bóp hầu bóp cổ dân chúng thông qua thành tích ‘thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước’ và được giới quan chức Việt Nam tự sướng bằng tính từ ‘đáng khích lệ’ sẽ khó lòng gia tăng hơn nữa trong những năm tới.
Tại kỳ họp quốc hội tháng 10 – 11 năm 2019, một sự thật mà giới đại biểu ‘nghị gật’ phải thừa nhận là cơ cấu thu chưa bền vững khi tăng thu nội địa vượt dự toán 1,9% nhưng các khoản thu không có tính bền vững như tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết tăng mạnh. Đặc biệt, thu từ 3 khối doanh nghiệp đều không đạt kế hoạch.
Cần nhắc lại, kết quả thu ngân sách năm 2018 đối với khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đã bị giảm thu từ hơn 2% đến gần 3% so với dự toán, còn khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài – thành phần kinh tế dù không được xem là ‘chủ đạo’ như kinh tế quốc doanh nhưng lại đóng góp phần lớn tiền của cho GDP và nuôi sống bộ máy gần 3 triệu công chức viên chức mà trong đó có đến 30% ăn không ngồi rồi – còn tồi tệ hơn nhiều: giảm thu đến 15% so với dự toán.
Thêm vào đó, năm 2018 đã chứng kiến tỷ lệ doanh nghiệp phải phá sản và tạm ngừng hoạt động tăng vọt so với năm 2017 và tăng hơn hẳn so với tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới, năm 2019 cũng rất có thể chứng kiến nền kinh tế Việt Nam tiếp tục lọt thỏm vào chu kỳ suy thoái năm thứ 11 liên tiếp kể từ năm 2008, khiến sức sản xuất và khu vực lưu thông hàng hóa càng thêm trì trệ, càng làm rỗng túi doanh nghiệp mà do đó càng khiến khả năng ‘cống hiến’ cho ngân sách tồi tệ đi nhiều.
Bồi thêm vào tình trạng giảm thu thuế từ khối doanh nghiệp là hai nguồn thu từ dầu khí và nhà đất ngày càng lộ rõ dấu hiệu ‘thu không bền vững’hay ‘thu không ổn định’.
Sự thật hiển nhiên và trần trụi là trong hai năm 2017 và 2018, Tổng cục Thuế đã phải chịu cảnh thất thu ở nhiều địa phương, kể cả Sài Gòn – nơi được Hà Nội ví là ‘Con bò sữa’.
Ít nhất 1/3 trong số 63 tỉnh thành thu ngân sách không đạt kế hoạch năm 2018 là một bằng chứng sống động về thực tế ‘trong dân chẳng còn tiền để thu’. Thậm chí ngay cả ‘Con bò sữa’ cũng chỉ đạt kế hoạch thu ngân sách 2018 khoảng 98%.
Sài Gòn cũng là thành phố có nguồn thu bất động sản lớn nhất và thị trường nhà đất nơi đây đã được các nhóm đầu cơ cá mập ‘đánh lên’ suốt từ năm 2017 đến gần đây, nhưng trong 3 tháng qua có số thu thuế bất động sản chỉ ước 1.308 tỷ đồng, đạt 13,08% dự toán và giảm đến 74,85% so cùng kỳ. Những con số cực kỳ đáng báo động cho tương lai thu ngân sách của chế độ ‘ăn của dân không chừa thứ gì’.
Bồi thêm một phát đại bác vào bức thành loang lổ rệu mục của ngân sách Việt Nam, Hội thảo “Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2018: Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng” được tổ chức tại Hà Nội đã có một đánh giá rất quan trọng: “Quy mô thu ngân sách của Việt Nam hiện đã ở mức cao và khó có thể gia tăng thêm”./.