Việt Nam có vị trí gần Trung Quốc, điều đó không thể thay đổi. Chuyện tranh chấp không thể nào tránh khỏi. Với kẻ yếu như Việt Nam, nếu tranh chấp tay đôi với Trung quốc không thể có sự công bằng cho mình được. Liên minh quân sự với kẻ mạnh hơn Trung Cộng để tìm lợi thế cho mình là cách duy nhất để Việt Nam đứng vững. Nhật và Hàn đã nhìn ra hướng giải quyết này từ rất sớm, và họ đã có bước đi vững chắc. Đó là bài học cho Việt Nam.
Thực tế trên thế giới, đất nước nào tiến bộ thì chính quyền đó tử tế. Luôn có mối quan hệ hữu cơ rất chặt chẽ giữa sự tử tế của chính quyền với sự cường thịnh của quốc gia đó. Chính vì vậy, mà chúng ta thấy rằng, Mỹ luôn chọn kẻ giàu để chơi, bởi vì họ chọn kẻ giàu cũng đồng nghĩa với việc họ chọn kẻ tử tế. Trong mối quan hệ hợp tác, chỉ có những kẻ tử tế cộng tác với nhau thì mới có được thế trận cả 2 cùng thắng win-win. Còn một khi có 1 trong 2 hoặc cả 2 kẻ hợp tác đều là phường lưu manh thì ắt sẽ xuất hiện hiện tượng lừa gạt nhau, lợi dụng nhau, ỉ mạnh bắt hiếp yếu vv.. Mối quan hệ Việt Trung là hình mẫu của sự bắt tay giữa phường lưu manh với nhau như thế.
Trên thế giới, chúng thấy rằng mối quan hệ giữa Mỹ -Nhật, Mỹ – Hàn vẫn chặt chẽ hơn mối quan hệ Mỹ – Phi. Vì thiếu tầm nhìn nên năm 1992, Philippines đã để Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi căn cứ Subic, để rồi hôm nay Trung Quốc lộng hành Biển Đông mà chẳng làm gì được họ ngoại trừ kiện. Như vậy qua đây chúng ta thấy, để giải bài toán làm sao Việt Nam đứng vững trước Trung Cộng thì bắt buộc Việt Nam phải liên minh quân sự với Mỹ. Mà để liên minh với kẻ tử tế thì trước hết mình phải là kẻ tử tế. Với chất lưu manh trở thành gene duy truyền thì mãi mãi ĐCS không làm được một chính quyền tử tế được.
Những cuộc gặp gỡ cấp cao giữa người đứng đầu nhà nước Việt Nam và tổng thống Hoa Kỳ nếu nhìn sâu vào bản chất, thì nó là một sự cầu cạnh. Phía Việt Nam mỗi khi muốn gặp thì bộ ngoại giao Việt Nam vận động hành lang rất mạnh để có được cái gật đầu của tổng thống Mỹ. Cần phải biết, trong các cuộc gặp gỡ ấy, dù cho đó là Mỹ đến thăm Việt Nam hay phía Việt Nam sang Mỹ thì luật chơi không bao giờ thay đổi, Mỹ vẫn là kẻ ra giá và Việt Nam phải là kẻ trả giá. Thực tế, Mỹ đã ra giá quá cao, với tầm của ĐCS thì không bao giờ với tới được. Chính vì thế mà mối quan hệ này chỉ dừng lại ở việc mở rộng buôn bán, còn vấn đề hợp tác với Mỹ để mang lại sự an toàn cho Việt Nam trước Trung Cộng thì vẫn đang là con số zero tròn trĩnh.
Thực ra không phải Việt Nam không muốn nhích lại gần Mỹ, mà đúng hơn là Mỹ không muốn kết thân với một kẻ lưu manh như Việt Nam. Kết thân gì với thằng mà trong nước của nó nó chửi mình, nhưng khi gặp mình nó năn nỉ vuốt ve? Nói thẳng ra là CSVN không đủ độ tử tế để kiếm một quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ. Cho nên mối quan hệ Mỹ – Việt chỉ tới như vậy thôi không thể tiến xa hơn.
Thực ra bảo CS tử tế thì còn khó hơn lên trời hái sao, vì vậy mà bài toán chọn đồng minh để cân bằng tiếng nói với Trung Cộng đang là một bài toán hoàn toàn bế tắc đối với chính quyền Hà Nội. Tuy đi khắp nơi bắt tay để khè với dân Việt rằng “Thấy chưa! Đảng có nhiều bạn chưa?”, nhưng thực chất trong một rừng cái bắt tay xã giao đó CSVN không không hề có mối quan hệ khăng khít nào cả, CSVN đang rất đơn độc. Chính sách 3 không “không tham gia các liên minh quân sự với bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia” theo tôi chưa hẳn là Ba Đình muốn vậy, mà đó là vì trong tình thế chơ vơ không có ai để bấu víu nên đành xổ ra cái chính sách 3 không ấy cho oách rằng “bởi tao không thèm chơi với kẻ khác chứ chẳng phải không ai chơi với tao à nha” đại khái là ý đồ của họ như vậy.
Thực chất mối quan hệ với Mỹ không hề có tiến triển, “trong cái khó ló cái khôn”, và một trong “cái khôn” đó của Hà Nội là, giật lấy tấm khiên của các anh cường quốc để che chắn cho mình. Nghĩa là sao? Nghĩa là Hà Nội mời các công ty dầu khí từ các cường quốc như Anh, Tây Ban Nha, Mỹ, Nga đến để án ngữ tại vị trí tranh chấp, và ĐCSVN nghĩ rằng, với những tấm khiên như BP, Repsol, ExxonMobil thì Trung Cộng sẽ ngại đụng tới- một kế sách khá ma lanh. Thế nhưng Hà Nội đã lầm, dù cho có tấm khiên made in USA nhưng Trung Cộng giật văng hết mà không hề ngán ngại. Những BP, Repsol, ExxonMobil lần lượt đều rút chạy làm ĐCSVN phải vơ vét tiền dân đền bù cho những công ty này vì đã phá vỡ hợp đồng. Một nước cờ sai của ĐCS đã dẫn đến tiền mất tật mang cho đất nước.
Rõ ràng chúng ta thấy rằng, với bản chất lưu manh lọc lõi của ĐCSVN, họ không thể nào giải quyết được bài toán bảo vệ chủ quyền cho đất nước vì đơn giản họ không thể làm chính quyền tử tế được. Phải khẳng định rằng, còn CS thì Việt Nam chỉ có nhường cho Trung Cộng mỗi khi con quái thú này đòi hỏi mà không có cách nào để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Và thực tế, về lâu về dài, ĐCS đã để chủ quyền đất nước ngày càng bị teo tóp. ĐCS cũng biết họ bất lực, nhưng vì tham lam và đặt quyền lợi đảng lên trên quyền lợi đất nước mà họ quyết không từ bỏ độc quyền cai trị. Bài toán chủ quyền và sự trường tồn của dân tộc, đó là bài toán của 100 triệu dân giải quyết ĐCS chứ không phải là bài toán của ĐCS./.