Mồm miệng đỡ chân tay.
Thành ngữ
Vài năm trước – từ Miên – tôi sang Lào bằng cửa khẩu Stung Treng rồi lần lên phía Bắc qua Pakse, Savannakhet, Vientiane, Vang Vieng, Luang Prabang … Sau cuộc hành trình này, tôi đi đến một kết luận (hơi) nghiêm trọng: “Người Lào hoàn toàn không có khái niệm gì về thời gian cả”. Hay nói cách khác, bằng ngôn ngữ âm nhạc của Phạm Duy, là họ luôn cố giữ “đừng cho không gian đụng thời gian.” Bất cứ đâu – ở đất nước này – bạn cũng có thể thấy những cô gái Lào đang thản nhiên tắm suối, hay hồn nhiên ngồi quay sợi và dệt vải, cứ như thể là chúng ta vẫn còn đang sống ở Thời Trung Cổ vậy.
Mỗi năm một tuổi. Năm nay, tôi già hơn và mệt mỏi hơn (thấy rõ) nên chỉ thoáng nghĩ đến những con đường nhỏ bé/ngoằn ngoèo/dằn xóc ở Lào cũng đã cảm thấy hơi yếu trong người. Bởi vậy, thay vì đi xe, tôi bay luôn đến Luang Namtha (rồi) từ đây mới tà tà xuôi Nam bằng xe hoặc ghe đò.
Đến Si Phan Don (Quần Đảo Bốn Ngàn) ở cực Nam Lào có thể nghe được tiếng gà xao xác gáy bên kia bờ sông, thuộc đất Cambodia. Gọi 4000 Islands là quần đảo nghe cho nó vui (tai) chứ thực sự thì hầu hết đều chỉ là những cồn cát nhỏ, bỏ hoang, không có chi ngoài cây cỏ/ trâu bò và cò vạc.
Hai trong ba hòn đảo lớn tập trung dân cư là Don Det và Don Khone, cách nhau cỡ năm bẩy cây số, được nối liền bằng một cái cầu. Đi thuyền cũng tiện nhưng tôi quyết định dùng xe (đạp) chơi, trông cho nó có vẻ trẻ trung.
Thiệt là một “quyết định” vô cùng … ngu xuẩn!
Ai mà dè đường đất gồ ghề và mấp mô dữ vậy, hả Trời. Lại đang giữa mùa mưa nên nhiều đoạn ngập ngụa bùn lầy và trơn trượt. Ngay cả đường vào tình yêu (“có trăm lần vui có vạn lần buồn”) theo như cách mô tả của Y Vân chắc cũng không đến nỗi khó khăn và gian truân đến thế. Tôi đạp vã mồ hôi mà chả thấy xóm làng, nhà cửa gì hết trơn hết trọi.
Thỉnh thoảng mới có một cô hay một cậu đi Honda cùng chiều, hoặc trái chiều (cũng lấm len bùn đất) khiến tôi mừng húm:
– Hello, từ đây tới Don Khone còn bao xa?
– Hello, how far from here to Don Khone?
Dù chắc chắn không ai biết tiếng Việt hoặc tiếng Anh nhưng chỉ nhìn vào hình ảnh trước mắt (một ông già mặt mũi bơ phờ, áo ướt đẫm mồ hôi, ngồi trên cái xe đạp bê bết đất bùn) họ đều “thầm hiểu” vấn đề. Tất cả đều trả lời y như nhau, và đều trật lất:
– 100 meters. 100 metres …
Mới đầu, tôi tưởng thiệt. Sau gần chục lần (“100”) như thế tôi vẫn thấy mình đang còn ở giữa đồng không mông quạnh. Từ đó, tôi mới ngộ ra rằng người Lào cũng hoàn toàn không có ý niệm chi rõ ràng, hay chính xác, về không gian cả. Ở xứ sở này, xem chừng, chả ai phải bận rộn hay vội vàng gì. Cứ đi lai rai, trước sau gì cũng tới thôi. Hỏi han, thăm dò làm chi cho má nó khi.
Mà thiệt, cuối cùng, tôi cũng đến Don Khone! Nơi đây hoang dại, trầm lắng và thơ mộng hơn hẳn hai hòn đảo lân cận. Xuyên suốt chỉ có mỗi một con đường đất hẹp, chạy dọc theo bờ sông. Nhờ thế tôi “khám phá” ra ngay được một “di tích” nhỏ: La Villa Patrimonial Francais.
Ngôi biệt thự này được xây vào năm 1896 để dùng làm nơi nghỉ mát cho mấy ông quan thời thuộc địa. Nay thì nó trở thành khách sạn Sala Done Khone Hotel với giá đắt gấp đôi (U.S.A dollars 24 một ngày) những nhà trọ kề bên. Lý do giản dị chỉ vì đây đã từng là nơi qua đêm của nhiều quan chức cao cấp, cỡ toàn quyền và cả đống những ông đại sứ – theo như (nguyên văn) của mấy dòng chữ ghi trên tấm biển quảng cáo, ghi ngay ở cổng vào: Cette villa a acceullie de nombreux officers de hau rant tel M. Paul Dumer, le gouverneur de l’Indochine francaise et de nombreux ambassadeurs venus visiter 4000 iles.
Oh! Tưởng ai chứ Paul Doumer thì dù tên ông bị viết sai (Dumer) tôi vẫn nhận ra. Ông nổi tiếng không chỉ vì tài ba mà còn vì hay được “báo chí cách mạng VN” nhắc đến với những lời lẽ không lấy gì làm ưu ái:
“Cần phải nói rõ, Paul Doumer được cử giữ chức Toàn quyền Đông Dương từ năm 1897 đến 1902. Là nhà cai trị độc tài, vừa đến Việt Nam, Paul Doumer liền nghĩ đến một chương trình kiến thiết đầy tham vọng, mục đích nhằm khai thác kinh tế Việt Nam. Dưới thời của ông, chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam bước sang một bước ngoặt mới. Ông chủ trương biến chế độ bảo hộ thành chế độ thực trị, xóa bỏ chủ quyền và thống nhất của Việt Nam. Ông tổ chức khai thác cùng kiệt nguồn tài nguyên của các nước Đông Dương, biến nơi đây thành một thị trường cho kỹ nghệ và thương mại của thực dân Pháp. Ông đã cho kiến thiết lại hệ thống hạ tầng cơ sở tại Đông Dương nhưng người dân Việt phải chịu sưu thuế rất nặng nề để phục dịch và chu cấp cho việc này.”
Wikipedia (giọng Hà Nội) cũng thế:
“Ông chủ trương biến chế độ bảo hộ thành chế độ thực trị, xóa bỏ chủ quyền và thống nhất của Việt Nam, mang đến phân hóa rõ rệt giữa ba miền. … Ông cũng tổ chức khai thác tài nguyên của các nước trong Liên hiệp Đông Pháp, biến Đông Dương thành một thị trường cho kỹ nghệ và thương mãi của Pháp, và cùng lúc thành lập nơi đây một tiền đồn kinh tế và quân sự vững chắc của thực dân Pháp tại toàn cõi Viễn Đông.”
Tưởng cũng nên nghe thêm một tiếng nói khác, chừng mực và khách quan hơn, từ trang mạng có trụ sở đặt tại Hoa Kỳ – TRITHUC.VN:
“Paul Doumer là một chính khách người Pháp, sinh năm 1857. Ông làm Toàn quyền Đông Dương từ 1897-1902. Cuốn hồi ký “Xứ Đông Dương” là một tài liệu quý viết riêng về hành trình, nhận định và trải nghiệm của ông trong giai đoạn 5 năm ở Đông Dương, mà phần lớn là ở Việt Nam (thời đó gọi là An Nam).
Về con người của Paul Doumer, ông là người có kiến thức nhiều lĩnh vực, là Bộ trưởng tài chính Pháp trước khi sang Đông Dương nhận chức Toàn quyền. Sau này ông còn làm Tổng thống Pháp từ 1931-1932. Quyển “Xứ Đông Dương” ghi lại nhiều nhận định của ông về nhiều mặt: địa lý, kinh tế, hành chính, con người, văn hóa… ở những nơi ông đi qua.
Để phục vụ nước Pháp hết mình, Doumer đã ra sức chấn chỉnh bộ máy quản lý ở các xứ thuộc địa, đồng thời xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, đáng chú ý như: cầu Doumer (sau đổi tên thành cầu Long Biên) – được coi là một kỳ quan của Đông Dương thời ấy, cầu Thành Thái (tức cầu Tràng Tiền) bắc qua sông Hương ở Huế và cầu Bình Lợi bắc qua sông Sài Gòn.
Ông cũng chính là người đã ủng hộ và hậu thuẫn công việc nghiên cứu của Yersin, đồng ý xây dựng thành phố Đà Lạt và đưa cây cao su vào trồng. Dưới thời cai trị của Paul Doumer, Hà Nội là thành phố châu Á đầu tiên có điện.
Paul Doumer hành động hoàn toàn vì lợi ích của nước Pháp. Nhưng ông là một nhà kinh tế có tài và có tầm nhìn. Chính do vậy, người Pháp có lợi nhưng xứ thuộc địa cũng được hiện đại hóa, Tây phương hóa.”
Phạm Văn Đồng giữ chức Thủ Tướng 32 năm (1955–1987) Lê Duẩn làm Tổng Bí Thư 25 năm nhưng cả hai không để lại cho hậu thế một ngôi trường hay một ngôi trường hay cây cầu nào ráo. Hồ Chí Minh cũng thế. Ông là Chủ Tịch Nước kiêm Chủ Tịch Đảng 24 năm trời nhưng chỉ để lại cho đời Hồ Chí Minh Toàn Tập (trọn bộ 15 cuốn). Theo gương của Bác, những đồng chí lãnh đạo kế tục cũng đều mỗi người in chơi vài … tập:
Tuyển Tập Nguyễn Phú Trọng
Đ …mẹ, chúng thay nhau nói, đứa nào cũng nói luôn mồm và chỉ nói thôi chứ chả thằng đéo nào làm được một con đường hay một cái cầu nào ráo – kể cả cầu tiêu!
Tưởng Năng Tiến
9/2019