Phạm Minh Hoàng – Web Việt Tân
Ngày 27 tháng Năm, 2019, báo chí đồng loạt đưa tin chấn động về vụ chạy điểm tại Sơn La: trung bình mỗi trường hợp phải trả 1 tỷ đồng, tương đương 43.000 USD.
Vào ngày 19 tháng Tư, 2019, mọi người đều ngỡ ngàng khi xảy ra vụ nâng điểm trong kỳ thi trung học phổ thông (THPT) 2018. Tổng cộng có 222 thí sinh trung học phổ thông của 3 tỉnh Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La được sửa đổi điểm. Những thí sinh này sau đó đã trúng tuyển vào các đại học, thậm chí có sáu thủ khoa, á khoa.
Thí sinh được nâng điểm “khủng” nhất là thí sinh N.A.T, ở Sơn La, được nâng tới 26,55. Điểm chấm lần đầu môn Toán: 9, Lý: 9, Ngoại ngữ: 9. Điểm chấm thẩm định lại: Toán: 0, Lý: 0,25, Ngoại ngữ: 0,2! Thí sinh này trong danh sách trúng tuyển vào Học Viện Cảnh Sát.
Một thí sinh khác được nâng 26,45 điểm, đậu thủ khoa Trường Sỹ Quan Lục Quân.
Vào chiều 2 tháng Bảy, 2018, Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục – Đào Tạo Phùng Xuân Nhạ báo cáo: “Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức nghiêm túc tại tất cả điểm thi trên toàn quốc. Đến nay, kỳ thi đạt được mục tiêu đề ra, an toàn, nghiêm túc, khách quan và đặc biệt nhẹ nhàng, được nhân dân ở các địa phương đặc biệt ủng hộ. Kỳ thi THPT quốc gia 2018 được đánh giá thành công tốt đẹp.”
Riêng ông Hoàng Tiến Đức, Giám Đốc Sở GD-ĐT Sơn La khẳng định toàn bộ quy trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại cụm Sơn La được thực hiện rất nghiêm ngặt, không hề có bất kỳ tiêu cực nào. “Kết quả, điểm thi cao nổi bật của thí sinh so với các năm trước là nhờ sự cố gắng, nỗ lực của thầy cô giáo, các em học sinh và ngành giáo dục tỉnh nhà. Để đạt được kết quả nêu trên bản thân tôi rất vui mừng” – ông Đức không giấu được sự “sung sướng”.
Cuối tháng Năm, 2019, báo Tuổi Trẻ loan tin Công an tỉnh Sơn La kết thúc cuộc điều tra vụ gian lận thi cử, chuyển hồ sơ đến viện kiểm sát tỉnh đề nghị truy tố 8 bị can, đứng đầu là phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, người phụ trách việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La. Qua lời khai của viên phó giám đốc sở nầy, chính Giám Đốc Sở GD-ĐT Sơn La Hoàng Tiến Đức đã “gởi gắm” và đưa “đơn đặt hàng” nhờ đương sự nâng điểm cho 8 thí sinh.
Trước đó, hôm 17 tháng Tư, báo Tuổi Trẻ Online đã công bố kết quả nhận diện phụ huynh của 44 thí sinh trong danh sách được “nâng điểm” là ai, và báo nầy “rà lại trong danh sách thí sinh được ‘nhờ vả’ nâng điểm trong vụ gian lận thi cử trên, có đến 28/44 trường hợp đăng ký xét tuyển vào các trường công an, quân đội. Các thí sinh này đã trúng tuyển vào các trường với điểm số rất cao.”
Chuyện này đúng ra phải là một cái gì thực sự nghiêm trọng, nhưng tôi có cảm tưởng đang từ từ đi vào quên lãng. Có thể là vì xã hội còn nhiều tin “nghiêm trọng” hơn thế. Nhưng lý do chính có lẽ là vì từ năm rưỡi nay, những vụ việc nghiêm trọng như thế này trong ngành giáo dục đang xảy ra như cơm bữa.
Nhưng quả thực, đây là việc rất đáng lo. Đáng lo không phải vì số tiền 1 tỷ hay là chức danh của ông Hoàng Tiến Đức (giám đốc sở giáo dục). Theo thầy giáo Nguyễn Xuân Nam, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tân Kỳ (Nghệ An) thì “nhiều các vị phụ huynh mạnh tay chi 1 tỷ đồng để sửa, nâng điểm cho con đều là đảng viên và cán bộ cơ quan Nhà nước chứ người dân lấy đâu ra nhiều tiền như vậy.” Cái đáng lo là tình hình này đã kéo dài từ lâu nhưng lại không thể có lối thoát.
Lúc này mọi người đều chĩa mũi dùi vào Bộ Trưởng Giáo Dục & Đào Tạo Phùng Xuân Nhạ nhưng thực ra trách nhiệm không hoàn toàn ở ông ta. Theo Luật Giáo Dục 2005 quy định: ngoài Bộ GD&ĐT thì các Bộ, cơ quan ngang bộ cũng như các ủy ban nhân dân các cấp cũng có trách nhiệm. Như vậy bằng một đạo luật, Nhà nước chính thức chia quyền quản lý giáo dục cho ba chủ thể: Bộ GD&ĐT; Các bộ, cơ quan ngang bộ và ủy ban nhân dân các cấp.
Theo Luật này thì ông Bộ Trưởng Nhạ không thể kỷ luật chủ tịch hội đồng thi các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình vì để xảy ra gian lận thi cử trong kỳ thi quốc gia 2018, không thể kỷ luật người đã ký quyết định sa thải hơn 200 giáo viên ở huyện Krông Pắc tháng Ba, 2018. Thậm chí ông Nhạ cũng không thể kỷ luật những quan chức Hà Tĩnh điều giáo viên đi tiếp khách tại nhà hàng!
Bao năm nay các giáo viên than vãn về đồng lương éo uột của họ khiến chuyện dạy, học thêm trở thành chuyện không tránh khỏi. Tăng lương cho giáo viên? Tại sao không? Khốn nỗi chuyện này lại thuộc về Bộ Tài Chánh hoặc Bộ Nội Vụ.
Bình thường ở các quốc gia khác thì chắc chắc ông Bộ Trưởng Nhạ đã từ chức vì ông chỉ tại vị để gánh hết những sai lầm của người khác. Nhưng ở Việt Nam thì không. Bởi vì cái “sứ mệnh” của ông là phải đóng vai ấy. Điều ấy cắt nghĩa tại sao thỉnh thoảng ông lại phát ngôn những câu thật ngớ ngẩn, làm trò cười cho thiên hạ (đó là tôi không nói đến tật nói ngọng có tính địa phương của ông ta).
Những bất cập đó khiến mọi nỗ lực chấn hưng, cải cách đều rơi vào ngõ cụt và không phát huy tác dụng vì chuyện giáo dục của chúng ta đang trong tình trạng “cha chung không ai khóc” đang gây đảo lộn toàn ngành giáo dục và ảnh hưởng trực tiếp tới niềm tin của nhân dân, nhất là gia đình nghèo mong cho con học hành đỗ đạt để đổi đời thì nay lại càng bi quan hơn.
Đối với cá nhân tôi, cái đáng lo hơn cả nằm trong cách vận hành của guồng máy giáo dục. Nhìn từ ngoài thì mọi người đều thấy mọi chuyện tương đối kỷ cương, khuôn phép, nhưng chỉ cần soi kỹ một tí thì sự thật lại rất phũ phàng.
Để dễ hiểu xin kể lại vài chuyện tai nghe mắt thấy. Song song việc dạy học Đại Học Bách Khoa, tôi thường “được” Bộ Giáo Dục cử đi thanh tra các kỳ thi trung học phổ thông. Tại đây tôi đã chứng kiến cung cách làm việc của tổ giám thị rất ư là nghiêm túc. Họ mời chúng tôi lên kiểm soát thùng đựng đề thi và con niêm còn nguyên đai nguyên kiện, và sau khi thí sinh nộp bài, tôi lại được mời lên kiểm tra việc niêm phong thùng đựng bài thi trước khi công an hộ tống về điểm chấm thi. Tuy nhiên trên đường về tôi tự hỏi có gì bảo đảm rằng những thùng bài thi này không bị “tác động” trong lúc chuyên chở hoặc các bài thi bị tráo hoặc sửa? Và những gì xảy ra ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La ngày hôm nay đã chứng tỏ rằng mối nghi ngờ của tôi là có cơ sở.
Việc này không chỉ xảy ra trong giáo dục, mà trong mọi bình diện xã hội. Chúng ta nghe suốt ngày những “tấm gương người tốt việc tốt”, “gia đình văn hóa”, “đất nước có bao giờ đưọc như thế này chăng?…” Nhưng bên cạnh những khẩu hiệu đẹp đẽ ấy lại là vô số những xấu xa, những tiêu cực và với cái cơ chế của ngày hôm nay thì chúng ta sẽ chẳng thấy con đường nào để giải quyết cả.
Lúc ngồi xuống viết bài này, để tìm tài liệu, tôi gõ vào Google search dòng chữ “mua gì với 1 tỷ”. Trong 200 triệu câu trả lời, đại đa số là mua nhà, đầu tư đất.
Nhưng bây giờ tôi thấy câu trả lời đúng nhất là “mua điểm”.
Phạm Minh Hoàng
Xin vui lòng tiếp tay phá vỡ bức màn bưng bít thông tin của chế độ bằng cách SHARE bài viết trên FB của Bạn. Trân trọng cảm ơn Bạn.