“Thực hành dân chủ rộng rãi”: gần Mỹ, xa Tàu

- Quảng Cáo -
Nguyễn Hiền – (VNTB) – Thay đổi chưa bao giờ là quá muộn, chỉ cái lạc hậu và cũ kỹ mới giết chết được quốc gia và đảng cầm quyền; còn đổi mới và dân chủ lại đem lại giá trị và sức sống trường tồn cho cả hai.
 
***
ĐCSVN thiết lập được cơ sở và nhân lực trên vùng từ giai đoạn 1930 đến trước năm 1954 chính là thức thời về mặt lý luận, bám sát hơi thở thực tiễn, và đề ra được những phương hướng sách lược – chiến lược có giá trị.
Những chính sách của ĐCSVN trong giai đoạn này phản ảnh sự nhạy bén và trực quan về tình hình trong và ngoài nước, điều mà bản thân ĐCSVN dường như đã đánh mất sau giai đoạn năm 1975.
ĐCSVN hiện giờ vẫn là một lực lượng chính trị mạnh nhất và duy nhất trên toàn lãnh thổ Việt Nam, và những đổi mới bên trong đảng cũng sẽ ít nhiều thúc đẩy sự đổi mới của quốc gia.
Mới đây, trên báo Lao động Nghệ An (cơ quan của Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An) có bàn về “thực hành dân chủ rộng rãi” nhân dịp 50 năm ra đời của di chúc Hồ Chí Minh. Toàn bộ bài viết đề cập đến những cụm câu mà được cho là có ý nghĩa nhắc nhở, cảnh báo đầy giá trị đối với đảng cầm quyền hiện tại, trong đó bao gồm, “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi” và “chỉnh đốn đảng”.
Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đang tiến hành hoạt động “chỉnh đốn đảng” qua chiến dịch đốt lò. Và có vẻ, ông cũng lưu tâm về câu chữ “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” khi nhấn mạnh trong xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm. Rất nhiều kỳ vọng ông sẽ “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi” trong đảng, tất nhiên, thông qua “thực hành dân chủ rộng rãi”.
Để đạt được cả hai yếu tố trên, xét trên cả ba mặt gồm: nội tại trong đảng, nội tại xã hội và vấn đề thế giới. Không thể “đổi mới trong đảng” khi thiếu một trong ba tác động này, và càng không thể “thực hành dân chủ rộng rãi” khi mà “cái mới mẻ, tốt tươi” chưa được xuất hiện.
Nhưng câu hỏi là: bao giờ!
Câu trả lời nằm ở tư duy và tầm nhìn của ông Nguyễn Phú Trọng đến đâu, khả năng nắm bắt dư luận xã hội của ông như thế nào, ông nắm được cái cơ hội mà sự kiện bên ngoài mang lại không, và cuối cùng ông nhìn nhận phương thức giải quyết vấn đề trong đảng (tham nhũng, lợi ích nhóm, lạm quyền) như thế nào.
Phạm vi bài viết này sẽ xét về cái tác động của sự kiện bên ngoài đối với đường hướng ĐCSVN. Rõ ràng, ĐCSVN đang đứng trước một vận hội mới trong tiến trình thay đổi chính đảng và cả dân tộc này. Tám năm trước, thời kỳ nước Mỹ mà Obama còn tại nhiệm, vấn đề Biển Đông luôn là nguy cơ uy hiếp sống còn đến chế độ, quan hệ thương mại chênh lệch giữa hai nước Việt – Trung cũng tạo ra một “sức ép vùng biên” đối với nền kinh tế trong nước, tham nhũng tràn lan và niềm tin người dân bị sút giảm nghiêm trọng.
Tuy nhiên, bước vào thời kỳ Tổng thống Mỹ Donald Trump, sự trỗi dậy quá lớn của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như cách thức làm kinh tế ngông cuồng của Trung Quốc với Mỹ (ăn cắp bản quyền, cấm cửa nhiều công ty Mỹ tại thị trường Trung Quốc,…) đã được Tổng thống Mỹ đặc biệt chú ý, và tiến hành các biện pháp ngăn chặn, trừng phạt thông qua cuộc chiến thương mại.
Trung Quốc đang trả giá cho sự ngông cuồng của mình, và biểu tượng của CNTT nước này là Huawei đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ từ sau lệnh cấm của Mỹ. Nên kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục sụp giảm và uy tín chính trị của Tập Cận Bình (người có tham vọng Made in China 2025) có khả năng đổ vỡ.
Và trong cuộc chiến thương mại này, Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi được lợi, ngay cả trong vấn đề mua bán đỗ tương giữa Trung – Mỹ.
Việt Nam cũng luôn được Tổng thống Mỹ ưu ái gọi tên trên Twitter.
Nhưng trên cả, “nước Mỹ trên hết” hay “không ai được đe dọa nước Mỹ” cũng tạo tiền đề đảm bảo sự sống còn của chế độ Việt Nam, điều này nghe ngược đời nhưng thực tế là như vậy.
Biển Đông – dù có nhiều nỗ lực trong giữ gìn chủ quyền biển đảo, cũng như chống lại những nguy cơ xâm lấn chủ quyền từ Bắc Kinh, nhưng khả năng “cải tạo đảo” cũng như tiềm lực quốc phòng của Việt Nam cho một trận chiến không hải quân với Bắc Kinh là hoàn toàn không tương xứng. Vấn đề Biển Đông không đơn thuần là quốc phòng, mà bản thân nó gây chia rẽ nội bộ ĐCSVN về đường hướng giải quyết, cũng như đe dọa “đại hội đảng” nếu không giải quyết tốt đẹp.
Mới đây, Việt Nam lên tiếng phản đối Trung Quốc tổ chức đua thuyền buồm ở Hoàng Sa, và một sự kiện khác còn nóng hơn nữa, đó là Mỹ xem xét luật trừng phạt hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Cụ thể, “trừng phạt các cá nhân hoặc tổ chức Trung Quốc (thông qua tịch thu tài sản tại Mỹ, thu hồi và hủy bỏ thị thực Mỹ) có liên quan tới các hoạt động bị Washington coi là “bất hợp pháp và nguy hiểm” của Bắc Kinh trên Biển Đông và Hoa Đông”.
Mỹ đang can thiệp vào Biển Đông và điều hướng theo quan điểm nước này là điều có thật. Và “điều hướng” này hoàn toàn có lợi cho Việt Nam, ít nhất đảm bảo ngăn chặn có hiệu quả sự trỗi dậy đầy tính ngông cuồng của Bắc Kinh.
Vấn đề, ĐCSVN có nhận ra cái cơ hội như cách mà họ đã từng nhìn ra trong thời chiến, với tuyên bố “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” hay không?.
Câu trả lời nằm ở ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người vừa trải qua cơn bạo bệnh đợt vừa rồi, và sự kiện đó có đem lại cho ông “tư duy” mới về đảng và tính thời hạn của chiến dịch đốt lò (hay chỉnh đốn đảng) hay không?. Nếu có, thì ông phải như nội dung bài viết trên báo Lao động Nghệ an, đó là thừa nhận sự lạc hậu về mặt lý luận, hay nói cách khác, nhìn thẳng vào sự thật để thừa nhận rằng: “Chúng ta đang lạc hậu về lý luận để xây dựng Đảng cầm quyền.”.
Chỉ khi nhận thức và thừa nhận được như vậy, thì cơ hội chỉnh đốn đảng đến từ đổi mới lý luận trong đảng, thực hành dân chủ rộng rãi mới có thể được trở thành hiện thực.
Chỉ khi nhận thức và thừa nhận được như vậy, thì tầm nhìn về các biến cố bên ngoài có thể mang lại lợi ích trong đảng, hay biến những sự kiện thế giới để đảm bảo một giá trị cầm quyền dân chủ hơn, lâu dài hơn mới có thể trở thành hiện thực.
Và chỉ khi thực hành dân chủ rộng rãi, đến từ đổi mới lý luận, thì bản thân ĐCSVN mới thực sự thức thời về cả lợi quyền của dân tộc và lợi ích của chính đảng cầm quyền.
Ông Nguyễn Phú Trọng cần nhìn nhận cơ hội gần Mỹ, và tạo ra một khoảng cách đủ để đảm bảo hòa bình với Trung Quốc điên cuồng không phải lúc nào cũng xuất hiện như hiện nay. Cũng như cơ hội để “chỉnh đốn đảng, thực hành dân chủ rộng rãi” không phải lúc nào cũng hiện hữu như hiện tại. Bởi nếu để cơ hội này đi qua, thì sẽ bỏ lỡ cơ hội xây dựng tiềm lực quốc gia, tiềm lực chính đảng, và cũng chính là treo sinh mạng chính trị của ông trên giàn đài xử tử.
“Thực hành dân chủ rộng rãi” đơn giản là gần Mỹ, xa Tàu.
Thay đổi chưa bao giờ là quá muộn, chỉ cái lạc hậu và cũ kỹ mới giết chết được quốc gia và đảng cầm quyền; còn đổi mới và dân chủ lại đem lại giá trị và sức sống trường tồn cho cả hai.
Tất nhiên, đó là đổi mới thật và dân chủ không cuội.
Tài liệu tham khảo
- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here