Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân
Tại Diễn đàn giáo dục 2019 do 3 tổ chức giáo dục trong nước phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 17 tháng Tám vừa qua, Phó Viện Trưởng Viện Khoa Học Giáo Dục Việt Nam Lê Anh Vinh đã trình bày chủ đề “Những viễn cảnh giáo dục mới“. Khi một năm học mới sắp bắt đầu, hãy thử xem những gì diễn giả mô tả với nhiều mỹ từ đầy lạc quan dẫn người ta đi tới đâu.
Trước hết, bỏ qua hàng hà sa số bệnh tật giáo dục dưới thời Bộ Nhạ, ông phó viện trưởng nhìn lại những kết quả mà ông cho là đáng tự hào trong giai đoạn từ 2011 đến nay. Những kết quả ấy bao gồm trong 3 chữ C được giải thích là Cam Kết – Công Bằng và Chất Lượng. Ông Lê Anh Vinh đã diễn giải ra như sau:
Đầu tiên là Cam Kết. Nhà nước cam kết chắc như đinh đóng cột rằng “Giáo dục và đào tạo luôn là quốc sách hàng đầu”… trong các văn bản. Bằng chứng là mức đầu tư trong giáo dục nằm trong mức cao so với các nước trong khu vực, khoảng 5,8% GDP.
Không tính đến mức độ khả tín của con số do thống kê nhà nước đưa ra, với GDP khoảng 220 tỷ USD thì 5,8% dành ra chưa tới 1 tỷ 500 triệu cho dân số suýt soát 100 triệu. Có nghĩa mức đầu tư cho giáo dục của Việt Nam chưa phải là cao “so với các nước trong khu vực” như diễn giả lạc quan. Sự cam kết ấy trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay rõ ràng chưa đem lại những thay đổi căn bản nào về triết lý giáo dục, phương pháp đào tạo, hệ thống sách giáo khoa cũng như kiến thức của người đi học.
Cho nên Cam Kết ở đây phải hiểu là Bộ Giáo Dục và Đào Tạo phải giữ cam kết với đảng, lái cỗ xe giáo dục đi đúng định hướng xã hội chủ nghĩa cho đến ngày cả nước xuống hố. Đối với Bộ Nhạ, đây là một nhiệm vụ nặng nề nhưng đầy vinh quang. Mặc dù là một người luôn tỏ ra thiếu khả năng, nhưng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo dưới tài quản lý ông Nhạ đã hoàn tất vai trò đưa nền giáo dục hiện đại của Việt Nam oanh liệt tiến vào thị trường “bát nháo” như nhận định của một nhà giáo tại Hà Nội.
Chữ C thứ hai, Công Bằng được ca ngợi là điểm mạnh được cả cộng đồng quốc tế công nhận, như phổ cập giáo dục tiểu học từ những năm 2000. Xét ra đây là chuyện không đáng khoe vì là chuyện mà thiên hạ đã làm từ lâu, ngay trong thời chiến tranh. Trên thực tế, trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2018 ít nhất có 4 tỉnh là Hà Giang, Lạng Sơn, Hoà Bình, Sơn La thực hiện sự công bằng bằng cách sửa điểm thi, nói một cách nặng nề hơn là gian lận thi cử. Chuyện này không nghe diễn giả đề cập.
Do đó chữ C thứ hai Công Bằng trong giáo dục chỉ là sửa điểm, nâng điểm cho con em cán bộ, những công tử đảng ham chơi hơn ham học. Vì dù thành tích học tập rất tồi nhưng những thành phần COCC này phải được đào tạo để trở thành những nhà lãnh đạo kiệt xuất trong tương lai. Và như bà Nguyễn Thị Quyết Tâm Phó Bí Thư Thành uỷ HCM từng nói: “Con em lãnh đạo làm lãnh đạo là điều hạnh phúc của dân tộc, không có gì phải nghi ngại.” Do đó, đây cũng là chiều hướng chỉ đạo “sáng suốt” của đảng cầm quyền để đào tạo cán bộ kế thừa.
Chữ C thứ ba được nhà giáo dục Lê Anh Vinh giải thích là “Chất Lượng” mà đáng lẽ ông phó viện trưởng phải dùng chữ “phẩm chất” mới đánh giá chính xác nền giáo dục hiện nay. Nếu chỉ kể ra kết quả những cuộc thi Olympic quốc tế hay đánh giá của tổ chức PISA qua các cuộc khảo sát 3 năm một lần e chưa được đầy đủ và chưa nói hết được mức độ “bát nháo” mà một nhà giáo ở Hà Nội đã kể ra trong bài viết của mình. Như “bát nháo thị trường tham nhũng thi cử”, “bát nháo liên kết đào tạo sư phạm”, “bát nháo chứng chỉ ngoại ngữ, tin học”, “bát nháo thị trường cấp chứng chỉ xếp hạng giáo viên”, “bát nháo đường vào đại học và hệ luỵ”, v.v.
Chính vì vậy “Chất Lượng” giáo dục được thể hiện hàng năm là sinh viên tốt nghiệp đại học không kiếm được việc làm thích hợp, cuối cùng các cử nhân chỉ chọn được con đường đi làm cu-ly cho nước ngoài. Trong khi ấy với chính phủ 4.0 thì chưa làm nổi một cái ốc vít nhưng… sản xuất được xe đời mới cạnh tranh với Honda, Toyota.
Kết luận lại, nếu 3 chữ C của nền giáo dục Việt Nam được diễn giải đúng với thực tế thì không thể nói gì khác hơn là: Chạy Điểm – Chạy Chức – Chạy Trường, nền tảng của sự tụt hậu mọi mặt.
Phạm Nhật Bình