Thông tin báo chí cho biết rằng đây là những người Trung Quốc. Hôm 25/10, tờ Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đăng bài xã luận, trong đó cho rằng Anh và những nước Châu Âu khác phải nhận một số “trách nhiệm” cho cái chết của 39 người này.
Khi việc điều tra của cảnh sát Anh chưa chấm dứt, thì trên mạng rộ lên thông tin về một tin nhắn của một cô gái nhắn về cho mẹ tại Thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Tỉnh Hà Tĩnh.
Cô gái cho biết tên là Phạm Thị Trà My, ở số nhà 1, Ngõ 2, Đường Đặng Dung, Thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Tỉnh Hà Tĩnh.
Trong tin nhắn mà gia đình nhận được, cô gái nói rằng: “Con đi nước ngoài không thành, con thương bố mẹ nhiều. Con chết vì không thở được…”
Trong khi những thông tin về cô gái đang làm xôn xao cộng đồng mạng và báo chí quốc tế lên tiếng, xác minh thì chúng tôi nhận được thông tin rằng không chỉ có một trường hợp đó, mà riêng huyện Can Lộc, Hà Tĩnh hiện đã xác định có 4 trường hợp trong chuyến xe này.
Một thông tin khác về một thanh niên tên Nguyễn Đình Lượng, quê quán tại xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc, Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã tử vong trong chuyến xe định mệnh này.
Chúng tôi đã liên lạc trực tiếp với Nguyễn Đình Tuyên, là em trai con chú ruột của Nguyễn Đình Lượng, Tuyên cho biết:
Hiện nay, gia đình đã nhận được tin dữ báo Nguyễn Đình Lượng đã chết trong chuyến xe đi sang Anh mà báo chí đã loan tin. Đường dây đưa em đi đã gọi điện về báo cho gia đình và xin lỗi về việc này.
Nguyễn Đình Lượng, sinh ngày 20/1/1999. là con trai trong gia đình ông Nguyễn Đình Gia và bà Trần Thị Huân, một gia đình nông dân ở Huyện Can Lộc, Tỉnh Hà Tĩnh.
Lượng đã ra đi được 2 năm, sau khi sang Pháp một thời gian làm ở nhà hàng và cách đây mấy ngày đã di chuyển sang Anh trên chuyến xe định mệnh đó.
Trong vài năm qua, kể từ khi thảm họa Formosa xảy ra, nhiều thanh niên ở các vùng quê Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và nhiều nơi khác đã đua nhau theo những đường dây buôn người đi ra nước ngoài bằng mọi cách bất chấp mạng sống của mình.
Những người ra đi bỏ ra hàng chục ngàn euro cho đường dây môi giới này.
Họ đến châu Âu, đến Mỹ, Canada.. bằng mọi con đường, mọi cách thức khác nhau.
Một người đã cho chúng tôi biết rằng: Họ quá cảnh ở Hàn Quốc, sang Nga, rồi đi bộ qua Ukraina, sống ở đó một thời gian rồi tìm đường vượt biên vào Đức, sau đó sang Pháp rồi đường dây đưa người sẽ đưa từ Pháp sang Anh. Cả chuyến đi, họ phải trả số tiền khoảng 40.000 euro. Riêng việc di chuyển từ Pháp sang Anh, số tiền cho mỗi người là 14.000 euro.
Khi đến nước Anh, một số người không mang theo hộ chiếu hoặc bất cứ giấy tờ nào tùy thân, một số được cấp những giấy tờ giả hoặc bằng cách nào đó do đường dây lo liệu.
Nhiều trường hợp ra đi không xác định ngày trở về, cuộc “di cư bất đắc dĩ” đó có thể kéo dài hàng tháng, hàng năm mới đến đích hoặc không bao giờ đến đích.
Trên những chặng đường đó, họ đối diện với đủ các nguy hiểm nhất là với phụ nữ, trẻ em.
Hiện tượng này đã diễn ra nhiều năm qua và đã thành một phong trào trong nhiều làng mạc nông thôn nghèo ở những tỉnh miền Trung Việt Nam nghèo đói.
Nhất là khi thảm họa Formosa xảy ra, sau những dự án của các đại gia, nhà nước đã tiếp tay cho các tập đoàn sân sau cướp đất đai, nhà cửa của những nông dân chỉ biết lấy mảnh ruộng làm nguồn sống. Khi nguồn sống bị cắt đứt, họ buộc phải ra đi.
Rất nhiều trường hợp thương tâm đã xảy ra, nhiều người đã ra đi không bao giờ trở lại, thậm chí nhiều gia đình cho đến nay vẫn không biết tin tức về con cái mình.
Khi đến được các nước châu Âu, hoặc Mỹ, Canada… họ lại phải tiếp tục cuộc sống chui nhủi của thân phận kẻ ở lậu, trốn tránh pháp luật nước sở tại để đi làm chui kiếm tiền về trả nợ.
Và hàng năm, số ngoại tệ kiếm được bằng sức lao động, chui nhủi đầy tủi nhục của họ lại được gửi về Việt Nam.
Năm 2018 số ngoại hối chuyển về Việt Nam là hơn 16 tỷ USD, đứng thứ 8 so với các nước trên thế giới.
Những đồng tiền đó được sử dụng để trả thuế, để cho đảng và nhà nước tiêu dùng cho những dự án ngàn tỷ và tham nhũng ngàn tỷ.
Nhưng mấy ai biết được những đồng tiền đó thấm đẫm sự nhục nhằn, máu và nước mắt của những công dân, những người con đất Việt trên khắp thế giới.
Video phỏng vấn người nhà Nguyễn Đình Lượng:
Ngày 25/10/2019
J.B Nguyễn Hữu Vinh