Thời đi học, đám chúng tôi đứa nào cũng được nhồi nhét mớ lý luận, như một thứ chân lý: Giai cấp công nhân (còn gọi là vô sản) là lực lượng lãnh đạo cách mạng. Chỉ có nó là giai cấp tiên phong, dẫn dắt, đứng đầu, bởi đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, tính tổ chức kỷ luật cao, và nhất là “làm cách mạng, nếu có mất chỉ mất xiềng xích; còn được, thì được cả thế giới”.
Nông dân xứ ta đông, nhưng không thể lãnh đạo, bởi cứ như nhận xét của đảng (tự xưng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, tức là nhất của nhất), thì đó là đám quần chúng ô hợp, lạc hậu, vướng vào ý thức sở hữu tư nhân, không triệt để cách mạng, nay thế này mai thế khác. Vô sản liền lợi dụng nông dân, tạo thành khối liên minh công nông. Còn đám trí thức, tiểu tư sản thì không tin được, do lập trường dao động, ngả nghiêng, nói chung là rất vớ vẩn.
Mớ lý luận ấy khiến giai cấp công nhân sướng rơn, tự thấy mình quan trọng tới mức mình chỉ cần hắt hơi sổ mũi là hòa bình thế giới cũng bị ảnh hưởng.
Suốt gần trăm năm ở xứ này, người ta cứ miệt mài đấu tranh giai cấp, cứ ai thắng ai, lôi dân lành vào các cuộc đấu đá, tương tàn. Không đánh nhau thì không phải là đảng. Khi có sự phân biệt giai cấp thì đấu đã đi một nhẽ, mà khi ranh giới giai cấp bị xóa nhòa vẫn cứ đấu ác liệt. Không khác gì đánh nhau với kẻ thù vô hình. Ai không tin, cứ giở điều lệ đảng mà coi.
Thế sự biến thiên, dần dần giai cấp công nhân hiểu ra rằng mình chỉ ăn bánh vẽ trong lúc chịu nghèo đói thực sự. Tôi còn nhớ hồi giữa thập niên 80 được đọc một truyện ngắn của Trần Huy Quang (hoặc ai đó) trên báo Văn Nghệ, một bác công nhân cứ năn nỉ với chủ xưởng xin được bóc lột, chứ nếu làm chủ tập thể, tiến lên chủ nghĩa xã hội theo ông Lê Duẩn sẽ chết đói mất. Xin được bóc lột, thật đau lòng.
Hải Phòng quê tôi là thành phố công nghiệp. Nói tới giai cấp công nhân là nhắc Hải Phòng đầu tiên. Những bến Bính, Xi măng, cầu Rào, Cầu Đất, Lạc Viên… Công nhân Hải Phòng bị ảo tưởng về mình suốt bao tháng năm dài. Nay nhìn cái ảnh chụp hàng trăm công nhân Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng gầy gò thiểu não căng tấm vải đỏ như máu đòi nợ lương, mà thấy thật buồn. Nhớ cái truyện của Nguyên Hồng, một người gắn với Hải Phòng, truyện Một người đàn bà Tàu, trong đó văng vẳng mãi câu “Phải trả tiền cho chúng tôi về quê”.
Thời đế quốc sài lang, công nhân đi làm thuê còn nuôi được gia đình, vợ con. Thời chủ nghĩa xã hội, công nhân làm chủ đã thực sự trở thành vô sản, chỉ riêng “đối tượng chính sách”, tức cán bộ đảng, thành những tư bản đỏ.
Người ta không thể sống bằng không khí. Đi làm, đi bán sức lao động chỉ mong được trả lương, trả tiền công, dù rẻ mạt. Ai đời nợ lương mà nợ tới cả gần năm rưỡi, từ tháng 2.2018 tới tháng 5.2019 thì người ta sống bằng gì.
Cả một hệ thống chính trị lúc nào cũng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác nhưng bỏ mặc công nhân chết đói, bỏ ngoài tai mọi lời kêu cứu của kiếp sống lầm than.
Không có tờ báo quốc doanh nào nẩy cho nửa chữ về tấn bi kịch vô sản sờ sờ trước mắt.
Và đau nhất, cái tổ chức công đoàn, nó gần như không chút đoái hoài tới những con người đã vắt kiệt sữa để nuôi nó. Bất nhân, vô ơn, ăn cháo đái bát, không đủ từ ngữ dành cho đám ruồi xanh này./.