Một tàu ngầm tên lửa hạt nhân khổng lồ của Trung Quốc đã trồi lên mặt biển giữa các tàu đánh cá Việt Nam ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa trong tháng 9 vừa qua, được báo chí quốc tế đưa ra ánh sáng bắt nguồn từ trang Twitter của Duan Dang @duandang đăng lên hôm nay.
Theo nhà phân tích chiến tranh tàu ngầm quốc tế, ông H.I. Sutton, đây là một tàu ngầm loại “Type 094A Jin Class” 11.000 tấn của Trung Quốc.
Sự xuất hiện của tàu ngầm Trung Quốc một cách bất thường giữa đoàn tàu đánh cá của Việt Nam có thể là một sự răn đe mới mẻ của Bắc Kinh, hoặc là một tai nạn kỹ thuật nào đó đã buộc chiếc tàu ngầm phải nổi lên mặt biển, làm lộ vị trí của nó.
Trên căn bản quân sự, mục đích duy nhất của tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, chạy bằng năng lượng hạt nhân như lớp “Jin Class” của Trung Quốc là nằm kín ở dưới nước trong nhiều tháng liền, không lộ vị trí và trở thành mối đe dọa để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công bất ngờ. Trung Quốc không cần phải nổi lên mặt biển một chiếc tàu ngầm hạt nhân như vậy để đe dọa các tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam. Vì thế, nó có thể là một “tai nạn” đáng hổ thẹn của Hải quân Trung Quốc.
Phiên bản “Type 094” là tàu ngầm tên lửa đạn đạo trang bị hạt nhân (SSBN) thế hệ thứ hai của hải quân Trung Quốc được phát triển có thể bắt đầu vào đầu thập niên 1980. Nó là sự kế thừa của phiên bản “Type 092”, một phiên bản cũ không đáng tin cậy, đưa đến các thảm họa và có rất ít giá trị chiến lược. Toàn bộ dự án phát triển của “Type 094” đã được giữ bí mật bởi nhà cầm quyền Bắc Kinh, và tin đồn cho rằng có sự giúp đỡ thiết kế của Nga.
Chiếc tàu ngầm loại “Type 094” đầu tiên đã được đưa vào hoạt động vào năm 2010. Một số nguồn tin cho rằng các tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Trung Quốc này đã gặp phải nhiều vấn đề và lỗi thiết kế khác nhau. Theo một báo cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, cho đến năm 2018, Trung Quốc chỉ hoàn tất và vận hành được 4 tàu ngầm tên lửa đạn đạo loại này.
Chiếc tàu ngầm của Trung Quốc đã nổi lên giữa các tàu cá Việt Nam tại Hoàng Sa là một trong số những chiếc được hoàn thành trong một dự án cải tiến, được gọi là “Type 094A” (có thêm chữ A sau số 094). Các tàu ngầm này được triển khai trên căn cứ hải quân Longpo trên đảo Hải Nam, nhưng chưa bao giờ được giao phó các nhiệm vụ tuần tra chiến lược răn đe tầm xa, có thể do các vấn đề khác nhau và lỗi thiết kế. Thay vào đó, chúng chỉ được sử dụng để tuần tra dưới lòng Biển Đông.
Các tàu ngầm Trung Quốc, ngay cả phiên bản cải tiến 094A, vẫn không tiên tiến hoặc tàng hình như các tàu ngầm tên lửa đạn đạo phương Tây. Trên thực tế, tàu ngầm “Jin class” của Trung Quốc thậm chí còn thua kém các tàu ngầm “Kilo class” của Nga (mà Việt Nam đang có 6 chiếc). Trung Quốc luôn bị tụt lại phía sau về công nghệ tàu ngầm. Các tàu lớp “Type 094” của Trung Quốc hiện nay cũng ồn ào không thua gì các tàu ngầm lớp “Delta III” cũ rích của Nga đã được thiết kế vào cuối thập niên 1960.
Theo bài viết của ông Sutton trên báo Forbes hôm nay, tàu ngầm và tàu cá không trộn lẫn với nhau. Năm 1984, một chiếc tàu ngầm Liên Xô đã vướng vào lưới của một tàu đánh cá Na Uy. Sau nhiều giờ cố gắng tự giải phóng không được, chiếc tàu ngầm đã phải nổi lên, phơi bày sứ mệnh và vị trí của nó trước khối NATO.
Vì vậy, tàu ngầm Trung Quốc có thể bị vướng vào lưới đánh cá của Việt Nam, hoặc lo ngại đã bị vướng lưới, nên buộc phải trồi lên mặt biển để cứu mạng thủy thủ đoàn của Trung Quốc (hoặc cứu mạng ngư dân Việt Nam không bị lôi tàu cá chìm xuống biển, và điều này không tưởng đối với thái độ của Trung Quốc hiện nay trên biển Đông).
Thật là trớ trêu, nếu tàu ngầm Trung Quốc thật sự gặp sự cố vì lưới đánh cá của ngư dân Việt Nam tại vùng biển Hoàng Sa ngoài khơi Quảng Ngãi./.