Nói đến Michael Jackson chắc ai cũng biết, biết vì phong cách ăn mặc lập dị của ông, biết vì những điệu nhảy mang đậm chất đặc trưng của ông. Nhưng với tôi, mến mộ ông không phải vì những thứ đó mà là tấm lòng của ông. Tấm lòng vì những mảnh đời bất hạnh trên thế giới.
Năm 1985, ông và Lionel Richie sáng tác bản nhạc We Are The World để làm dự án âm nhạc vì mục đích từ thiện. Dự án mục đích gây quỹ để giảm thiểu nạn đói ở Châu Phi. Chính vì thế mà đã có đến 44 ca sỹ lừng danh nước Mỹ góp tiếng hát của mình cho dự án âm nhạc và họ lấy tên là “USA For Africa”. Dự án thành công ngoài sự mong đợi, bán được 20 triệu bản và lọt trong top 10 đĩa đơn bán chạy nhất mọi thời đại. Bản nhạc We Are The World này 25 năm sau lại được 75 ca sỹ Mỹ và Canada thu âm một lần nữa vì mục đích từ thiện. Lần này là dự án gây quỹ cho nạn nhân động đất ở Haiti.
Năm 1992 Michael Jackson cho phát hành đĩa đơn Heal The World cũng vì mục đích từ thiện. Chính ông đã thành lập quỹ Heal The World Foudation nhằm cải thiện cuộc sống cho trẻ em không được may mắn. Cả We are The World và Heal The World đều là những ca khúc bất tử, và nó luôn được sống dậy mỗi khi có những điều bất hạnh nào đó xảy ra ở đâu đó trên thế giới mà những người tốt bụng trên thế giới muốn chung vai để gánh vác.
Rồi cũng người Mỹ, ông Bill Gates đã dùng rất nhiều tiền trong khối tài sản khổng lồ của mình cho từ thiện. Điều đáng trân trọng là quỹ của ông dùng để giúp cho những nơi nghèo khó, những nơi mà con người có quá nhiều bất hạnh chứ không cục bộ giúp cho người Mỹ quê hương ông. Thật sự, qua đây chúng ta thấy, nơi mà con người biết xót thương đồng loại, nơi đó lại phồn vinh mặc dù họ không dùng tiền ích kỷ cho xứ sở của mình. Những người giàu có, những người nổi tiếng ở Mỹ hay những nước dân chủ khác, không thiếu những tấm gương như vậy. Nhìn một xã hội như thế, không ai mà không muốn đến những nơi này sinh sống.
Hôm nay báo chí cho biết, 39 người trong container đông lạnh kia là người Việt. Trước một thảm họa đáng thương như vậy, người dân Anh, thủ tướng Anh và cầu thủ Anh họ đã có những hành động rất nhân văn với những người xấu số dù rằng, các nạn nhân kia là người đã vi phạm luật pháp xứ họ. Trong khi đó, tại Việt Nam là quê hương của 39 nạn nhân lại có sự chia rẽ trầm trọng. Chính quyền từng tự xưng là “của dân do dân và vì dân” thì vội phủi trách nhiệm khi lên báo Nhân Dân rào trước rằng, đừng đổ lỗi cho nhà nước. Chuyện rất ngược đời đã xảy ra, thủ tướng Anh thì có hành động tỏ lòng thương xót, còn thủ tướng Việt thì không có chút thái độ nào cả, ông ta xem công dân của mình chết thảm như con vật chết không hơn không kém.
May cho nhân loại là thượng đế luôn gắn sự phát triển, phồn vinh, giàu có với nhân bản chứ không thì thế giới này đã rơi vào tay của loài quỷ. Ở top đầu của thế giới, không phải họ chỉ giàu có về vật chất mà họ còn giàu lòng thương người nữa. Người Việt tìm đường ra đi không chỉ họ tìm cuộc sống vật chất ở xứ người, mà quan trọng hơn là họ muốn con của họ trở thành người nhân bản và sống giữa một xã hội nhân bản hơn dù rằng nếu bỏ xứ ra đi họ phải tốn rất nhiều tiền bạc, hy sinh nhiều thứ vì sự bất tiện về ngôn ngữ và văn hóa. Để có cuộc sống sung túc, thì người ta có thể dễ dàng mua được bằng tiền, nhưng để có con người nhân bản và một môi trường sống nhân bản thì tiền không thể mua được mà phải đi tìm. Đó chính là nguyên nhân chính mà ngay cả giới triệu phú và tỷ phú đô ở Việt Nam cũng chọn con đường di dân sang những xứ đó.
Tỵ nạn giáo dục là cách chạy trốn khỏi một nền giáo dục XHCN đầy nguy hiểm với quá trình hình thành nhân cách con người. Khi ghép hình ảnh con người Việt Nam được nhào nặn ra bởi nền giáo dục XHCN với những con người trưởng thành từ nền giáo dục tiến bộ chúng ta thấy 2 xã hội đã đi theo 2 hướng khác nhau một trời một vực. Xã hội kia họ vì con người, họ sẵn sàng dang tay ra chào đón những nạn nhân xa lạ, còn Việt Nam thì sao? Từ thái độ vô cảm, ăn cây nào rào cây đó bất chấp đúng sai hay thiện ác, thì ta thấy giáo dục XHCN nó nguy hiểm như thế nào. Với nền giáo dục vậy, với xã hội vậy ai mà không tháo chạy chứ? Cho nên, đừng trách những người bỏ xứ ra đi, mà hảy hỏi ĐCS rằng, họ đã làm gì mà đất nước ra nông nỗi như vậy?
Nước Việt Nam đã tiêu điều theo nhiều nghĩa. Về kinh tế thì có thể hồi phục trong 20 năm nếu đi đúng hướng, nhưng về con người làm sao hồi phục trong vài thập kỷ đây? Vô phương! Chẳng lẽ bạn có nhiều tiền mà bạn nỡ lòng nào dìm con cái bạn trong nền giáo dục XHCN sao? Bạn đợi nền giáo dục này tự tốt lên hay tìm cho con mình một nền giáo dục khác? Không ai có thể hy vọng giáo dục XHCN tự tốt, ngay cả giới quan chức CS cũng tự nhận ra điều đó, và họ cố hết sức để rút tiền dân và đưa con cái đi tị nạn giáo dục dù chi phí rất đắt đỏ. Việt Nam, một đất nước đang chìm trong bất hạnh và đang bế tắc không có đường thoát vì lòng ích kỷ và sự thờ ơ. Thế mới đắng!