Sự ích kỷ của ĐCS đã giết chết nông nghiệp VN như thế nào?

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà|

Ngày 31/07/2019, báo Vnxepress có post đoạn clip ngắn nói rằng, nông dân Long An than trời vì khoai mỡ thu hoạch bán không ai mua nên giá rớt xuống còn từ 2.000 đến 4.500 đồng/1kg. Trong khi đó, giá khoai mỡ đến tay người tiêu thụ tại các chợ có giá trung bình khoảng 30.000 đồng/1kg, giá này theo đánh giá của nhà nội trợ là không có gì biến động. Mà giá không biến động nghĩa là cung và cầu trên thị trường chợ bán lẻ không bị lệch về phía nào cả. Vậy qua đây chúng ta thấy gì? Ở đây ta thấy rõ ràng là có sự chặn đứng lưu thông hàng nông sản từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Lý do là bởi điều gì?

Theo lý mà nói, khi có bàn tay nào đấy chặn đứng hàng nông sản Việt Nam ngay từ nơi sản xuất, lẽ ra nông sản về tới tay người tiêu thụ phải thiếu chứ? Nhưng không! Qua theo dõi, khoai mỡ tại các chợ không thiếu, và giá cả vẫn bình thường không giao động nhiều. Nơi sản xuất ứ hàng, nơi tiêu thụ vẫn có hàng cấp đều đều. Đây là sự bất thường cần phải phân tích kỹ.

Giả sử một con sông có dòng nước đang chảy suông sẻ từ thượng nguồn đến hạ nguồn, nếu người ta chặn dòng ở thượng nguồn thì tất nhiên ở hạ nguồn, con sông ấy sẽ cạn nước, chắc chắn là như vậy. Nhưng nếu người ta chặn dòng ở thượng nguồn mà hạ nguồn vẫn có nước dồi dào như khi chưa chặn thì sao? Thì chắc chắn rằng, ở khoảng giữa thượng nguồn và hạ nguồn phải có nguồn khác cấp nước vào con sông ấy. Đấy là điều chắc chắn.

- Quảng Cáo -

Tương tự như vậy, khi nông dân sản xuất khoai mỡ bị ứ hàng không thể đẩy hàng hóa ra chợ được, mà tại chợ thì khoai mỡ vẫn được cấp đều đặn. Vậy là gì? Là chắc chắc có nguồn cung cấp khoai mỡ khác thay thế cho khoai mỡ của người nông dân Việt. Và ai nhảy vào cấp khoai mỡ đây? Đó chính là nông sản Tàu. Chuyện nông sản Tàu xuất sang Việt với thuế 0% đã cho thấy sự bất minh trong quan hệ Việt – Trung rồi, đàng này nông sản Tàu khi vào đến Việt Nam còn hóa thân thành nông sản Việt mới khốn nạn chứ? Ai đã tiếp tay cho chuyện này xảy ra từ năm này đến năm khác? Ai cũng thấy, chính quyền này đã làm lơ cho chuyện này xảy ra, mà làm lơ thì điều đó cũng có nghĩa là chính quyền CS đang tiếp tay cho nông sản Tàu giết chết nông sản Việt.

Chuyện khoai mỡ hôm nay là một ví dụ mang tính thời sự, chứ trong quá khứ thì nào là dưa hấu, nào chuối, nào lợn vv… cũng từng bị tắt nghẽn ngay tại nơi sản xuất làm người nông dân khốn cùng phải kêu cứu xã hội giải cứu cho mình. Không biết trong chính sách của chính quyền CS, họ vô tình hay cố ý mà để xảy ra hiện tượng chặn đứng đường lưu thông nông sản từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ rồi mở đường cho hàng Tàu nhảy vào đớp lấy thị phần vốn là của nông dân Việt?

Nhân đây cũng xin nói về trại nuôi gà ở Mỹ. Người nông dân đầu tư chuồng trại, sau đó họ sẽ liên kết với nhà tiêu thụ bằng hợp đồng hẳn hoi, trong đó, người nông dân sẽ được hãng cung cấp gà giống, thức ăn và hướng dẫn cả kỹ thuật chăm sóc. Sau 8 tuần gà đến thời điểm giết thịt, hãng đưa xe tới hốt hết hàng đi tiêu thụ, và cứ như thế, chu kỳ cứ lặp lại. Người nông dân có nguồn tiêu thụ chắc chắn và giá cả ổn định mà không lo sợ cái họa “được mùa mất giá” ập đến như Việt Nam. Lại nói đến việc xây chuồng trại của người nông dân Mỹ. Tiền đầu tư xây chuồng trại ấy cũng không hẳn là tiền có sẵn trong ví của họ, mà là tiền vay ngân hàng.

Như vậy qua đây chúng ta thấy sự liên kết giữa ngân hàng – người nông dân – hãng tiêu thụ của nông dân Mỹ rất chặt chẽ. Giữa họ liên liên kết với nhau bằng hợp đồng, đảm bảo có vốn, và có nơi tiêu thụ. Nước Mỹ có ngành nông nghiệp sản xuất ra nông sản dồi dào nhất thế giới, chỉ 1% dân số Mỹ làm nông nghiệp nhưng đủ cung cấp số dân gấp 6 lần dân số nước Mỹ. Nước Mỹ sản xuất ra nông sản nhiều thế nhưng họ không để nông dân rơi vào tình trạng khốn cùng phải kêu gọi toàn xã hội giải cứu như Việt Nam. Tại sao?

Thực ra ở Mỹ hay Úc hay những nước tự do khác, người ta có các hiệp hội nghề nghiệp độc lập với chính phủ. Những hội này người dân tự lập và đưa ra mô hình hoạt động sao cho có sự liên kết giữa người nông dân- ngân hàng – hãng xưởng. Mục đích là để tạo ra mạch máu lưu thông hàng hóa suông sẻ không bị tắt nghẽn và giúp ích nông dân không bị cảnh ứ hàng rớt giá. Chính nó đã giúp ích cho nền kinh tế Mỹ nói chung và người nông dân Mỹ nói riêng sống sung túc và giàu có với nghề nghiệp của mình, và giúp nền kinh tế Mỹ phát triển. Nông nghiệp Mỹ rất mạnh là được sự giúp ích của các hiệp hội độc lập này không phải nông nông nghiệp Mỹ phát triển chỉ bởi Bộ Nông Nghiệp trong chính phủ.

Còn ở Việt Nam? Những hiệp hội của người nông dân không hề tồn tại. Cái gọi là Hội Nông Dân Việt Nam mà chúng ta thấy đấy, nó là một tổ chức của đảng và phục vụ cho đảng, còn với nông dân Việt, nó chẳng làm nên trò trống gì cả. Mà khi không có những hiệp hội độc lập để giúp người nông dân thì sự liên kết giữa ngân hàng – nông dân – hãng xưởng rất yếu và manh mún. Mà khi sự liên kết yếu kém thì hàng hóa sản xuất ra cứ chấp nhận cảnh được mùa mất giá muôn thuở. Những hiệp hội do chính người dân lập ra phục vụ quyền lợi cho chính mình và nó độc lập với đảng và nhà nước, thì người ta gọi đó là Xã Hội Dân Sự.

Vâng! Khi cấm xã hội dân sự thì mọi ngành nghề đều bị cắt lìa ra rất rời rạc, mạnh ai nấy tự bơi và chết đuối thì ráng chịu, chẳng có sự hỗ trợ nào cả. Chính việc cấm xã hội dân sự đó, nó đã tước mất cơ hội phát triển của người dân, nó cướp mất cơ hội phát triển của doanh nghiệp, và nó cũng cướp mất cơ hội phát triển của đất nước. Đó là cái giá quá lớn mà nhân dân và đất nước phải trả vì cái quy định ích kỷ của ĐCS – cấm xã hội dân sự. Thế mới đau./.

Tham khảo:

https://video.vnexpress.net/tin-tuc/xa-hoi/nong-dan-long-an-thua-lo-vi-khoai-mo-con-vai-nghin-dong-mot-ky-3960304.html

http://ifarmer.vn/san-pham/khoai-mo-loai-dac-biet-trong-luong-1-kg/

http://danviet.vn/nha-nong/nong-san-trung-quoc-ap-thue-nk-0-nha-nong-co-nguy-co-ngat-tho-723896.html

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/hang-loat-nong-san-trung-quoc-doi-lot-hang-viet-de-nghi-4-bo-cung-vao-cuoc-20181023131611585.htm

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here