Ông Lê Mạnh Hà, con trai của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, hôm 26 tháng 4 năm 2019 có chia sẻ với báo chí trong nước, nguyện vọng của gia đình tổ chức tang lễ cho đại tướng Lê Đức Anh đơn giản, chỉ gói gọn trong một ngày, không ảnh hưởng đến các hoạt động khác.
Theo Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, sau thời gian lâm bệnh, đã từ trần hồi 20 giờ 10 phút ngày 22 tháng 4 năm 2019 tại Hà Nội.
Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh sinh ngày 1 tháng 12 năm 1920 ở Thừa Thiên – Huế, Ông giữ chức Chủ tịch nước Việt Nam từ năm 1992 đến 1997. Trước đó Ông cũng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh quân đội.v.v…
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 26/4, từ Sài Gòn, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định:
“Như vậy là tốt, tổ chức rình rang làm gián đoạn nhiều việc lắm, mà quốc tang ở Việt Nam không phải là hiếm, một năm có thể có 2 hay 3 quốc tang, mỗi quốc tang diễn ra 3, 4 ngày, có thể đình đốn lại sản xuất, vui chơi giản trí của người dân và nói chung là không cần thiết. Cho nên cũng có đề nghị là quốc tang nên làm hết sức giản dị để tiết kiệm cho ngân sách, mà ngân sách cũng là tiền của dân, không việc gì phải xài lãng phí vào quốc tang.”
Từ Nha Trang, Nhà báo Võ Văn Tạo cũng đồng quan điểm, ông cho rằng theo tập quán hiện nay của Việt Nam thì nhiều quốc tang quá. Ngoài ra theo ông, nên dùng chữ quốc tang cho những vụ việc cần thiết hơn, đó là những vụ tai nạn, thiên tai, mà có nhiều đồng bào thiệt mạng. Những sự kiện như thế nhà nước nên tuyên bố quốc tang hợp lý hơn khi cả nước rất buồn. Ông nói tiếp:
“Chứ còn mấy ông tứ trụ, mấy ông lãnh đạo chết, thì ít người buồn lắm, chỉ có gia đình họ buồn, người dân chả ai buồn, bản thân tôi chả buồn gì cả.”
Còn Luật sư Đặng Đình Mạnh thì cho rằng, gia đình ông Lê Đức Anh ngỏ ý muốn tổ chức lễ tang giản dị khiến công chúng chưng hửng:
“Nó không thuận với tính cách không hề giản dị của ông ấy khi còn sinh thời. Tuy không sống ở TP.HCM, nhưng bản thân ông Lê Đức Anh vẫn được cấp sở hữu một dinh cơ to ngất ngưởng ở đấy. Chưa đủ, ở Hà Nội, ông vẫn chiếm một ngôi biệt thự công vụ làm nhà ở cho đến tận cuối đời. Các con ông đều được cấp nhà đất khang trang.
Trả lời chúng tôi từ Đà Nẵng, Chị Huỳnh Hằng đưa ra nhận xét liên quan tang lễ của ông Lê Đức Anh:
“Tôi nghĩ, các con của Ông ấy có lẽ biết điều rồi, trong khi cách đây mấy ngày bị chửi te tua, khi đăng tin Ông mất… Nhưng hãy chờ xem lễ tang giản dị như thế nào đã. Tổ chức quốc tang vào ngày 3 tháng 5 tránh ngày lễ, để khỏi ảnh hưởng đến các ngày nghỉ của người dân, là họ hiểu Ông Lê Đức Anh không có chỗ đứng trong lòng dân, có lẽ khi Ông Lê Đức Anh ra đi thì các hạt giống đỏ của Ông ấy mới biết Ông ta là tội đồ.”
Sau khi nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh qua đời, dù được hàng loạt báo chí do nhà nước kiểm soát đăng bài ca ngợi công lao và sự nghiệp của ông, nhưng các Bloggers và các trang mạng không thuộc nhà nước đã chỉ trích ông Lê Đức Anh là người khiến 64 chiến sĩ hải quân phải hy sinh khi bảo vệ Gạc Ma trong trận hải chiến với Trung Quốc hồi năm 1988. Một số nhân chứng nói rằng ông Lê Đức Anh là người đã ra lệnh cho bộ đội không được nổ súng khi quân Trung Quốc chiếm đảo do Việt Nam kiểm soát ở Trường Sa năm đó.
Nghệ sĩ Kim Chi cho biết, bà gần như không quan tâm đến ông Lê Đức Anh, vì những việc ông ấy làm trong quá khứ khiến cho bà không kính trọng:
“Tôi nghe người ta nói nhiều về những chuyện ổng đã làm, một trong những chuyện mà tôi bức xúc nhất là ổng ra lệnh không được chống trả trong vụ Gạc Ma. Cho đến nay, chuyện đó vẫn làm cho tôi đau lòng. Ông ấy không bình thường, kẻ thù đến thì phải chống trả, chứ sao lại để yên để người ta giết mình. Từ chuyện đó tôi coi ổng là người có tội đối với đất nước.”
Ngoài ra, theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, lời ngỏ ý làm lễ tang giản dị của gia đình ông Lê Đức Anh không đơn giản, mà có vẻ như một sự phản ứng của gia đình ông đối với sự chậm trễ công bố lễ tang cho ông Lê Đức Anh, do đang gặp khó khăn về việc cử trưởng ban lễ tang mà theo quy định, nhiệm vụ nghi thức ấy thuộc về ông Nguyễn Phú Trọng, người đang gặp vấn đề về sức khỏe.
Từ ngày 14/4/2019, trên mạng xã hội lan truyền thông tin ông Nguyễn Phú Trọng phải nhập viện khẩn cấp khi đang làm việc ở Kiên Giang. Các thông tin từ các facebook chuyên đưa tin về chính trường Việt Nam cho biết ông bị chảy máu não. Tuy nhiên, báo chí nhà nước khi đó không có bất cứ thông tin gì khẳng định hay phản bác tin này.
Mãi đến ngày 25 tháng 4, Bộ Ngoại giao Việt Nam mới chính thức thừa nhận Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không được khỏe.
Liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định:
“Có thể hiểu ngầm với nhau như thế này, tổ chức tang lễ một cách giản dị cũng có nghĩa là không nhất thiết phải có một ban lễ tang hoành tráng theo nghị định của chính phủ. Cũng không nhất thiết là trưởng ban lễ tang phải là tổng bí thư, chủ tịch nước, mà có thể là một người khác. Đặc biệt trong hoàn cảnh hiện nay là tổng bí thư chủ tịch nước đang có rất nhiều thông tin là không chỉ bệnh một cách bình thường mà có thể bị tai biến, bị đột quỵ và có thể đang nằm liệt tại chỗ, không thể làm trưởng ban lễ tang được.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng, việc tổ chức tang lễ một cách giản dị để tránh cho ông Nguyễn Phú Trọng khỏi phải chường mặt ra, để cho người dân biết bệnh tình của ông ấy như thế nào.