Phạm Chí Dũng – VOA
Hai tuần sau khi được báo chí nhà nước thông tin ‘tử vong ngoại viện’ vào ngày 18/7/2019 cùng lời phát ngôn như thể thanh minh của lãnh đạo Quân y viện 105 ‘Bệnh viện không tác động gì về mặt chuyên môn đối với ông Trần Bắc Hà’ và ‘Bệnh viện không chịu trách nhiệm pháp y’, cái chết của nhận vật từng một thời đình đám ‘lưu manh ngân hàng’ đồng thời là ‘cánh tay mặt của Nguyễn Tấn Dũng’ vẫn còn nguyên ẩn số với mối nghi ngờ rất lớn về yếu tố thực chất của nó.
Những dấu hỏi phát sinh
Ngày cuối tháng 7 năm 2019, Bộ Công an một lần nữa ‘lên tiếng’ về cái chết của Trần Bắc Hà, sau một thời gian khá dài gần như bị ‘á khẩu’.
“Hiện nay Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đang chủ trì khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân cái chết của bị can Trần Bắc Hà” – Trung tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Bộ Công an nói như thế khi trả lời câu hỏi của báo giới về nguyên nhân cái chết của Trần Bắc Hà – cựu chủ tịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Tuy nhiên tướng Quang lại thòng thêm câu “cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã phối hợp với Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng xác định nguyên nhân, hiện chưa có kết quả”.
Lương Tam Quang luôn khiến nhiều người nhớ về ông ta như một người phát ngôn ‘chưa có thông tin’ trước dư luận và báo chí đã trở nên rất sôi động trong hai lần rộ lên thông tin về vụ Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ bị bắt tại cửa khẩu biên giới Singapore – Malaysia vào tháng Giêng năm 2018, và vụ Trung tướng công an Phan Văn Vĩnh bị ‘câu lưu’ vào tháng 3 năm 2018. Trong ít nhất hai lần đó, tướng Quang hoặc bị ‘hố’ nặng, hoặc đã trở thành dẫn chứng rất tiêu biểu cho tình trạng cực kỳ thiếu minh bạch thông tin trong hoạt động của Bộ Công an.
Còn vào lần này, lại một lần nữa tướng Quang ‘chưa có thông tin’. Vậy vì sao vào lúc Trần Bắc Hà chết, một số tờ báo nhà nước đã mau mắn đưa tin nguyên nhân tử vong là do bị bệnh gan và cao huyết áp – những bệnh lý quá sức đơn giản đối với công tác pháp y, nhưng cho tới nay cả hai cơ quan Cảnh sát điều tra công an và Cục Điều tra hình sự quốc phòng vẫn chưa ‘điều tra’ làm rõ được?
Phải chăng đã có một khuất tất đủ lớn hoặc đủ ghê gớm nào đó mà đã khiến các cơ quan trên không chỉ ngậm tăm trong suốt thời gian qua mà còn chẳng dám hứa hẹn gì về việc sẽ thông tin về nguyên nhân cái chết của Trần Bắc Hà trong thời gian tới?
Dấu hỏi trên lại khiến người ta nhớ lại những dấu hỏi khác đã hiện ra ngay vào lúc có tin Trần Bắc Hà ‘tử vong ngoại viện’: từ bản tin của báo Tuổi Trẻ về cái chết của Trần Bắc Hà đã lần đầu tiên cho biết Hà chết trong khi đang ở trong trại giam quân đội tại Sóc Sơn (Trại 771), phải chăng vụ án Trần Bắc Hà không chỉ thuần túy do những sai phạm kinh tế mà còn liên quan, hoặc liên đới rất sâu đến cả nội bộ đảng và nội bộ cao cấp bên quân đội? Hoặc thuộc loại án ‘an ninh quốc gia’ nhưng nằm trong tuyến phụ trách của Tổng cục 2 (Tổng cục tình báo quân đội) chứ không phải thuộc trách nhiệm của Bộ Công an? Hay do ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng khi chỉ đạo bắt Trần Bắc Hà đã không thật sự tin cậy vào các trại giam của Bộ Công an – nơi mà vẫn có thể còn ủ nguyên ‘đội hình chiến lược’ các quan chức công an được bổ nhiệm từ thời Nguyễn Tấn Dũng, nên phải lệnh chuyển Hà sang trại giam quân đội – khu vực mà Trọng có vẻ nắm chắc quyền bính hơn?
‘Mùi’ gì từ một bài viết ẩn danh?
Trong khi những dấu hỏi trên chưa có cơ may nào được làm rõ, trên mạng xã hội đã xuất hiện bài viết mang tựa đề rất ấn tượng “Sự thật về cái chết của ông Trần Bắc Hà, trách nhiệm của thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc – Cục trưởng c03, Bộ Công an và các điều tra viên có liên quan” của một tác giả ẩn danh.
Theo tác giả này, việc chuyển bị can sang tạm giam tại Trại 771 chỉ áp dụng đối bị can trong các vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, chuyên án ma tuý, hoặc vụ án mà bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến nhiều bí mật nhà nước…
Cũng theo tác giả này, việc không cho phép bị can Trần Bắc Hà được hưởng quyền của bị can theo luật định, việc chuyển bị can sang Trại 711 không đúng quy định để giam giữ theo hình thức biệt giam trong những ngày hè nắng nóng… của Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Cục trưởng Cục C03 rõ ràng có đủ dấu hiệu mặt khách quan của hành vi sử dụng nhục hình, song là cách dùng nhục hình hết sức tinh vi, lách luật nhằm gây đau đớn về thể xác và tinh thần đối với bị can Trần Bắc Hà. Hành vi này đã xâm phạm quyền con người, vi phạm Công ước Chống tra tấn là 01 trong 09 Công ước cốt lõi về quyền con người của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1987; bị cấm trong hoạt động điều tra được quy định tại Khoản 2 Điều 14 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 về những hành vi bị nghiêm cấm là: “Bức cung, dùng nhục hình và các hình thức tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hay bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
Đáng chú ý, bài viết trên đã mô tả về quá trình tạm giam Trần Bắc Hà từ Trại giam T16 của Bộ Công an, sau đó chuyển sang Trại 771 của Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, việc Trần Bắc Hà bị đối xử rất thiếu ‘nhân quyền’ và sau đó phải tuyệt thực đến chết… rất chi tiết đến mức cứ như thể tác giả là người trong cuộc, tận mắt nhìn thấy toàn cảnh vụ Trần Bắc Hà đã chết như thế nào.
Bài viết trên đã xuất hiện gần như đồng thời với thời điểm ‘lên tiếng’ của người phát ngôn Bộ Công an là Lương Tam Quang – như một đòn phản bác dữ dội vào bộ này.
Mặc dù nhiều chi tiết của tác giả ẩn danh trên được cho là rất khó để kiểm chứng về tính xác thực của chúng, nhưng sự xuất hiện của bài viết rất chi tiết này – vào đúng lúc hai cơ quan điều ta của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng có vẻ còn đang lúng túng chưa biết nên công bố nguyên nhân cái chết của Trần Bắc Hà là do đâu hay ai đã làm cho Trần Bắc Hà phải ‘tử vong ngoại viện’ – đã khiến nồng lên một thứ mùi rất đặc trưng: mùi đấu đá phe phái.
Hầu như có thể chắc chắn là bài viết của tác giả ẩn danh trên – lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội – sẽ trở thành tâm điểm ‘điều nghiên’ của không chỉ hai cơ quan Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, mà còn có thể gây xáo động trong phòng họp của Bộ Chính trị đảng và các phòng họp cơ mật khác.
Cách đặt vấn đề và lối hành văn dẫn dắt chi tiết của bài viết trên còn cho thấy tác giả – mà đứng phía sau có thể là một lực lượng chính trị trong nội bộ đảng cầm quyền – không chỉ dừng lại ở việc quy kết ‘trách nhiệm hình sự’ đối với Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, mà còn có thể sẽ nêu ra những cái tên khác, ở cấp cao hơn.
Cái chết ‘tử vong ngoại viện’ của Trần Bắc Hà cũng bởi thế nhiều hứa hẹn trở thành một cái cớ xác đáng để thổi bùng một cơn địa chấn không mấy êm dịu vào thời kỳ ‘toàn đảng, toàn quân lập thành tích chào mừng đại hội 13’, đặc biệt trước thềm những hội nghị trung ương quyết liệt ‘làm nhân sự’ sẽ diễn ra vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020.