Hỏi gì mà ngu thế. Ban Dân vận của Đảng làm việc vận động nhân dân đi theo Đảng chứ còn gì nữa. Nhưng tại sao phải vận động khi Đảng đã nắm chắc chính quyền? Phải chăng không vận động thì dân sẽ không theo hoặc chống lại?
Khi đang hoạt động bí mật, Đảng cần tuyên truyền vận động để lôi kéo nhân dân, còn khi Đảng đã nắm chắc chính quyền, thực hành thống trị như bây giờ thì việc Dân vận chẳng qua là tuyên truyền, theo dõi, kìm kẹp.
Đảng đã thực hành toàn trị, có việc gì muốn dân làm thì biến nó thành luật pháp. Hơn nữa nếu thực sự cần vận động nhân dân làm việc gì đó đột xuất thì đã có hệ thống chính quyền và Mặt trận Tổ quốc. Hình như trước đây Ban Dân vận và Mặt trận là một tổ chức, đến năm 1981 mới tách ra thành hai. Hỏi rằng hai tổ chức này có dẫm đạp lên nhau hay không?
Về dân vận, ngày 15 tháng 10 năm 1949, tờ Sự thật đăng bài báo của Hồ Chí Minh với 4 mục: (1) Nước ta là nước dân chủ; (2) Dân vận là gì?; (3) Ai phụ trách dân vận?; (4) Dân vận phải thế nào?
Tuyên truyền của Đảng ca ngợi bài báo hết lời, cho rằng “Đó là cương lĩnh dân vận của Đảng cộng sản Việt Nam, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, cần thiết trong mọi giai đoạn cách mạng”.
Tôi đã nghiên cứu bài báo, phát hiện ra mâu thuẫn giữa mục 1 và 3 mục còn lại.
Ở mục 1 cho rằng Dân là chủ, có mọi quyền hành. Ở các mục sau xem dân như những người kém trình độ, cần được dạy bảo và tìm cách huy động tối đa lực lượng của dân để phục vụ cho Đảng. Không bàn gì đến vấn đề quan trọng nhất là “Lập Quyền Dân”.
Hiện nay Ban Dân vận Trung ương, ngoài văn phòng và một Tạp chí còn có 6 vụ và 2 cơ quan đại diện. Có một trưởng và 5 phó ban, có trên 30 vụ trưởng, vụ phó hoặc tương đương (số cán bộ và nhân viên chắc phải đến trên trăm).
Ban Dân vận ở các tỉnh thành quận huyện cứ theo quy mô của Trung ương mà phát triển, tổng số cán bộ, nhân viên có lẽ đến nhiều ngàn.
Đã có Mặt trận TQ, lại lập thêm Ban Dân vận. Thế là thể hiện tư tưởng trọng dân và tin dân hay là nghi ngờ, coi thường hoặc đề phòng dân? Hình như các đảng cầm quyền ở các nước dân chủ không nơi nào có tổ chức tương tự.
Để tỏ ra Dân vận là quan trọng nên Đảng cần có một ủy viên Bộ Chính trị phụ trách công tác này. Hiện tại là bà Trương Thị Mai. Tôi đã theo dõi xem bà Mai làm Dân vận như thế nào. Thấy rằng bà đi hết nơi nọ đến nơi kia, nói ra những lời tưởng là hay ho, nhưng hàm chứa thái độ ban ơn và coi thường dân.
Ngay khái niệm “Dân vận” đã hàm ý coi thường dân. Phải vận động dân vì cho rằng mình hiểu biết, giỏi giang, còn dân kém cỏi. Sự kiêu ngạo cộng sản, tự cho mình là hay, là giỏi, là làm thầy thiên hạ, là có công lớn với dân tộc. Đảng tự xưng là Đội tiên phong, là tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, là đạt từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và bắt nhân dân ghi ơn, nhớ ơn, tôn thờ.
Về công khai, Đảng nói: Chính quyền của Dân, do Dân, vì Dân, nhưng thực tế Chính quyền là của Đảng, họ đã dùng sức mạnh, thủ đoạn để cướp Quyền Dân.
Một phát ngôn của bà Trương Thị Mai, được nhiều đài, báo ca ngợi là: “Các cấp ủy Đảng cần đảm bảo lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân trong việc tham gia giám sát chính quyền”.
Mới nghe qua tưởng là hay, phân tích kỹ mới thấy thái độ ngạo mạn, coi thường Dân. Đáng lẽ phải tôn trọng quyền làm chủ của Dân thì người ta đem lợi ích ra để làm mồi. Mà giám sát chính quyền là nghĩa vụ, là trách nhiệm chứ lợi ích gì? Mà tại sao lại chỉ tham gia, tham gia với ai?
Quyền quan trọng nhất của nhân dân là bầu cử người đại diện. Quyền đó đã bị Đảng lợi dụng để bày ra trò dân chủ giả hiệu. Đảng chủ trương nắm chắc 100% công tác cán bộ, nhân dân chỉ đóng vai trò bung xung.
Tuyên truyền Dân vận, nhưng phải chăng chỉ là trò dối trá, ngụy biện?
Tại Đại hội 13 nên thảo luận việc giải tán nhiều ban bệ của Đảng, trong đó có Ban Dân vận./.