Chắc chắn rất nhiều người cho rằng đó chỉ là mơ tưởng hão.
Năm 2007, một phóng viên trẻ gọi điện cho tôi, giọng xúc động : “Anh ơi, ra 40 Nhà Chung”, tôi lúc đó đang ở Phú Quốc liền vội vã bay về Hà Nội. Một cảnh tượng thật ấn tượng, cả ngàn người ngồi đọc Kinh Thánh, trật tự và ôn hòa, một hiện tượng chưa từng có. Xung quanh khu vực Nhà Thờ Lớn dày đặc vòng vây cảnh sát, an ninh, mật vụ chìm nổi, côn đồ…trà trộn trong đám đông đánh, bắt người, một phóng viên nước ngoài cũng bị đánh và cướp mất máy ảnh. Những người biểu tình ngồi cũng bị đánh, một người máu chảy ròng ròng trên mặt mà anh vẫn coi như không. Về sau tôi được làm quen với anh, đó là Luật sư Lê Quốc Quân. Tất nhiên tôi không bỏ lỡ cơ hội tìm hiểu đám đông làm điều đó vì mục đích gì, thì ra không phải họ chỉ gìn giữ tài sản của giáo dân mà vì mục tiêu cao đẹp hơn nhiều, như bức thư ngỏ mà Đức Tổng Ngô Quang Kiệt đã viết, công bố về những tài sản của Nhà Thờ mà nhà nước đã “mượn” từ sau năm 54, những nơi dùng cho mục đích chung như Trường THCS Hoàn Kiếm và vài nơi khác : “Không bao giờ đòi” những nơi dùng để làm bệnh viện phục vụ nhân dân như bệnh viện Saint Paul thì : “ Không bao giờ dám đòi” nhưng những kẻ biến chất, tha hóa định biến những thứ đó thành của riêng thì không được. Quá rõ ràng. Và, cũng lần đầu tiên, một hình thức phản kháng xã hội mới xuất hiện, rất lạ, rất mới.
Khi cuộc cầu Kinh Hòa Bình kéo dài được nửa tháng, bà Hằng (không phải Carrie Lam) phó chủ tịch thành phố gửi “tối hậu thư” cho giáo dân Hà Nội, nếu sau 2 ngày nữa giáo dân không tự giải tán thì “thành phố sẽ áp dụng biện pháp mạnh”. Ngay ngày hôm sau dù bị ngăn cản bằng mọi cách, hàng chục ngàn giáo dân ở các vùng lân cận HN đã kéo lên Bờ Hồ, nhiều người Hà Nội chưa quên được cảnh tượng đó. Ông Nguyễn Tấn Dũng thủ tướng thời ấy đã xuống tận nơi, gặp Đức Tổng Ngô Quang Kiệt ngay trên vỉa hè, hứa với giáo dân đáp ứng yêu cầu hợp lý, hợp tình của họ, và, giáo dân giải tán.
Kết quả thì như ta đã biết, khi tôi hỏi Linh mục Chánh xứ Chánh Tòa Hà Nội, Ngài chỉ cười : “ Hóa ra họ nói vậy mà không phải vậy bác ạ”. Con gái út tôi, lúc đó đang học lớp 5 trường Hoàn Kiếm (sát Nhà Thờ Lớn và cũng là tài sản của Nhà Thờ trước năm 54), cháu kể : “Bọn con hỏi cô giáo: “Thưa cô, nhà nước đúng hay Nhà Thờ đúng ạ ? Tụi con phải bênh bên nào?”. Cô giáo không trả lời và nhà trường thông báo cho nghỉ học. Tất nhiên, báo chí lá cải, lá ngón sẽ đồng thanh ca rằng: “Công giáo gây ra hỗn loạn để con em chúng ta không được đến trường”.
Một ông tướng công an nói với các Cha: Chuyện nhỏ thế mà các cụ không nói với tôi để đến nông nỗi này. Bây giờ lớn chuyện quá rồi, tôi sẽ nói tụi Hoàn Kiếm dọn mấy cái quán trong khu đó đi, các cụ nói giáo dân rút về, rồi nhà nước trả lại đất cho Nhà Thờ nhẹ nhàng như thế cho đẹp mặt cả hai bên.
Sau khi giáo dân về nhà, một buổi tối tôi đi qua Nhà Chung, hai đầu phố đã được chắn lại, có cả hàng rào dây thép gai, cảnh sát cơ động rải khắp phố, tôi nói dối là nhà ở phố Nhà Thờ nên được cho vào. Tôi hỏi một cảnh sát đang kìm sợi dây giữ con chó becgie to lớn, dữ tợn : “ Các em dùng cả những thứ này để đối phó với đồng bào mình à ?”. Cậu ta im lặng. Trong đêm đó, xe tải lũ lượt chạy, chở cây, chở hoa đến đặt ở 40 Nhà Chung, sáng hôm sau thành phố tuyên bố : “Đây là công viên công cộng phục vụ nhân dân”. Người Công giáo cười : “Giá họ nói ngay từ đầu đây sẽ làm vườn hoa công cộng thì chúng tôi đâu phản đối và Nhà Thờ sẵn sàng đóng góp tiền bạc, công sức để làm cho nó đẹp hơn”.
Đêm Noel năm đó, lần đầu tiên trong đời tôi thấy Nhà Thờ Lớn đóng cửa im lìm. Những người Hà Nội “thật”cảm thấy trống vắng, lần đầu tiên người HN thấy ngôi Nhà Thờ ấy là một phần máu thịt của mình bất phân Lương, Giáo. Đêm đó tôi viết lên facebook của mình: “Rồi sẽ đến lúc cả dân tộc này phải cúi đầu cám ơn bà con Công giáo”.
Khi người bạn là công an kể cho tôi nghe về Tam Tòa anh đã khóc và sau đó xin “ra khỏi ngành”, tôi bị sốc thật sự khi nghe anh kể về những “phương án tác chiến”, cảnh sát cơ động được đưa từ Đà Nẵng ra vì chắc chắn lực lượng tại địa phương sẽ không dám thẳng tay, họ đánh giáo dân bằng bất cứ cái có trong tay, đánh bất cứ vào chỗ nào trên cơ thể, đánh bất kể già trẻ, trai gái. Thú thực lúc đó tôi cảm thấy căm ghét từ “bất bạo động”, sao lại có thể chịu đựng như thế ? Có luật “Mắt trả mắt, răng đền răng” mà.
Rồi năm 2012, vụ Con Cuông xảy ra…..
Còn nữa.