Theo số liệu của Ngân Hàng Thế Giới mới công bố thì Việt Nam nằm trong 10 nước có lượng kiều hối lớn nhất thế giới. Cụ thể là kiều hối năm 2019 ước tính là 16,7 tỷ đô đứng ở vị trí số 9. Và theo số liệu của Liên Hiệp Quốc thì GDP của Việt Nam năm 2019 này chỉ có 205,2 tỷ đô thôi. Vậy thì kiều hối chiếm bao nhiêu so với GDP? Chiếm đến 8% GDP, một con số rất lớn.
Ngày 29/09/2019 trên báo Tin Tức có đăng bài “9 tháng năm 2019, Việt Nam ước tính xuất siêu gần 6 tỷ USD”. Trong bài này nói rằng, trong 9 tháng đầu năm năm 2019 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 194,3 tỷ đô, và tổng kim ngạch nhập khẩu là 188,42 tỷ đô. Vậy tính đến hết tháng 9, Việt Nam xuất siêu 5,88 tỷ đô. Nghe mừng nhỉ? Nhưng không! Đó là tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu trong đó doanh nghiệp FDI đóng vai trò chính. Mà ngoại tệ trong tay FDI là ngoại tệ của nước ngoài không phải của dân Việt. Muốn biết dân Việt thực sự sở hữu bao nhiêu ngoại tệ, hãy tách vai trò của FDI ra thì chúng ta mới thấy rõ bức tranh tổng thể về dòng ngoại tệ rót vào và chảy ra khỏi Việt Nam như thế nào.
Ngày 16/05/2019 trên báo Vneconomy có bài “Xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chiếm gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu”. Theo bài báo này, trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thì doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm đến 70%. Vậy là trong 9 tháng đầu năm 2019, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu chỉ chiếm 30% trong 194,3 tỷ đô, tương đương với 58 tỷ đô.
Ngày 15/08/2019 trên báo Vneconomy có bài viết “Xuất nhập khẩu khối doanh nghiệp FDI chiếm gần 63% kim ngạch cả nước”, nghĩa là doanh nghiệp Việt chiếm 37% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Mà trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước là 382,72 tỷ đô. Với tỷ trọng doanh nghiệp Việt chiếm 37% thì con số tương đương sẽ là 141,6 tỷ đô.
Trong 141,6 tỷ đô xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt thì như đã tính, xuất khẩu chiếm 58 tỷ, vậy còn lại 83,6 tỷ đô là lượng tiền mà doanh nghiệp Việt đã dùng để nhập khẩu hàng hoá. Tính ra, nhập khẩu cao hơn xuất khẩu là 25,6 tỷ đô. Hay nói cách khác, trong trao đổi buôn bán với thế giới, trong 9 tháng đầu năm 2019, doanh nghiệp Việt đã để 25,6 tỷ đô chảy ra ngoài. Vậy là nếu trong 3 tháng cuối năm không có gì thay đổi so với 9 tháng trước đó, thì ước tính hết năm 2019, số ngoại tệ mà các doanh nghiệp Việt Nam để chảy ra nước ngoài cỡ 34,1 tỷ đô.
Đó là chỉ mới tính đến 2 đường, đường kiều hối rót đô vào và đường thương mại làm cho đô la chảy ra khỏi Việt Nam. Thế thì câu hỏi đặt ra là, ngoài con đường thương mại, thì còn có con đường nào làm cho ngoại tệ chảy ra ngoài nữa không? Xin trả lời là có, có ít nhất 3 đường làm ngoại tệ chảy ra ngoài: thứ nhất là đầu tư du học; thứ nhì là mua nhà nước ngoài để định cư; thứ 3 là đầu tư ra nước ngoài bị thua lỗ.
Ngày 06/06/2018 báo Soha có bài “Mỗi năm người Việt chi 3 đến 4 tỷ USD đi du học”. Năm 2019 người Việt đã quẳng bao nhiêu biền cho du học? Chắc là không dưới 3 tỷ đô, nhưng tạm tính là 3 tỷ.
Ngày 16/08/2018 cũng trên báo Soha có bài “Người Việt chi 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ: ‘Con số thực tế còn cao hơn nhiều’”. Đấy là năm 2018, còn nếu giả sử năm 2019 người Việt cũng chi 3 tỷ đô để mua nhà Mỹ thì tính sơ sơ, ngoại tệ chảy ra theo ngả du học và ngả mua nhà là hơn 6 tỷ đô rồi.
Ngày 20/03/2019 trên báo BizLive có bài viết “Trong 12,6 tỷ USD vốn đầu tư ra nước ngoài PVN chiếm hơn một nửa”. Trong bài này cho biết rất nhiều dự án trong đó bị thua lỗ hoặc bị mất trắng. Mà thua lỗ và mất trắng thì ngoại tệ không thể rót về Việt Nam mà là chảy ra ngoài. Không có con số nên tạm không tính con số thua lỗ hay mất trắng này.
Như vậy chỉ có đường kiều hối là rót vào 16,7 tỷ đô, đường thương mại chảy ra 34,1 tỷ đô, đầu tư du học chảy ra hết 3 tỷ đô, mua nhà Mỹ chảy ra 3 tỷ đô. Tính sơ sơ thì trong năm 2019 đô la từ trong nước chảy ra nước ngoài hết 40,1 tỷ đô. Vậy thì đằng sau con số kiều hối và xuất siêu đẹp đẽ kia, nếu tách nhóm FDI ra thì sự thật rất ê chề chứ không đẹp đẽ như chính quyền CS thông báo đâu. Thật sự chính quyền CS đang rất đói ngoại tệ và họ đang chạy vạy xin vay khắp nơi. Và hiện năm 2019 này, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đang có kế hoạch vay 500 ngàn tỷ tương đương 21,5 tỷ để chi tiêu. Số tiền này nếu vay được vẫn không đủ đắp vào số ngoại tệ đã chảy ra ngoài.
Đấy là tính những luồng ngoại tệ có kiểm soát, còn những luồng không kiểm soát thì rất khó thống kê. Nhưng dù cho thế nào đi nữa thì hiện nay ĐCS họ thừa biết ngoại tệ trong dân không nhiều và họ đang tìm cách vét, và đồng thờ họ cũng đang tìm những thứ gì còn lại ở cái đất nước khốn khổ này mà có thể đem bán được thì bán để kiếm ngoại tệ về làm nguồn dự trữ, và để quan chức làm giàu.
Với dòng ngoại tệ bị chảy ra ngoài nhiều như vậy thì chắc chắn ngoại tệ trong nước ngày khan hiếm. Nếu in tiền vét ngoại tệ mà cũng không đủ, thì chính quyền CS tính sao? Câu trả lười là, lúc đó đồng tiền có hình Mao Trạch Đông sẽ được mở cửa cho lưu hành phổ biến. Đó cũng là một trong những lý do để ĐCS buộc phải nhịn Bắc Kinh. Để chi vậy? Để ngày mai này khi CSVN lâm vào thế khó khăn, Bắc Kinh sẽ bung Nhân Dân Tệ ra cứu vớt CSVN. ĐCS sẽ còn nhượng nữa, nhượng mãi chứ không bao giờ dám có tiếng nói làm phật lòng với Bắc Kinh. Thế của ĐCS là vậy, thế phải bán nước bằng Nhân Dân Tệ và ngày đó sẽ công khai thôi.
-Đỗ Ngà-
Tất cả số liệu trong bài được lấy từ các bài báo sau, xin mọi người tham khảo:
http://vneconomy.vn/viet-nam-tiep-tuc-trong-top-10-nuoc-nha…
http://data.un.org/en/iso/vn.html
https://baotintuc.vn/…/9-thang-nam-2019-viet-nam-uoc-tinh-x…
http://vneconomy.vn/xuat-khau-cua-doanh-nghiep-fdi-chiem-ga…
http://vneconomy.vn/xuat-nhap-khau-khoi-doanh-nghiep-fdi-ch…
https://soha.vn/moi-nam-nguoi-viet-chi-3-den-4-ty-usd-di-du…
https://soha.vn/nguoi-viet-chi-3-ty-usd-mua-nha-o-my-con-so…
https://bizlive.vn/…/trong-126-ty-usd-von-dau-tu-ra-nuoc-ng…
https://m.vietnamnet.vn/…/no-cong-vay-them-gan-500-nghin-ty…