Ngô Nhân Dụng – Người Việt
Trong buổi lễ tại giáo xứ Yên Thanh ở tỉnh Nghệ An, Linh Mục Đặng Hữu Nam nói với đồng bào rằng chúng ta đến đây để cầu nguyện cho 39 người thiệt mạng trên đường tới nước Anh, phần lớn là người từ Việt Nam. Nhưng trước hết ông cũng nói mọi người cầu nguyện cho công lý, hòa bình, và cho “những nạn nhân của xã hội.”
Có tới 30 người trong số 39 thi hài tìm thấy trong một xe vận tải ở khu công nghiệp Grays, cách trung tâm thành phố London 32 km có thể xác nhận là người Việt, từ Nghệ An, Hà Tĩnh.
Cha mẹ cô Phạm Thị Trà My, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nhận được những bản thông điệp cuối cùng của con gái viết trong chiếc xe quan tài, “Con xin lỗi bố mẹ, con đường đi nước ngoài không thành, con chết vì không thở được, con thương bố mẹ nhiều, mẹ ơi con xin lỗi mẹ…” Có thể tưởng tượng cô Trà My đã viết trong khi đứng, vì cái container làm sao đủ chỗ nằm cho 39 người đang chết ngạt!
Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đang sống trong không khí tang tóc. Nước Việt Nam đang sống trong tang tóc. Trong các xã hội văn minh, khi có hơn 20 người dân chết bất đắc kỳ tử, chính quyền sẽ yêu cầu cả nước để tang. Treo cờ rủ. Ngưng các buổi ca vũ, phòng trà đóng cửa. Các đài phát thanh, truyền hình, báo chí cũng để tang. Không biết ở các nước cộng sản có làm như vậy hay không.
Nhưng đã thấy người Việt trong và ngoài nước để tang các nạn nhân trên mạng xã hội.
Nhà thơ Trần Mộng Tú đọc chuyện cô Phạm Thị Trà My đã xúc động:
“Trước hơi thở cuối cùng
người con gái nói
Mẹ cha ơi
cho con xin lỗi
con xin lỗi đã để lại cho mẹ cha
nỗi đau trong tim và món nợ trong đời
không biết đến bao giờ mẹ cha mới hết đau
bao giờ mẹ cha trả hết nợ”
Trần Mộng Tú nhớ ra đất Nghệ An, Hà Tĩnh đã từng là nạn nhân của công ty Formosa, với hàng triệu con cá chết nằm phơi trắng những bãi cát dài. Trà My chết không khác gì một con cá.
“Người con gái đó cũng tới từ miền Trung
Nơi vùng biển có những con cá con
Xin lỗi mẹ, ngáp hơi thở cuối…”
Nhà thơ Cánh Vạc Tím thương nhớ các nạn nhân đã cố ý nhại thơ Chế Lan Viên đặt những câu hỏi:
“Đất nước đẹp vô cùng sao em phải ra đi?
Đất nước đẹp giàu sao anh cũng ra đi?
Tại sao em phải ra đi? Tại sao anh cũng ra đi?”
Tại sao? Tại xã hội! Xã hội là cái gì?
Từ Sài Gòn, bà Nguyễn Thị Hậu chợt nhớ lại những “nạn nhân của xã hội” đã được báo, đài loan tin trước đây. Bà kể đến 152 “du khách” Việt mất tích ở Đài Loan. Đến chín người mất tích ở Nam Hàn sau khi “đi nhờ” chuyên cơ của bà chủ tịch Quốc Hội. Bà nhớ cả bao nhiêu người đã qua Lào, Thái Lan lao động chui, các cô gái qua Singapore, qua Malaysia “làm gái.” Và xa hơn, các cô gái miền Tây được trưng bày, không quần áo, như những món hàng cho các người Đài Loan, Nam Hàn mua về làm vợ, làm đầy tớ, có khi làm nô lệ tình dục của nhiều người.
Ai là xã hội?
Cái xã hội nào đã gây ra tình cảnh tang thương của những người Việt Nam bất hạnh đó? Có thể kể tên các “…mạng lưới buôn người” có tổ chức, hoạt động rất táo bạo và tinh vi khắp thế giới như bà Nguyễn Thị Hậu kết án.
Nhưng các mạng lưới buôn người không thể hoạt động mạnh mẽ, táo bạo nếu không có các quan chức tham nhũng trong đảng và nhà nước, vì ở mỗi địa phương họ đều biết rõ các mạng lưới này mà không ngăn cản. Những món tiền mà cha mẹ các nạn nhân vay mượn, mỗi người tốn $10.000 tới $18.000 này sẽ chia cho chác bao nhiêu cho các cán bộ đảng viên?
Cô Trà My là một trong những nạn nhân của xã hội, như Linh Mục Đặng Hữu Nam nói. Tức là nạn nhân của tất cả chúng ta.
Trần Mộng Tú nhìn tận gốc của cái “xã hội” đã gây ra những thảm cảnh trên đất nước:
“Hơn bốn mươi năm sau đất nước thanh bình
Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không?
Sao người dân dại dột thế
Đang ấm no vẫn theo nhau bỏ trốn đi”
Câu “Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không?” được nhà thơ đánh dấu hỏi chính là lời của ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.
Đất nước có bao giờ được thế này không?
Trên đất nước Việt Nam có bao giờ người dân bỏ đi hàng loạt như thế này không?
Thời thực dân, thời chiến tranh tàn phá, người Việt Nam không trốn bỏ đi hàng ngàn, trăm ngàn, hàng triệu như thế này!
Nhà thơ Cánh Vạc Tím khóc các anh chị em chết ngạt trong xe tải ở Anh Quốc cũng hồi tưởng đến hàng trăm ngàn, hàng triệu những người chạy trốn chế độ Cộng Sản:
“Nhìn mấy chục người bỏ mạng… chốn tha hương
Tôi chợt nhớ cảnh bốn mươi năm trước
Khi những ‘thuyền nhân’ liều mình xuôi ngược
Vượt biển băng rừng… tìm bến ‘Tự Do!’”
Những năm sau 1975 các bà mẹ cho con vượt biển đã “Ném Con Cho Giông Tố,” như nhà thơ Trần Dạ Từ đã nhìn:
“Giông tố giông tố ngoài khơi xa
Ta gửi người con ta
Xương thịt ta
Tâm hồn ta”
Khi Linh Mục Đặng Hữu Nam nói đến các nạn nhân của xã hội, ông ngầm nói đến cái gọi là Chủ Nghĩa Xã Hội!
Những người vượt biển tìm tự do 40 năm trước và những người Việt trẻ tuổi ra đi vì sinh kế ngày nay đều là nạn nhân của đảng Cộng Sản Việt Nam! Cả xã hội Việt Nam đã bị giam trong cái nhà tù vĩ đại của đảng Cộng Sản. Chính họ là cái “xã hội” gây ra các thảm cảnh cho dân tộc suốt 44 năm qua.
Và đất nước chịu thiệt thòi! Trong 24 người mới chết tha hương, họ phải là những con người khỏe mạnh, nhiều người thông minh, khôn ngoan và gan góc, can đảm. Ở một quốc gia khác, họ có thể đóng góp xây dựng quê hương! Nhưng họ đã không có cơ hội nên mới phải trốn đi. Dân tộc Việt Nam đã mất bao nhiêu người thông minh và can đảm từ năm 1975 đến nay! Nghĩ có tiếc không? Có thương không?
Bà Nguyễn Thị Hậu xót xa, “Người dân Anh đã thắp nến tưởng niệm, chia sẻ với những người xấu số đã chết trên đất Anh…”
Nhưng bà không quên đặt câu hỏi về trách nhiệm của đảng Cộng Sản: “…Còn chúng ta vẫn đang chờ đợi nhà nước lên tiếng… Chúng ta cứ chờ đợi như thế bao nhiêu năm nay, và những dòng người vẫn tiếp tục liều mạng ra đi…”
Bà nói riêng với cô cháu gái Hà Tĩnh xấu số: “Là một người mẹ, cô xin lỗi con, Phạm Thị Trà My, vì… đã không thể làm gì khác…”
Người Việt Nam nào cũng có thể nghĩ như bà Hậu. Chúng tôi xin lỗi tất cả các cháu, các em. Chúng tôi, tất cả mọi người Việt đều chịu chung trách nhiệm khi chỉ biết chờ đợi! Để cho những các anh, các chị vẫn phải xin cha mẹ vay mượn, trả tiền rồi liều mạng ra đi. Vì không thể sống trên đất nước mình!
Đến bao giờ mình mới hết cảnh những người chạy trốn đất khỏi nước Việt Nam?
Ngô Nhân Dụng