Tuần thứ 10 của cuộc biểu tình tại Hong Kong và nó đã vượt quá những tưởng tượng ban đầu của mình về quy mô, mục đích, và tác động. Sân bay Hong Kong ngày thứ 2 liên tiếp bị phong toả. Thị trường Hong Kong có nguy cơ suy thoái. Trung Quốc đang gọi cuộc biểu tình là khủng bố. Và người ta không loại trừ khả năng của một “Thiên An Môn” thứ 2.
Mình không phủ nhận cảm giác “pha lẫn” khi chứng kiến những diễn biến này. Một mặt, mình vẫn nghĩ phong trào dân chủ của người Hong Kong là đáng trân trọng. Nhưng mặt khác, những tác động và nguy cơ của nó thì lại quá lớn, khiến bản thân mình đặt câu hỏi “liệu có đáng không”?
Nhưng rất nhanh, mình bỏ ngay câu hỏi đó (và những phán xét mà nó ngụ ý) ra khỏi đầu, bởi đơn giản là vì mình không có tư cách để phán xét. Không có tư cách không phải vì mình tin vào chủ nghĩa dân tộc và những đường biên giới nhân tạo. Mà không phán xét đó là vì bản thân mình đối với Hong Kong là một người đi vé miễn phí, đi lậu vé (free rider), một người chỉ hưởng lợi từ Hong Kong mà không thực sự phải trả giá cho nó. Chính vì thế, mình không thể phán xét những người đang đổi thời gian và đổ máu để bảo vệ tương lai của thành phố mà họ yêu quý, theo đuổi những mục tiêu mà họ tin là đúng đắn.
Ngày hôm qua, mạng xã hội Hong Kong lan truyền hai clip của một phụ nữ Nam Phi ngay trung tâm Hong Kong và một doanh nhân Úc tại sân bay Xích Lạp Giác. Điểm chung của hai người này là họ đều ghét cuộc biểu tình. Đối với cô gái Nam Phi, cô khóc và bảo rằng cô đã rời khỏi quê cô để tránh những cuộc bạo loạn thế này và cầu xin mọi người hãy trả lại “Hong Kong mà tôi yêu mến”. Còn với doanh nhân người Úc – người bị huỷ chuyến bay do cuộc biểu tình – ông tức giận yêu cầu những người biểu tình đi “tìm việc mà làm”, và ông cho rằng Hong Kong nên học tập Trung Quốc vì sự an ninh và trật tự của mẫu quốc này.
Nhưng, cần phải hiểu một điều rằng. Cả hai người Úc và Nam Phi này đều giống như mình, họ là những kẻ đi lậu vé. Đối với họ, Hong Kong là điểm du lịch, là nơi làm ăn, là đất lập nghiệp… Vì thế, họ hình dung sự ổn định, sự an ninh, sự phục tùng của người dân như một lẽ tất yếu, như một điều đương nhiên. Họ sẵn sàng nói rằng họ không quan tâm đến chính trị, cốt là họ có thể làm ăn được, có thể vui chơi được. Kì thực, điều họ đang nói đó là họ đang hưởng lợi từ hệ thống, từ tình trạng hiện tại, và họ không thấy có lý do gì để dấn thân, đánh đổi, để thay đổi tình trạng hiện tại cho một thứ có thể tốt đẹp hơn (nhưng cũng có thể xấu xí hơn). Cũng như bạn sẽ không thấy vui khi công nhân ở resort nơi bạn du lịch đình công, hay đầu bếp ở nhà hàng bạn yêu thích nghỉ việc. Họ cần mọi thứ y như cũ để phục vụ họ.
Nhưng, có một điều mà những kẻ đi lậu vé sẽ không hiểu, đó là con tàu mà họ đang đi lậu vốn chông chênh và có thể bị lật bất kỳ lúc nào. Và khi đó, cái lợi mà họ đang hưởng sẽ biến mất. Một người biểu tình chỉ ra rất đúng, Hong Kong là một thiên đường thuế (tax haven) và đó là lý do mà nhiều doanh nhân đến với Hong Kong. Và sở dĩ nó còn duy trì đến ngày nay chính là nhờ sự độc lập của Hong Kong với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc áp đặt được hệ thống tương tự ở Hong Kong, những điều mà ông đang hưởng lợi có nguy cơ sẽ không còn nữa, hoặc méo mó đi. Cô gái Nam Phi kia cũng vậy. Hong Kong mà cô yêu mến là vì Hong Kong khác với Trung Quốc, và nếu Hong Kong không đấu tranh, Hong Kong sẽ trở thành Thâm Quyến, hay Quảng Châu. Đến lúc đó, những thứ tiện nghi mà cô đang hưởng thụ sẽ không còn nữa.
Vị doanh nhân người Úc phản pháo lại và nói rằng ông vẫn sống ổn, làm ăn tốt ở Trung Quốc, và do đó ông không sợ Hong Kong thành Trung Quốc (vì với ông, chả khác gì nhau). Những người đi lậu vé ở bất kỳ nơi đâu cũng có tranh luận tương tự như vậy. Không quan trọng con tàu nó thế nào, tôi vẫn có thể sống tốt được, vì tôi sẽ hiểu và làm theo hệ thống, theo kẻ cầm quyền. Tất nhiên điều đó đúng, nhưng đó cũng là khi người đi lậu vé không còn là một hành khách bình thường nữa mà đã trở thành một phần của hệ thống, một phần của vấn đề. Vì nếu không làm như vậy, ông sẽ không bao giờ có thể đủ tiền mà duy trì sự an lành của mình. Hãy nhớ lại câu nói của Martin Niemöller thời Đức Quốc Xã: First they came for… (Đầu tiên họ đến…) (link: https://www.facebook.com/notes/le-nguyen-duy-hau/first-they-came/10150926710330491/)
Cuối cùng thì, có một điều mà những kẻ đi lậu vé không nói ra, nhưng ai cũng phải hiểu. Đó là khi tình hình quá bi đát, họ hoàn toàn có lựa chọn nhảy khỏi tàu. Doanh nhân Úc không sống đời ở kiếp với Hong Kong. Cô gái Nam Phi hoàn toàn có thể tìm một tình yêu mới. Khách du lịch Việt Nam có thể rẽ hướng sang Đài Loan, Thượng Hải, Thái Lan. Và kí ức về Hong Kong chỉ làm cho cuộc sống của họ phong phú hơn. Nhưng những người bản địa thì không. Hong Kong là quê hương, là nơi ghi kí ức của họ. Có ra đi thì cũng là một sự lựa chọn chẳng đặng đừng.
Cứ để cho Hong Kong nói, cho Hong Kong đấu tranh, và ta lắng nghe, quan sát, và học tập (cả những cái tốt, lẫn cái xấu). Nếu không thể ủng hộ thì cần thiết phải trung lập. Vì sẽ đến một ngày, khi mọi thứ đã chín, người Việt Nam cũng sẽ phải đối diện với những lựa chọn, thử thách tương tự như vậy. Và lúc đó ta sẽ ước rằng những kẻ đi lậu vé sẽ giữ im lặng./.