Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân
Nói tới Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, mọi người đều phải thừa nhận đây là một “đại dự án” có một không hai của Bộ Giao Thông-Vận Tải. Tuy chỉ có 13,1 km chiều dài nhưng dự án này đã chiếm nhiều kỷ lục độc đáo khó có nơi nào vượt qua. Đó là:
– Khởi công từ cuối năm 2011 đến nay sau 8 năm, đường sắt trên cao vẫn kiên trì nằm trên cao.
– Ngày đưa công trình vào hoạt động bị trì hoãn ít nhất 10 lần mà lần chạy thử đầu tiên vào tháng Chín, 2018 cách đây đã gần một năm.
– Vốn đầu tư ban đầu ước tính 552,86 triệu USD, sau nhiều lần đình trệ, vốn bổ sung lên tới 868 triệu, nghĩa là gần gấp đôi.Các nhà quản lý dự án gọi đó là “đội vốn” một cách nhẹ nhàng, coi như chuyện không đáng quan tâm vì trong khi thực hiện công trình phải có chi phí phát sinh. Lần cuối cùng, vào đầu tháng Bảy, 2019 UBND thành phố Hà Nội lại xin vay thêm 2.300 tỷ đồng (khoảng hơn 98 triệu USD) nói là phục vụ cho việc “khai thác, vận hành” tuyến đường sắt mang tiếng ì ạch này trong nay mai.
Trước những sự kiện đặt con trâu trước cái cày, dự án đường sắt trên cao dần dà biến thành dự án trên trời. Nó đã gây nhiều bực tức cho người dân Hà Nội vì họ đã ngóng chờ suốt hơn 8 năm để được phục vụ. Nhưng một số người chỉ mới được ngồi tàu chạy thử một lần duy nhất từ tháng Chín năm ngoái rồi thôi với những chiếc vé đi tàu in toàn chữ… Tàu.
Vừa qua, một bài báo trên chuyên mục Tuần Việt Nam của báo Vietnamnet đã đưa ra nhiều chi tiết để lý giải câu chuyện đường sắt trên cao và nêu lên nhiều câu hỏi: Vì sao ra nông nỗi này? Ai chịu trách nhiệm? Lấy tiền đâu để trả lãi hàng năm?
Dĩ nhiên tiền trả nợ thì do nhân dân “đồng cam cộng khổ” với nhà nước trả nợ công theo lời kêu gọi tha thiết của ông Thủ Tướng Phúc mới đây. Còn phần trách nhiệm thì thật khó nói, vì trong một chế độ đề cao trách nhiệm tập thể thì biết tìm đâu ra ai là người có tóc.
Bài báo của tác giả Nguyễn Duy Xuân phần nào đã trải tấm lòng của người Hà Nội mà thực ra chỉ mong mỏi một điều bình thường là dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông sớm hoàn thành. Vì với thời gian trên 8 năm và gần 1 tỷ đô-la bỏ ra với biết bao công sức người lao động, đáng lý nó phải làm xong từ những năm 2015-2016.
Theo tác giả Nguyễn Duy Xuân, Bộ Giao Thông-Vận Tải của Bộ Trưởng Thể cho biết công trình đã xong tới 99% và chỉ còn 1% nữa là có thể cắt băng khánh thành! Hoá ra đây là một câu chuyện rất nhỏ, cái chốt 1% cỏn con, nhưng không hiểu vì sao lại nghiệt ngã đến thế và có khả năng làm đình trệ ngày khai trương cận kề. Để đến nỗi cứ mỗi ngày trôi qua, người dân Việt Nam phải trả 2, 4 tỷ đồng cả vốn lẫn lời cho món nợ gần 1 tỷ USD. Hay nói khác đi mỗi năm Việt Nam phải trả ít nhất 30 triệu USD cho ngân hàng Trung Quốc, dù dự án có vận hành hay không.
Thông thường một dự án lớn liên quan đến đời sống dân chúng như Cát Linh-Hà Đông không thể vì bất cứ lý do gì mà kéo dài từ năm này sang năm khác, cuối cùng không biết đến bao giờ mới xong. Mà nó đòi hỏi nhà thầu phải hoàn tất công trình đúng kỳ hạn, hay nếu có trễ cũng trong vòng chấp nhận được. Ngoài ra công trình còn phải và đáp ứng ba yếu tố: Quản Lý – Kỹ Thuật và Tài Chánh.
Dựa trên ba yếu tố này thì Tài Chánh và Kỹ Thuật của dự án rõ ràng hoàn toàn nằm trong tay Trung Quốc nên khỏi phải bàn. Duy chỉ có điều còn lại là yếu tố Quản Lý, Việt Nam phải có trách nhiệm mà không thể giao cho nước nào. Vì lẽ dễ hiểu chỉ có ban quản lý dự án mới biết quản lý công trình như thế nào cho phù hợp với nhu cầu của chính mình. Nhưng theo Bộ Giao Thông-Vận Tải dự án đã hoàn thành 99%, chỉ còn lại 1% chưa xong, thật là một kiểu nói lập lờ vô trách nhiệm.
Như vậy, suy ra cho cùng 1% này chính là khâu quản lý bị trục trặc chứ không phải kỹ thuật hay tài chánh. Đây thực sự là lỗi của Bộ Giao Thông-Vận Tải, cụ thể là của Ban Quản Lý Dư Án Đướng Sắt Cát Linh-Hà Đông chứ không thể nào đổ thừa hết cho nhà thầu Tập Đoàn Cục 6 Đường Sắt hay các ngân hàng đầu tư của Trung Quốc.
“Liên tục lỗi hẹn và thiếu kinh nghiệm” về phía nhà thầu Trung Quốc là chuyện hiển nhiên ai cũng biết, nhưng 1% còn lại chính là khả năng yếu kém trong quản trị và điều hành của phía Việt Nam. Sự yếu kém trong quản lý không chỉ tìm thấy trong dự án Cát Linh – Hà Đông mà nó còn phơi bày lộ liễu từ lâu trong cung cách làm ăn kinh tế kiểu định hướng xã hội chủ nghĩa của các công ty quốc doanh.
Nói khác đi đây là sự dốt nát nên coi thường của cán bộ trong khi quản trị điều hành là yếu tố then chốt để thành công trong mọi hoạt động của bất cứ ngành nào. Cho nên theo dõi những phiên toà “cố ý làm trái gây thiệt hại quan trọng” của cán bộ lãnh đạo trong thời gian qua, họ thừa nhận một cách muộn màng rằng “khả năng còn yếu kém của bản thân” nhưng đảng đã giao thì phải làm…
Dự án Cát Linh – Hà Đông đã không ai chịu trách nhiệm ngay từ khi chọn nhà thầu và bây giờ thì đùn đẩy cho nhau. Rốt cuộc nó còn bị thả nổi không biết đến bao giờ, mà cũng chỉ vì cái chốt 1%!
Phạm Nhật Bình