Cả nước đang vào đợt nắng nóng và càng nóng hơn khi EVN phát hành hóa đơn tiền điện tăng đột biến. Giá điện tăng vô lý này có sự góp phần không nhỏ của Bộ Công thương (BCT).
Dư luận đã nói quá nhiều về việc tăng giá điện của EVN, còn BCT thì có vẻ như … vô can và chuẩn bị kiểm tra theo yêu cầu của Thủ tướng.
Ai cũng biết căn cứ pháp lý để EVN tăng giá điện là thực hiện theo Quyết định số 468/QĐ-BCT, Quy định về giá bán điện, ngày 20/03/2019 là của Bộ Công thương. Phân tích quyết định 468, cho thấy BCT với EVN làm xảo thuật, tìm mọi cách ép người sử dụng điện. Với thị trường hơn 90 triệu dân phải sử dụng điện 24/24 thì chỉ cần chênh lệch một con số rất nhỏ thì cũng sẽ tạo ra một giá trị rất lớn.
Thứ nhất. CÔNG BỐ GIÁ SAU KHI BÁN HÀNG
Điện là mặt hàng do nhà nước quyết định giá và công bố trước cho người sử dụng điện. Tuy nhiên Quyết định 468 ký vào ngày 20/03/2019 và có hiệu lực cũng từ ngày 20/03/2019.
BCT không thể làm việc từ 0 giờ đêm; nên ngày 20/03/2019, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký quyết định và các thủ tục hành chính phát hành văn bản, đến khi người mua điện cả nước thực hiện giá điện mới: sớm nhất là 8 giờ sáng. Trong khi người sử dụng điện từ lúc 0 giờ, tức là người sử dụng điện đã bị ép nâng khống giá điện ít nhất là 7 giờ. Tính trên cả nước thì con số không nhỏ.
Nhà nước phạt các cơ sở kinh doanh không công bố, niêm yết giá hay bán hàng cao hơn giá niêm yết; BCT lại cho phép EVN thu tiền điện cao hơn giá công bố suốt 7 giờ.
Chính phủ thanh tra: có xử phạt vi phạm hành chính Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hay không và có hoàn trả tiền điện chênh lệch lại cho người sử dụng ?
Mặt hàng điện khác với xăng dầu, không ai đầu tư bình Acquy để trữ điện giá rẻ. Vậy mà BCT điều hành giá điện giống Việt Cộng trong chiến tranh: đánh du kích và bất ngờ làm cho địch trở tay không kịp.
Tăng giá điện lần này sau 7 giờ sử dụng; còn quyết định tăng giá điện gần đây (năm 2017) có hiệu lực trước chưa đầy 16 giờ. BCT và EVN xem người sử dụng điện như … địch, tạo bất ngời trong điều hành để cho doanh nghiệp không kịp thời điều chỉnh phương án tài chính sản xuất kinh doanh.
Thứ hai. CÙNG XẢO THUẬT GIÁ ĐIỆN
Dư luận đã nói quá nhiều về thủ đoạn tính tăng giá điện của EVN; ở đây tôi chỉ phân tích xảo thuật tăng giá điện của EVN, tất nhiên có BCT hổ trợ.
Quyết định 468 tăng giá điện căn cứ vào Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Theo đó: giá bán lẻ điện sinh hoạt có 6 bậc, cơ cấu giá tỷ lệ với nhau: bậc 1: 92%, bậc 2: 95%, bậc 3: 110%, bậc 4: 138%, bậc 5: 154%, bậc 6: 159% (Quyết định 28, phần Phụ lục, mục 4.1).
Tuy nhiên EVN đề xuất BCT lại cố tình làm trái với Quyết định 28 của Thủ tướng, đó là tăng giá điện bậc 1 với tỷ lệ thấp hơn 5 bậc còn lại. Có nghĩa là các bậc sau mức tăng cao hơn bậc trước, người sử dụng khó phát hiện.
Mục đích: người sử dụng điện không có cảm giác tăng giá cao – đây là nghệ thuật vặt lông không đau, để vịt không kêu.
Phân tích hai phương án tính giá điện theo Quyết định 28.
Phương án 1: Lấy giá điện bậc 1 làm chuẩn và các bậc khác theo cơ cấu giá
Trong đó:
* Giá theo cơ cấu bậc 2 = Giá theo cơ cấu bậc 1 x Cơ cấu giá bậc 2 / Cơ cấu giá bậc 1; …
* Chênh lệch = Giá bán lẻ – Giá theo cơ cấu.
Theo kết quả tính như Hình 1, thì giá bán lẻ tăng so với giá theo cơ cấu (làm tròn) bậc 2: 1 đồng; bậc 3: 8 đồng; bậc 4: 19 đồng, bậc 5: 25 đồng, bậc 6: 27 đồng.
Phương án 2: Lấy giá bán lẻ điện bình quân làm chuẩn và các bậc theo cơ cấu giá
Theo Quyết định 468, giá bán lẻ điện bình quân là 1.864,44 đồng/kWh, còn Quyết định 28, Điều 4.2 “được phép điều chỉnh trong phạm vi ± 2% so với tỷ lệ được quy định”
Trong đó:
* Giá theo cơ cấu = Giá bán lẻ điện bình quân x Cơ cấu giá
* Chênh lệch = (Giá bán lẻ – Giá theo cơ cấu) / Giá theo cơ cấu
Theo kết quả tính như Hình 2, thì giá bán lẻ giảm so với giá theo cơ cấu đối với bậc 1: 2,17%, và bậc 2: 2,10% không nằm trong “phạm vi ± 2%” theo quyết định của Thủ tướng.
Nhận xét
Chỉ các phép tính số học đơn giản, không cần đến trình độ tú tài; nhưng EVN-BCT vẫn không thích tính đúng; bên trình, bên duyệt cùng bắt tay nhau làm xảo thuật giá điện, tìm mọi cách để nâng giá, thậm chí xảo thuật qua mặt luôn quyết định của Thủ tướng.
Thanh tra Chính phủ sẽ làm rõ “làm rõ đúng, sai việc tăng giá điện”, hy vọng thanh tra sẽ lắng nghe dự luận, làm minh bạch những góc khuất trong việc tính toán và cấu thành nên giá điện.
Ơn BCT, ơn chính phủ: giảm xiết cổ chút nào may mắn cho dân chút đó !
***
Tham khảo
Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg, ngày 07/04/2014: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Quyet-dinh-28-2014-QD-TTg-co-cau-bieu-gia-ban-le-dien-225738.aspx
Quyết định số 468/QĐ-BCT, ngày 20/03/2019: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Quyet-dinh-648-QD-BCT-2019-dieu-chinh-muc-gia-ban-le-dien-binh-quan-va-quy-dinh-gia-ban-dien-409426.aspx