Minh Châu – (VNTB) – Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM đã có kết luận giám định bổ sung số 1215/KLGĐ-TT với nội dung: Không đủ cơ sở kết luận giám định trong khoảng thời gian từ 21 giờ 10 phút 11 giây đến 21 giờ 10 phút 18 giây bàn tay trái của ông Nguyễn Hữu Linh có chạm vào phần cơ thể phía trước thân người của bé gái hay không.
***
Nói theo cách dân dã, vụ cựu phó viện trưởng viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh ‘dâm ô’ bé gái trong thang máy, coi như ‘chìm xuồng’.
Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM đã có công văn số 690/PC09-Đ3 trả lời nguyên nhân do hình ảnh khuất khỏi tầm quan sát camera.
Ông Nguyễn Hữu Linh bị truy tố tội “Dâm ô với người dưới 16 tuổi” do sau khi uống rượu bia ông đã có hành vi ôm hôn bé gái trong thang máy chung cư Galaxy 9, quận 4, TP.HCM. Vụ việc bị phanh phui khi một clip xuất hiện trên mạng internet, và ông Nguyễn Hữu Linh đã thừa nhận có ôm hôn bé gái, nhưng không thừa nhận dâm ô.
Như vậy, có ít nhất hai vấn đề pháp lý đặt ra: Thứ nhứt, cần có văn bản liên ngành về hành vi thế nào là ‘dâm ô’. Thứ hai, ‘ôm hôn bé gái’ là hành vi của ‘quấy rối tình dục’, tuy nhiên hành vi này lại chưa có chế tài hình sự.
“Có thể bổ sung quy định của Bộ luật hình sự, hình sự hóa một số hành vi quấy rối tình dục thành tội phạm, chứ không chỉ xử phạt hành chính. Như vậy mới đủ sức răn đe, mới đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong xã hội, khi mà những hành vi quấy rối tình dục liên tiếp xảy ra gây hoang mang, lo lắng trong dư luận xã hội như hiện nay”. Luật sư Trần Thành đề xuất.
Tuy nhiên theo quy định hiện hành thì việc sửa đổi luật tốn rất nhiều thời gian, phụ thuộc vào các kỳ họp toàn thể của Quốc hội.
Theo Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women), thì được coi là quấy rối tình dục bao gồm 9 hành vi sau đây: Mút chuột, huýt sáo, bình luận hoặc có cử chỉ gợi dục; Cố tình đụng chạm; Kéo, giật, tốc, tuột quần áo, váy để lộ các bộ phận cơ thể nhạy cảm; Gửi tin nhắn có nội dung khiêu dâm; Nói chuyện, kể chuyện đùa tình dục mà người khác không muốn nghe; Ép nhìn hoặc phô bày bộ phận sinh dục; Liên tục đeo bám, theo dõi; Quay phim, chụp ảnh vì mục đích tình dục mà không có sự đồng ý của đối phương; Đề nghị quan hệ tình dục không mong muốn.
Với cách hiểu kể trên của UN Women, thì ông Nguyễn Hữu Linh đã ‘quấy rối tình dục’ bé gái trong thang máy.
Hành vi ‘tình dục’ của việc ‘ôm hôn bé gái’, sẽ khác biệt so ‘ôm hôn bé gái’ theo nghĩa ‘thương yêu con cháu’ của thói quen bày tỏ trong dòng tộc. Điều đó cho thấy nếu có bản án tuyên trong vụ án Nguyễn Hữu Linh, cần làm rõ những tình tiết pháp lý ấy. Qua đó bằng chức trách của mình, trong thời gian chờ đợi bổ sung/ sửa đổi Bộ Luật Hình sự, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có thể ban hành nghị quyết hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật về các trường hợp tương tự như vụ án Nguyễn Hữu Linh trong cáo buộc ‘sàm sỡ’, ‘quấy rối tình dục’ trẻ vị thành niên.
Mở rộng vấn đề từ vụ án Nguyễn Hữu Linh cho thấy cần thiết tính độc lập của các tòa án trong diễn giải luật pháp, giải quyết tranh chấp theo luật pháp, và thậm chí đôi lúc còn phải biết mạnh dạn đề xuất huỷ bỏ điều luật nào đó, nếu như luật vi phạm những quyền hiến định. Nếu không như vậy, với việc ‘chìm xuồng’ của vụ án Nguyễn Hữu Linh, một lần nữa chứng minh cho chuyện “công lý” ở Việt Nam nhiều khi chỉ là tên gọi một anh hề xứ Bắc.