Phải kiên nhẫn lắm mới có thể xem toàn bộ 38 phút chương trình “Đối diện” số đầu tiên của Đài truyền hình Trung ương VTV phát ngày 31-7-2019. Chủ đề là “Mặt trái của truyền thông xã hội”, với nội dung “lật tẩy” những ý đồ “kích động” “gây rối xã hội” “chống phá Nhà nước”… Đại loại vậy. Ngay ở thời điểm mà báo Nhân Dân kêu gọi “Huy động sức mạnh đại đoàn kết trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia” thì truyền thông nhà nước lại giở lại lá bài “thế lực thù địch”, như thể kẻ thù đang ngay trong lòng đất nước chứ không phải ngoài biên cương.
Từ khi vụ khủng hoảng bãi Tư Chính nổ ra, thái độ nhà cầm quyền đối với Trung Quốc đã được đánh giá là “mạnh mẽ”, ít ra là trên bề mặt, đặc biệt nếu được quan sát ở cự ly xa chẳng hạn từ lăng kính giới ngoại giao nước ngoài. Với người trong nước, những động thái thế này vẫn chỉ là bổn cũ soạn lại. Lại là những “cực lực lên án” và “phản đối gay gắt”. Chúng chẳng có gì mới để tạo nên bước ngoặc trong đối sách xử lý khủng hoảng sự kiện nói riêng và trong chiến lược đối ngoại về lâu dài với Trung Quốc nói chung. Điều không hề mới nữa, so với các sự kiện trước đó, từ vụ cắt cáp tàu Bình Minh năm 2011 đến vụ giàn khoan HD-981 năm 2014, là khoảng cách trong cách nhìn giữa chính quyền với người dân. Với sự kiện bãi Tư Chính, khoảng cách này còn nghiêm trọng hơn. “Ký ức” về những cái dùi cui dã man có lẽ là bài học lớn nhất mà người dân rút ra được.
Chính quyền không chỉ man rợ. Chính quyền cũng “nổi tiếng” tráo trở. Năm 2011, buổi chiếu phim “Hoàng Sa Việt Nam – Nỗi đau mất mát” của ông André Menras-Hồ Cương Quyết tại Bình Thạnh đã bị chính quyền phá hỏng, cụ thể là lệnh trực tiếp của “Ba Đua” (Nguyễn Văn Đua, lúc ấy là Phó Bí thư thường trực TP.HCM). Ba năm sau, khi vụ “giàn khoan” nổ ra, bộ phim này lại được trình chiếu miễn phí, ngay tại Hà Nội! Năm 2012, ký giả Bill Hayton bị cấm nhập cảnh Việt Nam bởi “tội” tung ra quyển sách “Vietnam: Rising Dragon”. Mới đây, hạ tuần tháng 7-2019, khi vụ bãi Tư Chính nổ ra, phóng viên Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV) đã tìm gặp Bill Hayton tại Washington DC (nhân một hội thảo về biển Đông) để phỏng vấn! Những trò tiểu xảo hai mặt như vậy có thể kể ra hàng lô.
Những phát biểu kiểu như “Vun đắp cho tình hữu nghị bền lâu… đó không chỉ là tâm nguyện của nhân dân và quân đội Việt Nam và Trung Quốc mà còn là tâm nguyện, khát vọng của thế giới văn minh ngày nay” của trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam ngày 30-7-2019 vừa qua, có thể kể ra hàng trang dài…
Không khó khăn để thấy Hà Nội đang làm mọi cách, sử dụng “mọi kênh” cần thiết, để vận động sự ủng hộ khu vực, đặc biệt Mỹ, trong vụ Tư Chính nói riêng và chủ quyền biển đảo nói chung. Hà Nội thành công hay không còn tùy sự cân nhắc lợi ích địa chính trị của các quốc gia liên quan. Điều mà nhà cầm quyền thất bại là họ đã không “huy động” được “sức mạnh toàn dân”. Đằng sau thói ngổ ngáo cuồng vọng Bắc Kinh là cả tỉ người dân Trung Quốc, được nhồi sọ rằng đường lưỡi bò là hợp pháp. Đứng trước mặt nhà cầm quyền Hà Nội là những “thế lực thù địch” trong và ngoài nước. Nếu có thể được gọi là “thành công” thì chính quyền đã có thể xoa tay thỏa mãn trong việc tạo ra, nhào nặn ra, những “thế lực nguy hiểm” cùng màu da và giòng máu. Làm thế nào mà những cá nhân như “Hiếu Buôn Gió”, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Lân Thắng, hay bất cứ “thế lực” nào mà chính quyền tưởng tượng, lại có thể “nguy hiểm”, “đe dọa chủ quyền” và “sự tồn vong dân tộc”? Làm thế nào chính quyền có thể huy động sự “đoàn kết thống nhất” để chống lại kẻ thù ngoại bang khi mà một người ngồi ở vị trí to cỡ “thủ tướng”, như Nguyễn Xuân Phúc, lại có thể hả hê như một đứa trẻ và phát biểu vô ý thức đến mức ngoài sức tưởng tượng khi nói về việc “bọn phản động lưu vong rã rời chân tay”?
Nhà cầm quyền Việt Nam giống Trung Quốc ở nhiều điểm. Hà Nội học cách cầm quyền không khác mấy Bắc Kinh. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn không học được cách tập hợp được sức mạnh toàn dân theo cách như Bắc Kinh, đặc biệt khi đụng đến vấn đề chủ quyền. Truyền thông Hà Nội cũng chỉ ở tầm học lóm Bắc Kinh cách tạo ra những “thế lực nguy hiểm”, hơn là đủ khả năng “đối diện” và đánh Trung Quốc trên truyền thông quốc tế như cách mà Trung Quốc đang làm, và làm rất hiệu quả./.