Tân Phong – Web Việt Tân
Khi Quyền lực Nhân dân vs Quyền lực Nhà nước
Những cuộc biểu tình phản đối Luật Dẫn Độ kéo dài từ 9 tháng Sáu cho đến nay tại Hong Kong đã đạt tới một kỷ lục hiếm có với sự tham gia hàng triệu người – con số có thể gây sốc cho bất cứ bộ máy quyền lực Nhà nước nào và làm tê liệt xã hội tức thời.
Bắc Kinh cho rằng “cuộc biểu tình không phản ánh ý chí và nguyện vọng của người dân và bị xúi bẩy bởi những lực lượng ngoại bang chống phá chính quyền Trung Quốc” như lời ông Bộ Trưởng Ngoại Giao trả lời báo chí. Ông ta nói đúng – cuộc biểu tình này không xảy ra ở Trung Quốc đại lục và đương nhiên nó không thể hiện nguyện vọng muốn “phát tài” bằng mọi giá cho người dân đại lục. Nó diễn ra ở Hong Kong – nơi dân số hơn 7,4 triệu người và hơn 1 triệu người đã tham gia biểu tình. Rõ ràng, đây là một cuộc biểu trưng cho ý chí và mối quan tâm của người Hong Kong lớn nhất kể từ Hong Kong trở về với Trung Quốc vào năm 1997.
Có thể là một sự trùng lặp ngẫu nhiên hoặc hoàn toàn không, khi chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong dự định thông qua Dự Luật Dẫn Độ sau ngày 4 tháng Sáu, 2019 không lâu. Nếu là một sự sắp đặt chính trị từ trước hẳn là một sự lựa chọn không khôn ngoan hoặc là một áp đặt đầy ẩn ý và quá ngạo mạn – thói quen của những quan chức cộng sản có nhiều “thâm thúy” của văn hóa truyền thống Trung Hoa.
Sự kiện Lục Tứ – ký ức kinh hoàng về tội ác mà Trung Quốc Cộng Sản Đảng đã gây ra 30 năm trước (4/6/1989 – 4/6/2019) có thể đã hoàn toàn được xóa sạch trong ký ức của người dân Trung Quốc đại lục. Ba mươi năm sau vụ thảm sát Thiên An Môn, những phóng viên AP mang tấm hình “tank man” nổi tiếng đưa cho những người dân Bắc Kinh xem và hỏi họ đã bao giờ nhìn thấy tấm hình đó hoặc biết gì về nó? Tất cả đều trả lời “Chưa bao giờ nhìn thấy”, “chưa từng thấy”, “hình như là xe tăng nước ngoài, không phải ở Trung Quốc”…
Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã làm được một điều phi thường – đó là chứng minh được rằng họ hoàn toàn có thể tạo ra “lịch sử” theo “ý chí” của Đảng. Những tiên đoán của George Orwell trong tác phẩm đầy ám ảnh 1984 đã trở thành “hiện thực” ở các nước có thể chế chính trị độc tài toàn trị như Trung Quốc hay Triều Tiên: “Kẻ nào làm chủ được hiện tại, kẻ đó làm chủ được quá khứ.”
Nhưng ở Hong Kong, điều tồi tệ này chưa xảy ra. Ít nhất là cho tới thời điểm hiện tại. Hơn 180.000 người đã tham gia thắp nến tưởng niệm cuộc thảm sát Thiên An Môn diễn ra 30 năm trước như một hành động thể hiện cho khát vọng Tự Do không bao giờ tắt. Nó cũng là một lời thách thức công khai tới chính quyền đại lục.
Ở đây, “lịch sử thực sự” được nhắc nhớ bởi các bằng chứng tội ác không thể chối bỏ là hàng ngàn tấm hình, những đoạn video và hàng ngàn nhân chứng vẫn còn sống. “Ký ức thực sự” được nhắc nhớ, được kể lại và được lưu giữ trên Internet. Cuộc thảm sát Thiên An Môn năm xưa nhắc nhớ lớp thanh niên Hong Kong rằng họ hoàn toàn có khả năng đối mặt với một tương lai tồi tệ khi phải sống trong một thể chế toàn trị vô cảm, bất lương. Từ Thiên An Môn cho đến đại lộ Tim Mei – Hong Kong, khoảng cách có thể chỉ là gang tấc.
Ba ngày sau buổi thắp nến tưởng niệm sự kiện Lục Tứ, bà Carrie Lam – Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong dự định thông qua đạo luật dẫn độ với Bắc Kinh. Người Hong Kong cảm giác như bàn tay nhớm nhúa vô hình của Bắc Kinh đang từ từ xiết vào cổ mình.
Không phải chỉ là sự bất bình vì can thiệp quá sâu của Trung Quốc mà nỗi sợ hãi tự sâu thẳm trong tiềm thức sinh tồn đã đánh thức người Hong Kong. Cuộc biểu tình không có các lãnh đạo sinh viên như hồi xuống đường 2014, một cuộc biểu tình với rất nhiều nhóm, nhiều phương thức khác nhau và đồng loạt.
Một sức mạnh tự thân của đám đông có ý thức chính trị rất mạnh mẽ vì sự sinh tồn và những giá trị Tự Do cá nhân vốn được hiến định nhiều thập kỷ qua tại hòn đảo này, chứ không đại diện cho những nhóm chính trị hay đảng phái nào: Hong Kong không phải là Trung Quốc. Hãy hủy bỏ ngay dự luật… Thậm chí, người ta thấy có những nhóm biểu tình bày tỏ mong muốn trở lại thời kỳ “đế quốc Anh cai trị”. Rõ ràng là một hiện thực đầy mỉa mai của cái gọi là “Ý Đảng, lòng dân”.
Vốn dĩ, người Hong Kong đã có quá nhiều chịu đựng với những cư dân “Tài lục” kể từ khi Hong Kong được trao trả về Trung Quốc vào năm 1997. Dòng thác người từ đại lục tràn sang bất chấp nỗ lực hạn chế của cả chính quyền đại lục và Hong Kong đã tạo một sức ép cực lớn về dân số với Hong Kong. Họ – những người Trung Quốc mang theo thứ “văn hóa” đáng khinh bỉ trong mắt người Hong Kong – có thể sẵn sàng vét sạch từng hộp sữa trong siêu thị cho đến những túi xách đáng giá cả một gia tài ở những cửa hàng Hermes xa xỉ, hợm hĩnh ăn nói tục tĩu, ầm ĩ và sẵn sàng xả rác bất cứ chỗ nào nếu không có camera hay nhân viên công lực.
Những can thiệp vào chính trị Hong Kong của Bắc Kinh từng giai đoạn đều vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của người dân ở vùng đất có 1 thế kỷ là thuộc địa của Anh Quốc này. Nhưng cái vòng kim cô của Trung Quốc vẫn dần xiết chặt và những nỗ lực của các phong trào “dù vàng”, “dù xanh” năm 2014 bị chia rẽ và đàn áp. Nhưng lần này, khi Carrie Lam đưa ra Dự Luật Dẫn Độ vào thời điểm không hề thích hợp, có vẻ như đã là giọt ly tràn ly cuối cùng.
Đây là cuộc biểu trưng của một thứ Quyền lực thực sự lớn mạnh – “Quyền lực của kẻ không quyền lực” mà Vaclav Havel từng nói tới – nơi nó thuộc về là Nhân Dân. Nó hoàn toàn đối lập với thứ quyền lực mà Bắc Kinh đang muốn áp đặt tại Hong Kong và điều này đang đặt nhà cầm quyền Trung Quốc vào một thế lưỡng nan. Nhà cầm quyền Trung Quốc luôn nhìn nhận mọi sự phản kháng dù là hòa bình, bất bạo động của đám đông dân chúng như là những thách thức với quyền lực đảng. Nhưng việc đem xe tăng ra để biến hàng ngàn sinh viên thành món thịt bằm trên bàn tiệc máu của đảng như ở Thiên An Môn sẽ khó có thể tái hiện ở Hong Kong. Nhưng nếu Đảng Cộng Sản Trung Quốc không áp đặt được Hong Kong thì Đài Loan, Macau, Tân Cương sẽ nhìn vào mà noi theo.
Thế giới đã rất khác so 30 năm trước. Khi George Orwell viết 1984 như gióng một hồi chuông nguyện cho Tự Do của loài người thì chưa có Internet. Điều khác biệt này rõ ràng đã tạo ra một cơ hội sinh tồn kỳ diệu cho những người dân nhỏ bé yêu Tự Do khi đối đầu với bộ máy nhà nước toàn trị khổng lồ. Một vấn đề nữa mà Bắc Kinh sẽ phải tính toán kỹ lưỡng hơn là vai trò đặc biệt của Hong Kong hay kể cả Macau, Đài Loan đối với nền kinh tế vĩ mô trong thời điểm hết sức nhạy cảm khi cuộc thương chiến Mỹ Trung đang leo thang và chưa nhìn thấy điểm dừng. Mọi biến động lớn về kinh tế xã hội đều sẽ phải trả giá rất đắt. Do đó, việc bà Carrie Lam vừa tuyên bố hoãn lại vô thời hạn dự luật dẫn độ với Bắc Kinh phải chăng là một sự nhượng bộ “chẳng đặng đừng”.
Kết quả của cuộc biểu tình lịch sử tại Hong Kong trong tuần qua đã có một “kết thúc có hậu”. Quyền lực của Nhân dân tạm thời đã chiến thắng trước Quyền lực Nhà nước trong một thể chế toàn trị và mở ra những hy vọng mới cho cuộc đấu tranh bảo vệ những giá trị Tự Do tại Hong Kong nói riêng cũng như cho cả những quốc gia mà người dân đang chịu đựng thể chế chính trị độc tài vô lương nói chung.
Cuộc đấu tranh của người dân Hong Kong cũng minh chứng một chân lý “Tự Do không bao giờ là miễn phí” và không ai đấu tranh thay cho bản thân mình. Không phải người Mỹ, người Anh mà chính là người dân Hong Kong đã đứng lên và chiến thắng. Sẽ không bao giờ có ngoại lệ.
16/6/2019
Tân Phong
***
Xin vui lòng tiếp tay phá vỡ bức màn bưng bít thông tin của chế độ bằng cách SHARE bài viết trên FB của Bạn. Trân trọng cảm ơn Bạn.