Tuần trước, nhiều quốc gia, đặc biệt là những quốc gia ở khu vực Tây Âu cùng tổ chức tưởng niệm 75 năm ngày lực lượng đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandy – Pháp (D Day – 6/6/1944), khởi động nỗ lực cuối cùng nhằm gỡ bỏ ách thống trị của phát xít Đức đặt trên châu Âu và loại trừ chủ nghĩa phát xít trên bình diện toàn cầu.
D Day được ví von như “longest day” (ngày dài nhất), đẫm máu nhất. Người ta ước tính, hôm ấy, riêng tại Normandy có 425.000 người thuộc hai phía (đồng minh và phát xít) chết, bị thương, mất tích. Trong đó, tổng số thương vong của phía đồng minh là 209.000 người. Riêng quân đội Mỹ có hơn 2.800 người tử trận và hơn 13.500 người bị thương…
Trong Thế chiến thứ hai, Mỹ có 416.800 quân nhân thiệt mạng khi tham gia cuộc chiến loại bỏ chủ nghĩa phát xít, giải phóng châu Âu, châu Phi, rồi châu Á.
Nếu chỉ tính châu Âu, đến giờ này, vẫn còn 130.000 lính Mỹ đang an nghỉ trong 19 nghĩa trang rải rác tại nhiều quốc gia (Anh, Pháp, Luxembourg, Bỉ, Hà Lan, Ý). Cũng tại châu Âu, có ít nhất 16 Đài Tưởng niệm mang tầm vóc quốc gia để tưởng nhớ đóng góp xương máu của quân đội Mỹ cho nỗ lực giải phóng châu Âu hồi Thế chiến thứ hai. Tất cả các nghĩa trang, đài tưởng niệm đều được chính quyền và dân chúng địa phương chăm sóc hết sức cẩn thận và trở thành những địa điểm du lịch thu hút rất đông du khách.
Ở Mỹ, tất nhiên cũng có nhiều nghĩa trang chôn cất những quân nhân thiệt mạng trong Thế chiến thứ hai. Thậm chí có hẳn một Đài Tưởng niệm tầm vóc quốc gia về D Day: National D Day Memorial ở Bedford (một thị trấn thuộc quận Bedford, tọa lạc ở miền Trung tiểu bang Virginia).
Vì sao lại đặt National D Day Memorial ở Bedford?
***
Vào giữa thập niên 1940, Bedford chỉ có chừng 4.000 dân. Khi lệnh tổng động viên được ban hành, có thêm 37 cư dân Bedford cùng trở thành lính của Đại đội A, Trung đoàn 116, Sư đoàn 29 Bộ binh, thuộc lực lượng Địa phương quân (National Guard) tiểu bang Virginia, lên đường ra trận.
Giống như nhiều người Mỹ khác ở hậu phương, cư dân Bedford dõi theo từng tin liên quan đến các mặt trận chống phát xít. Đến D Day thì tin chiến sự không còn đơn thuần là nhu cầu thông tin về tương quan ta – địch đang như thế nào mà tạo ra sự thắc thỏm chung về lành dữ. Qua truyền thông, cư dân Belford lo thắt ruột vì Sư đoàn 29 là một trong những đơn vị được chọn để đổ bộ và Đại đội A là một trong những đơn vị đầu tiên đặt chân lên bãi biển Normandy… 8 giờ sáng 19 tháng 7 năm 1944, Elizabeth Teass – Điện báo viên Bưu điện Bedford – nhận thêm một điện tín từ Văn phòng Tổng thống: Bộ trưởng Chiến tranh đề nghị tôi gửi lời chia buồn sâu sắc…
Elizabeth vốn chẳng lạ lẫm gì với những bức điện tín có nội dung như vậy. Trước đó, tuần nào bà cũng phải nhận rồi chuyển một bức điện tín kiểu đó cho một gia đình nào đó ở Bedford… Tuy nhiên 19 tháng 7 năm 1944 trở thành đặc biệt vì Văn phòng Tổng thống lần lượt gửi hàng loạt bức điện tín như thế tới Bedford!
Người ta kể rằng, hôm ấy, thị trấn Bedford chết lặng trước hung tin: Có thêm 11 người là chồng, con, anh em, bạn bè, hàng xóm của họ,… không bao giờ trở về nữa! Cả thị trấn rùng rùng đổ về trung tâm, tụ tập trước cửa bưu điện. Đêm xuống, nhiều người không chịu về nhà mà ngủ dưới hiên nhà thờ, đối diện bưu điện, vừa chờ tin, vừa cầu nguyện, song dòng chảy của những bức điện báo tử vẫn chưa ngừng… Đến ngày 21 tháng 7 năm 1944, số điện báo tử gửi cho Belford tăng từ 11 thành 20!
20 “Bedford Boys” cùng mất mạng vào D Day. Vào ngày định mệnh ấy, 19/20 “Bedford Boys” vẫn cùng một đơn vị như lúc lên đường: Đại đội A, Trung đoàn 116, Sư đoàn 29.
***
Dẫu National D Day Memorial đã được xây dựng tại Bedford nhưng chừng đó dường như chưa đủ.
Ken Parker – 75 tuổi, cư dân Newcastle (tiểu bang Oklahama), cách Bedford (tiểu bang Virginia) khoảng 1.900 km – nghe kể về “Bedford Boys” vào thập niên 1980.
Năm ngoái, Ken có dịp đọc thêm hai cuốn sách về “Bedford Boys”. Bởi Ken dự tính sẽ cùng vợ đi thăm Nghĩa trang và Đài Tưởng niệm quân nhân Mỹ tử trận vào D Day tại Normandy, nên họ gửi cho cư dân Bedford một lá thư, cho biết sẵn sàng nhận – giúp thân nhân của “Bedford Boys” đặt các kỷ vật tưởng niệm tại đó…
Hai ngày sau, điện thoại của gia đình Parker reo không ngừng. Hóa ra có rất nhiều người từ Bedford muốn họ giúp…
Những câu chuyện được chia sẻ qua điện thoại đã khiến Ken và Laura tìm đến Bedford. Họ dự tính sẽ ghi lại và góp thêm một cuốn sách khác về những “Bedford Boys” nhưng cuối cùng, cả hai tự thấy nếu chỉ thế thì không đủ. Cha mẹ, anh chị em, bạn bè, hàng xóm của “Bedford Boys” đã lưu lại hoặc đang còn giữ đủ thứ kỷ vật về những người đã khuất. Nhiều thư từ, hình ảnh, nhật ký, huy chương, điện báo tử… giờ đang được nhiều cháu trai, cháu gái của “Bedford Boys” nâng niu như một thứ di sản.
Những câu chuyện, đặc biệt là những câu chuyện trong và sau ngày Bedford quỵ xuống vì sức nặng của 20 bức điện báo tử, rồi những kỷ vật,… tiếp tục làm vợ chồng Parker đổi ý. Họ không muốn mang bất kỳ thứ gì của thân nhân “Bedford Boys” đến Pháp, đặt ở Nghĩa trang và Đài tưởng niệm quân nhân Mỹ tử trận vào D Day tại Normandy nữa. Vợ chồng Parker đã bỏ tiền mua lại tòa nhà gạch hai tầng – nơi 74 năm trước, cả Bedford đổ đến ngóng tin chồng, con, anh em, bạn bè, hàng xóm, chuyền cho nhau xem những bức điện báo tử, dựa vào nhau để vượt qua nỗi đau – để thành tập Trung tâm tưởng niệm “Bedford Boys” (Bedford Boys Tribute Center).
Bedford Boys Tribute Center vừa khánh thánh. Tầng dưới là một quán cà phê, tầng trên là nơi trưng bày nhiều thứ liên quan đến “Bedford Boys”. Ngoài hình ảnh, những kỷ vật, còn có cả chuông của ngôi trường nơi “Bedford Boys” từng học trước ngày ra trận, thậm chí có cả máy điện tín giống như chiếc máy Elizabeth Teass từng nhận tin dữ (1)…
***
Cũng tuần trước, mạng xã hội Việt ngữ sôi sùng sục vì ông Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore cho rằng “Việt Nam xâm lược và chiếm đóng Campuchia”.
Đã có rất nhiều người Việt nguyền rủa ông Lý Hiển Long và mạt sát những cá nhân đề nghị đồng bào mình tìm hiểu thêm, ngẫm nghĩ về bối cảnh khu vực, bối cảnh thế giới thời điểm đó cũng như những yếu tố, khiến cộng đồng quốc tế phản đối Việt Nam thực thi “nghĩa vụ quốc tế” ở Campuchia.
Rất ít người muốn đào sâu, thảo luận kỹ xem đảng CSVN có phải chiụ trách nhiệm không khi từng hỗ trợ Khmer Đỏ trở thành đảng cầm quyền tại Campuchia để mở rộng khối xã hội chủ nghĩa? Tại sao Khmer Đỏ liên tục quấy nhiễu khu vực biên giới nhưng lại ra lệnh rút các đơn vị của Sư đoàn 330 đang trấn đóng ở biên giới Việt Nam – Campuchia đoạn nằm trên địa phận Tri Tôn, An Giang để Khmer Đỏ dễ dàng gây ra vụ thảm sát Ba Chúc (hơn 3.000 dân lành bị giết), 12 ngày sau mới chịu quay lại để quay phim, chụp ảnh, tố cáo và tổ chức phản công vì đủ bằng chứng chứng minh cần thực hiện một cuộc chiến tự vệ (2)?..
Trách nhiệm của đảng CSVN thế nào khi sau 30 tháng 4 năm 1975 lại có thêm hết chục ngàn người Việt này đến hàng chục ngàn người Việt khác thiệt mạng, tàn phế trong các cuộc chiến ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc mà cội rễ chỉ vì… cộng sản Liên Xô và cộng sản Trung Quốc xung đột về quan điểm, lập trường! Bị lôi vào vòng xoáy giành tính “chính danh cộng sản” giữa Liên Xô và Trung Quốc, Việt Nam bị cô lập bằng cấm vận, nội lực kiệt quệ, dân chúng lầm than, bỏ lỡ hàng loạt cơ hội, vị thế quốc gia liên tục sụt giảm, đến giờ vẫn nằm trong nhóm ở đáy khu vực Đông Nam Á, thua xa Singapore?
Kèm theo việc rủa sả những người cho rằng “Việt Nam xâm lược và chiếm đóng Campuchia”, cần phải đính thêm vào đó những lời giải thích thấu đáo về những sự kiện kiểu như bắt, cầm giữ Pen Sovann (Một người Campuchia, thập niên 1950 từng “tập kết” ra miền Bắc. Tháng 1 năm 1979 là một trong 66 người thành lập Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia – CPP, nhằm thế chỗ Khmer Đỏ và được bầu làm Tổng Bí thư CPP. Tháng 7 năm 1981 được Quốc hội Campuchia bầu làm Thủ tướng. Ngày 1 tháng 12 cùng năm bị Tổng Bí thư mới là Heng Samrin cách chức, hôm sau bị quân đội Việt Nam bắt, mang về Hà Nội cầm giữ 11 năm, đến 1992 mới phóng thích) (3)!
Giúp đỡ một dân tộc khác, thực thi “nghĩa vụ quốc tế”, cho phép “quân tình nguyện” muốn làm gì thì làm, kể cả như đã làm với Pen Sovann?
Tại sao có thể bừng bừng phẫn nộ, lên án một ngoại nhân như Lý Hiển Long coi thường xương máu, đóng góp của người Việt cho Campuchia mà lại dửng dưng, không bận tâm chút nào trước những sự kiện, chẳng hạn, ít nhất vẫn còn 2.500 hài cốt liệt sĩ người Việt, tử trận trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, đang phơi mưa nắng tại hàng chục cao điểm ở Hà Giang? Cách nay ba năm, tướng Sùng Thìn Cò – Phó Tư lệnh Quân khu 2 đồng thời là đại biểu của tỉnh Hà Giang tại Quốc hội khóa 14 – từng khẩn khoản xin Quốc hội duyệt chi một khoản tiền để tổ chức mang họ về với gia đình, lo cho họ mồ yên, mả đẹp, dù Quốc hội chưa gật, chẳng có bao nhiêu người thắc mắc (4).
Tại sao nơi chôn cất các liệt sĩ hi sinh trong cả cuộc chiến ở biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, ở Campuchia hoang tàn, lạnh lẽo, những tấm bia, kể cả bia ghi chiến tích bị đục bỏ, thậm chí làm mới để xóa sạch những dấu vết liên quan tới tội ác của quân xâm lược Trung Quốc, chuyện đàn áp dã man những người “tùy tiện” tưởng niệm họ, tổ chức nhảy múa để ngăn chặn những buổi tưởng niệm ấy không đáng làm số đông xúc động như đang xúc động vì phát biểu của ông Lý Hiển Long?
Chẳng lẽ lịch sử có nhiều sự thật, cảm xúc vẫn chỉ được tỏ bày theo “đường lối, chủ trương, chính sách” vừa để bảo đảm an toàn cá nhân, vừa nhằm chứng tỏ ái quốc?
Chú thích
(2) https://vi.wikipedia.org/wiki/Thảm_sát_Ba_Chúc
(3) https://vi.wikipedia.org/wiki/Pen_Sovann