Tham nhũng và thành trì bảo vệ

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà|

Thành trì là một bức tường khép kín, được xây dựng vô cùng kiên cố để bảo vệ những gì thuộc bên trong nó. Thường ngoài bức tường thành kiên cố, dưới chân thành người ta còn đào hào sâu để tạo thành thế dễ thủ khó công. Ngày xưa nếu muốn công thành thì lực lượng tấn công ít nhất phải đông gấp 5 lần lực lượng quân thủ thành và phải rất thiện chiến. Đó là hình ảnh về sự vững chắc của thành trì.

Tham nhũng quyền lực ngày nay được ví như một thứ thành trì. Vậy tham nhũng quyền lực là gì? Tham nhũng quyền lực là việc bổ nhiệm những người thân hữu hoặc những người cùng nhóm lợi ích vào các vị trí quyền lực quanh mình để tạo thành một hệ thống quyền lực thống nhất nhau trong hành động, thống nhất nhau cách đối phó với lực lượng chống tham nhũng, luôn bao che, luôn tìm cách giải cứu nhau nếu chẳng may có người bị phanh phui. Như vậy có thể nói, tham nhũng quyền lực là một loại thành trì vững chắc bảo vệ một hệ thống đang tham nhũng ngân sách bên trong nó hoạt động một cách an toàn.

Ngày xưa Tần Thủy Hoàng cho xây Vạn Lý Trường Thành như là một siêu thành trì bảo vệ vương quốc của ông ta. Bên trong vương quốc đó có rất nhiều những thành trì nhỏ, nơi đó là lãnh địa của các quan địa phương nắm giữ. Nhìn kết cấu thành trì nằm trong siêu thành trì để chúng ta dễ hình dung ra kết cấu của ĐCS. Kết cấu ĐCS cũng tương tự như vậy, cả ĐCS là một siêu thành trì bảo vệ cho nhóm lợi ích lớn nhất – ĐCS. Và bên trong siêu thành trì đó là những thành trì nhỏ được dựng lên để bảo vệ nhóm lợi ích nhỏ đó.

- Quảng Cáo -

Như đã nói, để công thành thì quân số phía tấn công ít nhất phải mạnh gấp 5 lần quân thủ thành. Chính vì thế mà ngày 04/03/2016 ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã phải thú nhận tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng của Bộ Tư pháp rằng “Chống tham nhũng có khi chúng tôi chết trước!”. Đây như là một lời thú nhận về sự bất lực trong công tác chống tham nhũng trong thời kỳ mà tham nhũng quyền lực đã thành những thành trì không thể công phá.

Tham nhũng quyền lực là bổ nhiệm thân hữu. Nếu là bà con dòng họ thì có thể không có hiện tượng mua bán, nhưng việc bổ nhiệm người ngoài dòng họ thì không thể không thiếu việc trao tiền nhận ghế được. Chính vì thế mà ngay trong tham nhũng quyền lực nó có một thị trường rất nhộn nhịp – đó là thị trường mua quan bán tước. Ngày 05/11/2019. Trên báo dân trí có bài “Chợ đen mua quan bán chức thường nhộn nhịp dịp bầu cử, đại hội” như là một lời khẳng định một sự thật xưa nay mà thôi.

Trong chính quyền CS, chúng ta hay nghe họ nói về tư duy nhiệm kỳ và tư tưởng cuối nhiệm kỳ. Tư duy nhiệm kỳ nói cho cùng, nó là kiểu suy nghĩ vì quyền lợi bản thân trong nhiệm kỳ đó mà không đặt mục tiêu dài hạn cho vấn đề quốc gia đại sự. 5 năm ngồi ghế thì năm đầu phải tìm cách lấy lại vốn đã bỏ ra để mua ghế, 3 năm tiếp theo là kiếm chác cho bản thân và năm cuối cùng là tranh thủ bán ghế trong quyền hạn của mình để tận thu nhằm chuẩn bị để về hưu, hoặc chuẩn bị tiền để mua ghế cao hơn. Chính vì dùng quyền lực lái chính sách sang hướng làm lợi cho bản thân hoặc cho nhóm lợi ích nên xét về khía cạnh lợi ích quốc gia, những chính sách họ làm đều thất bại nhưng về lợi ích bản thân, họ rất giàu có sau một nhiệm kỳ.

Tư tưởng cuối nhiệm kỳ là một phần của tư duy nhiệm kỳ. Hầu hết các quan chức trước khi rời ghế, hay ký rất nhiều quyết định bổ nhiệm để kiếm cú chót thật đậm trước khi rời đi. Họ không thiết tha gì những trách nhiệm mà không mang lại lợi ích cho riêng họ, vì thế những quyết định có trách nhiệm với vấn đề chung bị họ xem nhẹ. Từ mô hình quản lý thiếu khoa học của ĐCS sinh ra tham nhũng quyền lực, từ tham nhũng quyền lực đẻ ra những thứ tham nhũng khác, và từ chỗ tham nhũng được thành trì bảo vệ nó hình thành nên tư duy nhiệm kỳ và tư tưởng cuối nhiệm kỳ thôi. Vì tính dắt dây cái này sinh ra cái kia mà những hậu quả sau cùng của nó không thể nào xóa bỏ được. Gốc cây đại thụ còn thì tỉa cành nhỏ sẽ không thể nào làm cây chết đi, mà đó chỉ là một hình thức phát quang cho chồi non mọc lên tốt hơn mà thôi.

Hôm nay ngày 06/11/2019, trên báo Vneconomy có bài viết “Thủ tướng lưu ý các bộ ngành về tư tưởng cuối nhiệm kỳ”. Trong bài này ông Nguyễn Xuân Phúc đã rao giảng về đạo đức người lãnh đạo rằng, đừng có mang tư tưởng cuối nhiệm kỳ. Đây là một trường hợp kẻ vô đạo lên mặt dạy đạo đức, một thói đạo đức giả không biết ngượng rất quen thuộc trong hầu hết các quan chức CS. Có lẽ vì họ đã học Tư Tưởng Đạo Đức Hồ Chí Minh chăng? Không biết, nhưng đó rõ ràng là bản tính phổ biến trong hàng ngũ quan chức CS.

Còn nhớ Nguyễn Xuân Phúc lúc còn là Chủ Nhiệm Văn Phòng Chính Phủ đang ở giai đoạn cuối nhiệm kỳ đã ký bổ nhiệm hàng loạt cán bộ trước khi rời ghế. Cụ thể là: ngày 07/11/2010, ông đã ký cùng lúc 11 quyết định bổ nhiệm; ngày 20/12/2010, ông Phúc ký tiếp 11 quyết định từ số 2075 – 2085/QĐ-VPCP để bổ nhiệm cán bộ mới; ngày 05/01/2011, ông Phúc ký tiếp 4 quyết định số 01, 02, 03 và 05/QĐ-VPCP để bổ nhiệm; ngày 06/01/2011, ông Phúc tiếp tục ký thêm 11 quyết định bổ nhiệm cán bộ cho Trung tâm Hội nghị Quốc tế (TTHNQT) và Trung tâm Hội nghị Quốc gia (TTHNQG); ngày 22/04/2011, ông Nguyễn Xuân Phúc ký tiếp 4 quyết định số 447, 448, 456, 457/QĐ-VPCP để bổ nhiệm; và ngày 06/05/2011, ông Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục ký tới 16 quyết định bổ nhiệm. Như vậy trong 6 tháng cuối nhiệm kỳ Bộ Trưởng Chủ Nhiệm Văn Phòng Chính Phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc đã ký 57 quyết định bổ nhiệm 57 người.

Đó là những gì đang diễn ra bên trong bộ máy cai trị ĐCS. Đây là một minh chứng cho thấy, tham nhũng quyền lực và những thứ tham nhũng khác là một phần tất yếu của thân thể ĐCS. Tham nhũng nó như một loại máu lưu thông trong cơ thể đảng, đảng không thể nào sống được nếu loại bỏ hết lượng máu trong cơ thể. Kết cấu ĐCS là thế. ĐCS sẽ không thể tồn tại nếu thiếu tham nhũng.

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

https://dantri.com.vn/…/chong-lai-co-khi-chung-toi-chet-tru…

https://dantri.com.vn/…/cho-den-mua-quan-ban-chuc-thuong-nh…

http://vneconomy.vn/thu-tuong-luu-y-cac-bo-nganh-ve-tu-tuon…

https://www.rfa.org/…/mass-promotion-prior-to-retirement-07…

https://vtc.vn/chuan-bi-nhan-cong-tac-moi-giam-doc-so-o-qua…

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here