Bộ Ngoại giao Trung quốc cộng sản đã nhiều lần cảnh báo rằng nước Anh nên đứng ngoài cuộc. Hồng Kông không phải là việc của quý vị, Bộ Ngoại giao Trung quốc cộng sản nói vậy. Chúng tôi có chủ quyền. Chúng tôi làm những gì mà chúng tôi nhận thấy là phù hợp.
Xin có vài lời giới thiệu về Ngải Vị Vị
Ông Ngải Vị Vị là một nghệ sĩ đã từng bị chính quyền Trung quốc cộng sản cầm tù.
Ngải Vị Vị (艾 未 未, sinh 1957) là một nghệ sĩ, nhà hoạt động, và nhà triết học người Trung quốc hoạt động tích cực trong lĩnh vực kiến trúc, nhiếp ảnh, phim ảnh, phê bình văn hoá và xã hội. Bên cạnh lĩnh vực nghệ thuật, ông còn tham gia điều tra tham nhũng và các hoạt động ngầm của chính phủ Trung Quốc. Ông đặc biệt quan tâm tới việc phơi bày các vụ scandal tham nhũng trong việc xây dựng các trường học ở Tứ Xuyên bị sập đổ trong động đất Tứ Xuyên 2008. Ngày 3 tháng 4 năm 2011, công an Trung Quốc đã bắt giữ ông tại sân bay Bắc Kinh và xưởng vẽ của ông ở thủ đô bị niêm phong trong một hành động cảnh cáo rõ ràng của chế độ với các nhà hoạt động và bất đồng chính kiến.
Sau đây là nguyên văn bài báo của Ngải Vị Vị
Ngày 29 tháng 6 (2019). Một cô gái trẻ 21 tuổi đã viết một cái gì đó lên tường một cầu thang của một tòa nhà công cộng ở Fanling, một vùng ngoại ô của tầng lớp dân chúng lao động ở Hồng Kông:
Đồng bào Hồng Kông thân mến: Cuộc đấu tranh của chúng ta sẽ còn kéo dài, vì vậy chúng ta phải đảm bảo rằng ý chí của chúng ta sẽ không bị héo mòn. Chúng ta phải nhất mực đòi hỏi rằng dự luật phải được rút bỏ hoàn toàn, rằng sự vu khống của chính quyền đối với các cuộc biểu tình của chúng ta như là một sự “bạo loạn” phải được hủy bỏ, rằng những người biểu tình bị giam giữ phải được phóng thích, rằng Lâm Trịnh Nguyệt Nga – Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông phải rời từ chức, và các lực lượng cảnh sát phải bị trừng phạt nghiêm khắc. Mong ước của tôi là sử dụng cuộc đời bé nhỏ của tôi để ủng hộ những đòi hỏi này, những đòi hỏi xuất phát từ hai triệu con người trong số chúng ta!
Bản thông điệp được một bàn tay yếu đuối viết bằng một thứ sơn màu đỏ. Những đường nét nguệch ngoạc ở cuối mỗi chữ của bức thông diệp, dường như vẫn đầy cương quyết nhưng đã kiệt sức. Cô Lo Hiu Yan sau đó gieo mình từ ban công xuống đất bên ngoài tòa nhà. Nguyện ước của cô đã được thực hiện.
Ngày 9 tháng 6 (2019), khoảng một triệu người ở Hồng Kông đã biểu tình chống lại dự luật dẫn độ được Bắc Kinh bảo trợ, dự luật này cho phép dẫn độ các công dân Hồng Kông sang xét xử tại Trung quốc đại lục. Ngày 16 tháng 6, một cuộc biểu tình khác đã thu hút khoảng hai triệu người – hơn một phần tư dân số thành phố. Phần lớn những người biểu tình ở độ tuổi thiếu niên hoặc 20 tuổi. Quy mô, các khẩu hiệu và trật tự được tổ chức tốt của các cuộc biểu tình đã thu hút sự ngưỡng mộ từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng cuối cùng, cảnh sát Hồng Kông đã sử dụng hơi cay, đạn cao su và các vụ bắt giữ để giải tán người biểu tình. Chính quyền Hồng Kông gọi họ là “những tên côn đồ”.
Ngày 1 tháng 7, một cuộc biểu tình khác, lần này là để kỷ niệm (nhưng thực chất là khóc than) việc bàn giao Hồng Kông từ Anh quốc sang cho Trung quốc hồi 22 năm về trước, đã thu hút hơn 100.000 người biểu tình, một vài người trong số họ đã đột nhập vào tòa nhà hội đồng lập pháp của thành phố Hồng Kông.
Chúng ta cần phải tự hỏi tại sao những người trẻ tuổi Hồng Kông lại làm những việc như vậy? Đối với thế giới, việc bàn giao Hồng Kông của Anh quốc dường như chỉ là một chú thích của lịch sử. Nhưng dầu vậy, đối với những người trẻ tuổi Hồng Kông việc trở về với Trung quốc đại lục có nghĩa là tất cả.
Họ – những người trẻ tuổi Hồng Kông – nhìn thấy gì ở Trung quốc đại lục ngày nay? Một công xưởng của thế giới, chắc chắn là thế. Trung quốc đại lục giàu có và có ảnh hưởng hơn nhiều so với ba thập kỷ trước đây. Nền kinh tế của Trung quốc đại lục đang hòa nhập với nền kinh tế thế giới, và Trung quốc đại lục đang nhắm tới việc mở rộng phạm vi của nó thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng. Nhưng sự giàu có của Trung quốc đại lục được xây dựng trên lưng của những người lao động giá rẻ của những người di cư từ nông thôn ra thành thị, không được các quy định về an toàn, các đoàn thể, báo chí tự do hoặc một nền tư pháp công minh chính đại bảo vệ.
Quyền lực chính trị ở Trung quốc đại lục vận hành theo những cách thức giống với thế giới ngầm. Những điểm mạnh của hệ thống này là tốc độ và hiệu quả của guồng máy cai trị của nó, vốn bị hoen ố nặng nề bởi tham nhũng, được bảo vệ bởi một hệ thống cảnh sát rộng lớn và dày đặc và không có các đối thủ cạnh tranh. Còn những con người (ở Trung quốc đại lục) thì sao? Họ là những bánh răng của nó. Nếu những con người đó có những mong muốn hoặc nhu cầu khác – như suy nghĩ độc lập, tự do biểu đạt hoặc mưu cầu hạnh phúc cá nhân – tốt thôi, nhưng đó là những thứ để các đối thủ của chúng ta, các nền dân chủ phương Tây, theo đuổi. Mô hình sản xuất của phương Tây kém hiệu quả hơn so với mô hình sản xuất chúng ta. Chúng ta có “những đặc trưng mang màu sắc Trung quốc”.
Từ sâu xa trong gốc rễ, cuộc đối đầu với phương Tây không phải là về thương mại. Đó là cuộc đối đầu giữa hai hệ thống chính trị về cơ bản không tương thích với nhau, đó là hai cách hiểu khác nhau về nền văn minh hiện đại là gì. Mô hình chính quyền Trung quốc cộng sản về sự hy sinh của con người để phục vụ cho sự giàu có và quyền lực của nhà nước (và của giới thượng lưu) chắc chắn mâu thuẫn với lý tưởng dân chủ. Các chính quyền và doanh nghiệp phương Tây cưỡi trên lưng hệ thống của Trung quốc đại lục nhằm tìm kiếm lợi nhuận của chính họ cần phải tự nhắc nhở mình rằng những hành động của quý vị gây tổn hại đến phẩm giá con người và, trong bất kỳ trường hợ nào, việc tiếp tục và tiếp tục những hành động như vậy đều là thực chất của sự gian ác.
Giới trẻ Hồng Kông, những người đã trưởng thành nhờ có internet và có hiểu biết tốt về internet, nhận thức sâu sắc về những sự lựa chọn thay thế khắc nghiệt mà họ đang phải đối mặt. Họ đã quen với tự do, với các quyền cá nhân và tiếp cận thông tin. Họ biết những gì họ muốn, những gì họ đang bảo vệ và bản chất của sự đối lập mà họ phải đối mặt. Họ đã thấy các quyền tự do của Hồng Kông – trên các phương tiện truyền thông, giáo dục, nhà ở, thương mại và các nơi khác – từ từ bị xói mòn, và họ biết rằng ĐCSTQ không dừng lại ở việc theo các đuổi lợi ích của chính nó (của chính ĐCSTQ).
Quyền tự chủ hợp pháp của Hồng Kông, vốn bị đe dọa trong dự luật dẫn độ này, dường như có lẽ là chiếc lá mùa thu cuối cùng trên thân cây của nó trước khi mùa đông khắc nghiệt tràn tới. Họ biết mùa đông đó có diện mạo như thế nào: bắt giữ tùy tiện, giam cầm bí mật và coi thường sự thật, coi thường sự trung thực và coi thường sự công bằng. Họ cảm thấy rằng thất bại trong trận chiến hiện tại sẽ là thất bại đối với tất cả. Thất bại và họ, cũng giống như những người dân ở Tây Tạng, Tân Cương và phong trào dân chủ đại lục, sẽ phải sống dưới sự khủng bố và tấn công và không còn biết trông cậy vào ai.
Những người trẻ tuổi ở Hồng Kông cũng nhận thức được rằng các cuộc biểu tình của họ không phải đơn thuần là một cuộc đấu tranh cục bộ. Họ biết rằng Hồng Kông, với thói quen tự do dân sự được thừa hưởng từ sự cai trị của nước Anh ở một bên và cuộc đối đầu với chế độ độc tài Trung quốc cộng sản ở bên kia, là một phòng thí nghiệm cho thế giới. Điều gì sẽ xẩy ra? – những người dân tự do mong muốn duy trì tự do sẽ bị đè bẹp, nghiền nát bởi một guồng máy độc đoán? Tiền lệ đó sẽ là một cơn ác mộng đối với thế giới. Và có lẽ là một bước ngoặt.
Bị đẩy đến chân tường, như họ nhìn nhận, Lo Hiu Yan và ít nhất ba công dân trẻ Hồng Kông khác đã tự kết liễu đời mình.
Nếu các cuộc biểu tình gần đây mà diễn ra ở Thâm Quyến, Thượng Hải hay Bắc Kinh, thì chế độ TQ cộng sản đã sử dụng vũ lực gây chết người, như cách đây 30 năm ở Bắc Kinh khi quân đội với xe tăng và súng máy đã tàn sát những người biểu tình ủng hộ dân chủ được trang bị không có gì khác ngoài đá, gạch và sự can đảm của họ. Nhưng tại thời điểm hiện tại, “một quốc gia, hai hệ thống” vẫn còn tạo ra một sự khác biệt ở Hồng Kông. Nhưng Bộ Ngoại giao Trung quốc cộng sản đã nhiều lần cảnh báo rằng nước Anh nên đứng ngoài cuộc. Hồng Kông không phải là việc của quý vị, Bộ Ngoại giao Trung quốc cộng sản nói vậy. Chúng tôi có chủ quyền. Chúng tôi làm những gì mà chúng tôi nhận thấy là phù hợp.
Trung quốc cộng sản không đơn độc trong việc muốn tránh né “những rắc rối” ở Hồng Kông. Nhiều người trong chính quyền và giới kinh doanh phương Tây, những người trục lợi từ hệ thống áp bức của Trung quốc cộng sản cũng đồng tình. Hồng Kông là một trung tâm của hệ thống này và cả hai bên đều sẽ thiệt hại nếu vai trò của Hồng Kông bị ảnh hưởng hoặc mất hẳn.
Một lý do khiến tôi đồng cảm với những người dân Hồng Kông là tôi đã phải chịu đựng những loại chiến thuật mà họ (những người dân Hồng Kông) lo sợ. Năm 2011, cảnh sát Trung quốc đại lục mặc thường phục, hành động ngoài vòng pháp luật, đã bắt cóc và bịt mắt tôi và đưa tôi đến một địa điểm bí mật. Tôi không thể liên lạc với gia đình (và họ không được thông báo) và tôi không có luật sư. Tôi cảm thấy đột ngột mất đi sự tự tin và lòng tự trọng, tôi cảm thấy bị cô lập một cách đáng sợ và mất niềm tin vào xã hội. Nói tóm lại, tôi cảm thấy dường như mình đã rơi vào một hố đen sâu thẳm. Những gì sẽ đến với tôi tiếp theo sẽ là của riêng mình tôi phải chịu đựng. Một mình.
Tôi bị bắt cóc bởi vì, tôi, bằng nghệ thuật của mình, đang nêu lên những câu hỏi khó chịu. Ví dụ, tôi đã nêu câu hỏi có bao nhiêu trẻ em đã chết trong trận động đất ở Tứ Xuyên hồi năm 2008 khi các dãy nhà trong các ngôi trường của chúng được xây dựng một cách tệ hại sụp đổ. Những gì trong ba lô của chúng – và tâm trí của chúng – khi chúng phải chết một cách đầy oan uổng? Đối với một chế độ chỉ nhằm bảo vệ các quyền lực của nó, các câu hỏi như trên đây đều bị nhìn nhận như một âm mưu lật đổ nhà nước. Hậu quả đối với tôi là một sự tra tấn, đánh đập gần như phải trả giá bằng mạng sống của tôi.
Tôi cảm thấy có trách nhiệm phải lên tiếng bởi vì những người trẻ tuổi ở Hồng Kông cần phải biết rằng nỗi sợ hãi của họ đối với một nhà nước Trung quốc cộng sản độc đoán toàn trị là hoàn toàn có cơ sở: Các quan chức Hồng Kông do Bắc Kinh bổ nhiệm sẽ bán sạch các quyền tự do quý giá của Hồng Kông ngay khi họ được lệnh để làm điều đó. Hàng trăm tù nhân bất đồng chính kiến bị giam cầm ở Trung quốc đại lục sẽ nói với họ điều này nếu họ có thể. Những người bị rọ mõm (các quan chức Hồng Kông), họ không thể.
Một số người đang đặt vấn đề: Liệu những người biểu tình Hồng Kông có thể giành chiến thắng hay không? Câu trả lời của tôi là nếu họ kiên trì, họ không thể thua. Đây là một cuộc đấu tranh của các giá trị con người – tự do, công bằng, nhân phẩm – và trong vương quốc đó, những người dân Hồng Kông thực tế đã chiến thắng. Vâng, nếu họ bỏ cuộc, thì guồng máy (toàn trị của Trung quốc đại lục) sẽ tiếp quản. Nhưng trong khi một chế độ độc tài tàn bạo mong muốn tồn tại lâu hơn họ (những người dân Hồng Kông) thì nó (guồng máy toàn trị của Trung quốc đại lục) không bao giờ có thể giành chiến thắng. Bản chất của con người là có lý tưởng và biến chúng (những lý tưởng ấy) thành hiện thực. Chế độ độc tài không bao giờ có thể thay đổi được những chân lý đó. Thất bại của nó (chế độ độc tài, toàn trị) chỉ là vấn đề thời gian./.