Cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung căng thẳng hơn khi Mỹ áp thuế lên đến 25% với gói hàng 200 tỷ USD của Trung Quốc. Điều này tác động mạnh đến kinh tế Trung Quốc theo hướng tiêu cực nói riêng và gây biến động cho nền kinh tế thế giới nói chung theo cả hai chiều hướng, trong đó có cả Việt Nam. Nói là nó vỹ mô nhưng nó lại ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền, tương lai của người Việt Nam. Đơn giản chỉ là vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam còn Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam cũng như vị trí địa lý, quan hệ chính trị của Việt Nam rất gần với Trung Quốc. Chúng ta đi sâu, xa một chút nhé để hiểu tại sao nên mua vàng và ngoại tệ mạnh.
1) Chiến tranh thương mại bao giờ mới chấm dứt?
Một câu hỏi rất khó trả lời khi mà cuộc chiến ngày càng leo thang và lan rộng cũng như ông Trump vẫn còn đương nhiệm. Và có lẽ nó còn căng thẳng hơn khi cuối năm nay ông Trump dự định sẽ áp thuế lên toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc. Cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc không đơn giản chỉ là thương mại mà nó là cạnh tranh vị trí số 1 thế giới mà trong đó Mỹ muốn đập nát âm mưu trỗi dậy của con hổ giấy Tập Cận Bình. Cuộc chiến này đã ở mức toàn diện từ thương mại, vấn đề Đài Loan, Biển Đông, chiến dịch xoay trục Châu Á của Mỹ, đối đầu giữa tư bản và cộng sản… Vậy nên để chấm dứt được nó thì việc đàm phán là gần như vô tác dụng vì chẳng bên nào chịu thua. Lý do là Mỹ thì có lực mà Trung Quốc thì sợ mất thể diện và nhục nhã nếu nhận thua. Để giải quyết cuộc chiến này thì có thể sẽ có chiến tranh quân sự giữa hai nước (khả năng không phải là nhỏ) và mặt trận nổ súng sẽ là Biển Đông và khu vực quanh Đài Loan. Chính vì vậy nên căng thẳng sẽ còn kéo dài nếu ông Trump còn tại vị và đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa.
2) Trung Quốc thê thảm thế nào khi bị áp thuế?
“Rất thê thảm và bi đát” là cụm từ mà người ta miêu tả về Trung Quốc bây giờ. Sụt giảm GDP, thất nghiệp, phá sản, dịch chuyển sản xuất để né thuế, áp lực nợ nần tăng, tiền mất giá (gồm cả áp lực chiến tranh thương mại và trò phá giá tiền tệ để tạo đà xuất khẩu)… Người Trung Quốc, nhất là giới trung lưu và giới giàu có đã phải tìm đến vàng và ngoại tệ để bảo vệ tài sản thay vì đổ tiền vào chứng khoán, nhà đất hay ôm tiền mặt nội tệ. Đây là dấu hiệu rõ rệt nhất về sự thảm hại của nền kinh tế Trung Quốc mà ta không cần phải nhìn vào các chỉ số kinh tế vĩ mô để đánh giá.
3) Việt Nam được và mất gì khi chơi trò đu dây?
Đu dây chính trị và đứng giữa cuộc chiến kinh tế là trò chơi rất nguy hiểm cho Việt Nam. Nhất là khi tiền Việt Nam neo tỷ giá vào USD và Trung Quốc phá giá tiền Tàu sẽ tạo áp lực trên đe dưới búa vào đồng tiền Việt Nam. Tiền USD tăng giá sẽ tạo thêm áp lực nợ nước ngoài cho chính phủ cũng như càng làm khan hiếm thêm ngoại tệ trong nước. Trong khi đó tiền Tàu hạ giá sẽ làm cho lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam tăng mạnh. Điều này dẫn đến giá hàng hóa Trung Quốc bán ở Việt Nam sẽ giảm dẫn đến sự cạnh tranh lớn hơn với hàng hòa trong nước. Cùng với đó là người Trung Quốc sẽ phải trả nhiều tiền hơn để mua hàng hóa của Việt Nam dẫn đến khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vào nước này. Tuy nhiên Việt Nam được hưởng lợi từ việc nhập khẩu nguyên vật liệu giá rẻ từ Trung Quốc để sản xuất tạo giá thành cạnh tranh hơn. Nhưng thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc bị trở ngại và nỗi lo ” rào cản thương mại ” cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa có yếu tố Trung Quốc sang các nước khác cũng theo đó mà tăng lên. Vì vậy là bên Việt Nam cũng không được hưởng lợi nhiều lắm đâu.
Tiếp nữa là tình trạng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để né thuế cũng sẽ tăng lên. Nếu dịch chuyển theo hướng sạch, hàm lượng công nghệ cao, tạo thêm việc làm cho người Việt Nam thì còn chấp nhận được chứ toàn rác thải và mang theo người lao động Trung Quốc sang thì coi như Việt Nam là bãi chiến trường và Việt Nam chẳng được gì ngoài vài đồng thuế (còn lằng nhằng chán các vấn đề tài nguyên, ô nhiễm, hệ lụy xấu về chính trị, xã hội, chuyển giá..) và chỉ là nơi lánh nạn tạm thời.
Chưa tính việc hàng hóa của Việt Nam sẽ ăn trừng phạt thương mại nếu “rửa hàng” cho Trung Quốc và bị ăn đòn trừng phạt lên các mặt hàng nội địa tương tự. Việc này đã xảy ra rồi chứ không phải không có, nhất là thép và nhôm.
Ở chiều ngược lại, Mỹ cũng sẽ tìm cách đưa hàng của mình qua các nước trung gian để mà né thuế vào Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Cả hai điều này sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài. Nó khiến nền kinh tế Việt Nam trở lên phụ thuộc hơn, mong manh hơn, nhất là về thị trường lao động và kim ngạch xuất nhập khẩu. Dù cho GDP có tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu có tăng đi chăng nữa nhưng vẫn cứ là phụ thuộc, bị động kinh tế và thu nhập của người lao động vẫn không được cải thiện đáng kể.
4) Nếu có biến, Việt Nam sẽ đi về đâu?
Biến ở đây là cái gì? Là chiến tranh, là tháo chạy khỏi nền kinh tế, chính trị bất ổn và là vỡ trận kinh tế. Nếu bàn đàm phán không phải là nơi giải quyết được xung đột thì chắc chắn súng đạn sẽ là công cụ quyết định kẻ thắng, người thua. Mỹ và Trung Quốc cũng đang gia tăng đầu tư, phô diễn quân sự ở mọi mặt trận, nhất là vấn đề quân sự ở Biển Đông. Nếu Biển Đông có đấu súng, va chạm quân sự thì Việt Nam sẽ thành chiến địa. Và điều này làm cho các doanh nghiệp nước ngoài tháo chạy khỏi Việt Nam. Nếu gia tăng đụng độ quân sự sẽ kéo theo ít nhất 50% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và 15% GDP ra đi khỏi Việt Nam. Vậy Việt Nam còn lại gì? Thất nghiệp, phá sản hàng loạt các doanh nghiệp ăn theo, phụ trợ cho doanh nghiệp nước ngoài, sụp đổ nền kinh tế theo hiệu ứng domino…Lúc này thì đất nước sẽ không còn gì để mà bàn nữa. Thêm vào đó là nợ nần ngập đầu sẽ dẫn đến việc bóc lột dân ngày càng mạnh hơn, lạm phát leo thang, ngoại tệ khan hiếm cực độ và….và thế nào thì chúng ta biết rồi đấy, nhìn sang Venezuela thì sẽ tưởng tượng ra ngay thôi.
Chẳng ai cứu được bạn ngoài tiền dự phòng của bạn. Nhưng quan trọng là bạn dự phòng bằng cái gì mà thôi. Tiền Việt Nam lúc đó nó chẳng có nghĩa lý gì. Mà chỉ có vàng, ngoại tệ mạnh mới giúp bạn vượt qua khó khăn ấy. Có khi có tiền còn không mua được gì nữa cơ ấy nhưng vàng và ngoại tệ vẫn được ưu tiên số 1 cho các vụ giao dịch hàng hóa. Một khi kinh tế đã bét nhè, mất kiểm soát thì đổi tiền cũng chẳng giải quyết gì đâu. Dù đổi tiền có cướp được vàng với ngoại tệ của dân đem đi trả nợ thì cũng chỉ là biện pháp tạm thời bởi vì còn lực đâu mà đứng dậy nữa. Chưa tính là còn đứng giữa hai tay súng Mỹ- Trung Quốc.
Căng phết nhỉ. Lâu lâu quay lại nên Nam chém gió tí thôi nhé./.