Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân
Trong tuần qua, dư luận có dịp bàn tán xôn xao câu chuyện khá hy hữu của nữ Trưởng Phòng Quản Lý Trần Thị Ngọc Ái Sa của tỉnh uỷ Đắk Lắk.
Qua một đơn tố cáo nặc danh, người ta khám phá ra câu chuyện người em là Trần Thị Ngọc Thảo đã sử dụng bằng cấp và tên họ của người chị Trần Thị Ngọc Ái Sa để bước chân vào chốn quan trường.
Đầu tiên, năm 1999 Ngọc Thảo với lý lịch Ái Sa đã xin vào làm việc tại Công ty cổ phần XNK 2-9 Đắk Lắk. Tại công ty này, từ một người chưa tốt nghiệp THPT, Ngọc Thảo đã học xong trung cấp kế toán và đại học kế toán, do đó được nhận vào làm kế toán cho Nhà khách tỉnh uỷ. Để rồi năm 2009 cô đường hoàng bước vào phòng quản trị của văn phòng tỉnh uỷ trong chức vụ kế toán viên thường. Nhưng chỉ trong vòng 3 năm từ 2009 đến 2013 “Kế toán viên Ái Sa” được bổ nhiệm phó phòng quản trị và bước lên ghế trưởng phòng năm 2013.
Như vậy có thể nói sự nghiệp của bà Trưởng Phòng Ái Sa (tức Thảo) đã thăng tiến một cách đúng quy trình vì nó kéo dài 20 năm liên tục, không thể gọi là quá nhanh hay có gì mờ ám. Mà có mờ ám hay không thì chỉ có các lãnh đạo và nội bộ của văn phòng tỉnh uỷ biết, làm sao có ai bên ngoài biết được.
Chẳng may vào tháng Tám năm 2019, Trần Thị Ngọc Thảo bị tố cáo sử dụng hồ sơ giả mang tên chị và cuộc điều tra xác nhận là đúng. Đương sự “xin thôi việc” và cũng bị khai trừ ra khỏi đảng, nhưng cuộc điều tra còn hướng về người giới thiệu cũng như người có nhiệm vụ kiểm tra lý lịch.
Qua câu chuyện “giả mà thật” này, người ta thấy nó cũng na ná giống với vụ Hot Girl Thanh Hoá năm nào, liên hệ tới Phó Chủ Tịch UBND Ngô Văn Tuấn. Dù có thể không ăn ốc nhưng phải đổ vỏ, Tuấn bị quy tội “nâng đỡ thiếu trong sáng” đối với nhân viên Trần Vũ Quỳnh Anh trong thời gian làm giám đốc Sở Xây Dựng.
Như vậy thì sắp tới đây, chắc chắn tỉnh uỷ Đắk Lắk sẽ tìm cách đưa ra vài con dê tế thần cho vụ thăng quan tiến chức của bà Ngọc Thảo, nhằm mục đích ém nhẹm cho qua. Nhưng đây chưa phải là màn cuối cùng của câu chuyện mà sẽ còn nhiều màn khác từ từ xuất hiện nhất là giai đoạn “nồng ấm” giữa trưởng phòng quản trị và lãnh đạo tỉnh uỷ bị ai đó phanh phui.
Cũng qua câu chuyện này, chúng ta không khỏi chạnh lòng về hệ thống hành chánh của Việt Nam hiện nay.
Một quốc gia muốn phát triển lành mạnh, ngoài việc chọn một thể chế chính trị thích hợp còn phải có một chính sách minh bạch trong đào tạo, tuyển dụng cán bộ phục vụ bộ máy hành chánh từ trung ương tới địa phương. Đó là những quy định nghiêm khắc về thi cử, khảo sát trình độ chuyên môn phải do một bộ phận độc lập tiến hành. Bộ phận này không những độc lập về hình thức mà còn có đầy đủ thực quyền, thấu triệt nhiệm vụ, và đứng ra ngoài mọi biến chuyển chính trị.
Nếu có một đảng cầm quyền thì đảng ấy cũng không được đem đường lối, chính sách của mình ảnh hưởng hay chi phối tính cách liêm khiết của cơ quan này. Có như thế người công chức được tuyển chọn bằng con đường tài năng làm việc cho các cơ quan trong chính phủ mới cảm thấy đầy đủ trách nhiệm của một công bộc để hãnh diện phục vụ người dân trong tinh thần trong sáng, minh bạch và chí công vô tư.
Ở Việt Nam hiện nay, lãnh đạo cộng sản đã sai lầm chọn thể chế cộng sản với con đường độc tài toàn trị, vì thế họ không có một cơ chế độc lập về đào tạo và bổ nhiệm công chức cán bộ trong bộ máy hành chánh và bộ máy đảng. Ban Bí thư, bên cạnh có Ban Tổ Chức giữ độc quyền chọn lựa, bổ nhiệm và ngay cả việc hoán chuyển nhân sự.
Trên nguyên tắc mọi sắp xếp nhân sự, thu dụng cán bộ trong các cơ quan hành chánh nhà nước là thuộc quyền Bộ Nội Vụ. Nhưng đã có đảng uỷ cơ quan lãnh đạo nên tất cả cũng chỉ vận hành theo sự chỉ đạo xuyên suốt của đảng. Một khi đã nằm trong quy trình chỉ đạo của đảng thì nhân sự phải theo hình thức giới thiệu của nhân vật nào đó ở cấp cao hơn, hoặc do chính sự chọn lựa, sắp xếp của Ban Tổ Chức mà không cần thông qua một hình thức khảo sát nào về kiến thức và khả năng.
Vì thế có thể nói, bộ máy hành chánh của các chế độ độc tài cộng sản không sử dụng người theo tài năng hay nhu cầu của quốc gia mà là do nhu cầu bè phái và lợi ích của đảng. Đây là cha đẻ của tệ nạn tham nhũng và nó cũng cắt nghĩa tại sao bộ máy ấy càng ngày càng tỏ ra tha hoá và bất lực đến mức kinh khủng.
Sự kiện bà Ngọc Thảo đội tên chị Trần Thị Ngọc Ái Sa để được đưa vào biên chế công nhân viên từ năm 1999 để rồi lên tới trưởng phòng cơ quan tỉnh uỷ ắt phải có một nhân vật đỡ đầu. Thời gian đã 20 năm, nhân vật này chắc chắn không còn ở ghế cao nữa mà có thể đã về hưu. Nhưng mọi sự giờ đây cứ đi theo nếp cũ, dù có kiểm tra lại cũng chỉ là… rút kinh nghiệm.
Trong một chế độ ám muội và bất công, việc một người phụ nữ nghèo, ít học dùng mọi thủ đoạn để chen chân vào bộ máy hành chánh và tiến thân thành công cũng không có gì đáng trách. Đáng lên án chính là những kẻ mang danh lãnh đạo tỉnh uỷ nhưng bất xứng, lạm dụng quyền lực, dùng sắc giới phụ nữ đề thoả mãn lợi ích riêng tư.
Tệ trạng của một nền hành chánh được báo chí gọi dưới nhóm từ “nâng đỡ thiếu trong sáng” xem ra không chỉ áp dụng cho các Hot Girl mà cho bất cứ ai trong bộ máy hành chánh độc tài, quan liêu và phe nhóm của đảng CSVN. Thẳng thắn mà nói, có biết bao tấm bằng giả đã được sử dụng làm nhịp cầu để được đề bạt làm bí thư xã, bí thư huyện, bí thư tỉnh lên tới cấp trung ương.
Sự bất hạnh của dân tộc Việt Nam chính là ở chỗ có quá nhiều lãnh đạo bất xứng cai trị quá lâu, nên khi đất nước cần sự bảo vệ thì cả đám chỉ biết co đầu rụt cổ.
Phạm Nhật Bình