Ông Trần Bắc Hà tử vong khi đến bệnh viện, mặc dù bản thân ông có tiền sử về bệnh gan, nhưng cái chết trong lúc lò đang nóng đã khiến cái chết trở nên… bất thường.
Có hai yếu tố khiến tính chất bất thường được tạo nên, một là ông là quan chức trong bộ máy chính quyền, và hai là ông có liên quan đến đường dây lợi ích nhóm khổng lồ mà bản thân chính quyền đương nhiệm đang muốn giải mã.
Nhà báo Phạm Việt Thắng trên trang Facebook cá nhân của mình đã bày tỏ quan điểm trong sự kiện này bằng hai bài thơ trong ngày 18.7.
“Bắc Hà chết, hỏi ai vui?/ Bạn ai không biết, còn tui ba Xờ!”, và “Đêm qua anh chết trong lao/ Thế là lò tắt, xôn xao miệng người/ Anh chết khối kẻ mỉm cười/ Phường tham nhũng, cả một trời đứa vui”.
Facebooker Nguyễn Đình Hùng trong một phản hồi bày tỏ, ông Trần Bắc Hà tử vong là do gan, nhưng là gan lỳ. Những hình ảnh gắn liền giữa Trần Bắc Hà và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được khơi gợi lại, và luôn đi kèm với mô tả, “đàn em thân tín của ông Dũng đã chết trong tù”.
Nhưng chết liệu phải đã hết, bởi chính trường Việt Nam dường như không quy định một lệ nào có liên quan đến những cái chết bất thường. Có cái chết của tướng Ngọ khiến câu chuyện chống tham nhũng trở nên đứt đoạn, nhưng cái chết của tướng Quang lại mở đường cho nhóm lò mạnh hơn ở khối ngành công an, vậy thì cái chết của Trần Bắc Hà, tướng – tư lệnh BIDV thì sao? Khó có thể đánh giá, nhưng nếu thực sự ông Bắc Hà “gan lỳ”, và không bị ảnh hưởng bị việc con trai đã bị bắt, thì đúng như nhà báo Phạm Việt Thắng, “thế là lò tắt”. Tuy nhiên, tất cả chỉ là sự phỏng đoán, thậm chí những tin đồn đại trên mạng xã hội Facebooker cũng không khác gì bữa trà đá, nơi mà nhiều thuyết âm mưa đặt ra và nhiều tin đồn được giật lên để câu like.
Với 7 tháng tạm giam, có thể ông Trần Bắc Hà đã khai đủ để phía cơ quan điều tra tiếp tục công việc, và quy tắc “trọng chứng hơn trọng cung” có thể sẽ được bổ sung một cách gián tiếp bằng nhân chứng thứ cấp, thông qua lời khai của ông Trần Bắc Hà trước đó. Và như thế, lần này, “những giọt nước mắt còn lâu mới chịu khô” sẽ khó có thể được định hình trên khuôn mặt ông Nguyễn Tấn Dũng hay Nguyễn Phú Trọng.
Quay trở lại căn bệnh của ông Trần Bắc Hà, bệnh gan của ông Hà được ghi nhận, và việc duy trì đến 7 tháng là nỗ lực của chính phía cơ quan điều tra. Ít nhất, những căn bệnh này có thể khiến ông Hà chết nhanh hơn, bởi tình trạng đi xuống về tâm lý.
Có hẳn một nghiên cứu liên quan đến những cái chết bất thường của quan tham Trung Quốc, mà qua đó có thể nhận diện căn bệnh và cái chết của ông Trần Bắc Hà.
Nghiên cứu Rui-Xing Yin cho thấy, cái chết không tự nhiên của nhóm quan chức chính phủ cho thấy đến từ, tự tử, tử vong do tai nạn, bị giết và bị kết án tử hình. Nguyên nhân chính dẫn đến tự tử là do trầm cảm (32,26%), sợ hình phạt, các bệnh khác (5,38%). Kết quả của nghiên cứu này cho thấy những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra cái chết không tự nhiên là tự tử và tử vong do tai nạn, và nguyên nhân chính của tự tử là trầm cảm và sợ hãi hình phạt trong các quan chức chính phủ Trung Quốc.
Nghiên cứu cũng chỉ ra, tự sát là hành vi được liên kết giữa các yếu tố xã hội và môi trường, gắn với nhiều đặc điểm và nhược điểm trên mức độ cá nhân, liên quan đến đặc điểm sinh học, tâm lý. Và áp lực công việc quá mức hay bị cáo buộc tham nhũng (dẫn đến tâm lý sợ hãi) có thể thúc đẩy các vụ tự tử chính thức.
Bản thân khi các bê bối được tiết lộ, thì tỷ lệ tự tử ở cá nhân tăng lên tránh bị trừng phạt bởi pháp luật, hoặc thuần túy là làm gián đoạn dấu vết điều tra để bảo vệ quyền lợi được giao phó trước đó. Thậm chí, xu hướng tự tử còn được hiểu như là một hệ quả của quá trình bị “cưỡng bức”, Trương Dương, cựu Chủ nhiệm Bộ Công tác Chính trị Quân ủy Trung ương, người đã “tự tử” khi đang quản chế tại nhà (25.11.2017), trong bối cảnh đang bị điều tra liên quan đến hai tướng bị bắt là Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Tập Cận Bình là một ví dụ.
Quay lại với cái chết của ông Trần Bắc Hà, ông ta có thể chết vì bệnh lý hoặc chết vì nhằm gián đoạn dấu vết điều tra, nhưng dù lý do nào đi chăng nữa, thì cái chết đó cũng phù hợp với nhu cầu và lợi quyền chính trị của không ít người.
Ở một khía cạnh khác, ông Bắc Hà ra đi để lại những tiếng xì xào của người đời, một gia đình tan nát, với con trai đang trong trại giam và tài sản bị truy thu. Nhìn về Bắc Hà, “thương tiếc” thì ít, mà chửi rủa và hiếu kỳ thì nhiều. Và trong trường hợp này, câu thơ dân gian lại phản ánh đúng và đầy về câu chuyện Bắc Hà.
“Thương dân, dân lập đền thờ/ Hại dân, dân đái ngập mồ thối xương”.
Nhưng có lẽ điều cay đắng nhất mà ông Trần Bắc Hà có lẽ nhận ra ở cuối đời, đó là bản thân cái chết của ông trở thành một màn bi hài kịch, khi sự ra đi khiến không ít người buồn, nhưng người vui lại là những đồng minh một thời của ông./.