- Chien Thanh’s blog – RFA
Từ năm 1962 tới gần đây trên thế giới có tất cả 32 cái quốc tang, riêng Việt Nam chiếm 12 lượt (Wikipedia). Với đám tang Lê Đức Anh lần này, con số 13/32 cho thấy Việt Nam là một “cường quốc” dẫn đầu về lễ tang nhà nước. Dẫu sao, vẫn còn đó một hy vọng… Rằng thế hệ ấy rồi sẽ vĩnh viễn rơi vào quên lãng.
Và niềm hy vọng còn lớn lao hơn thế! Ấy là những “quốc tang” xứ này, càng về sau, càng vắng bóng “dân tang”. Đám ma Lê Đức Anh sẽ chưa phải là điển hình cuối cùng cho hiện tượng quái đản: một “quốc tang” chẳng có mấy “dân tang”! Bởi lẽ những đám ma kiểu ấy sẽ chẳng mảy may giành được bất cứ một sự đồng cảm nào trong cộng đồng người Việt nói chung…
Vài dòng trạng thái từ trưởng nam Lê Mạnh Hà xuất hiện sớm nhất trên Facebook về giờ phút lâm chung của cha mình dường như đã báo trước sự căm phẫn của dân chúng trút lên đầu vị “hèn tướng” này. Ông Hà phải mất nhiều thời gian và công sức để hàng ngày lên mạng xóa các phản hồi chửi rủa, thoá mạ thân phụ mình. Những lời công kích nhiều đến mức ông phải xóa toàn bộ status.
Nhưng cũng có thể Hà bị Ban Lễ tang Nhà nước “vỗ vai” nhắc khéo về sự dại dột của ông, vì đã “cầm đèn chạy trước ô tô”. Ngoi lên được đến hàm thứ trưởng trong bộ máy, tức là đã có dịp nằm trong chăn, hẳn ông biết dưới tấm chăn ấy chấy rận nhung nhúc như thế nào.
Hẳn ông cũng đoán được kẻ thù của cha ông đông “như quân Nguyên”. Trong số lãnh đạo thuộc thế hệ thân phụ ông thì người bị chính đồng đội, đồng chí tố cáo, nêu đích danh ngay từ lúc còn sống nhiều nhất chính là Lê Đức Anh. Năm 2005, các nhân vật kỳ cựu của miền Nam như Phạm Văn Xô, Nguyễn Văn Thi, Đồng Văn Cống… liên tục có đơn tố cáo Lê Đức Anh đã khai man lý lịch, từng làm cai đồn điền và là nhân viên phòng nhì của Pháp…
Chắc tang quyến cũng thừa biết, trước cái chết của Lê Đức Anh, đa số thường dân, nhưng đặc biệt là cánh công thần, tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp vốn là đàn em của tướng Giáp, đã tỏ ra mừng rỡ, hả hê như thế nào. Tiếc nuối nếu có thì chủ yếu là, theo họ, thân phụ ông sống thực vật (chết mà chưa chôn) không đủ lâu để trả cho hết nghiệp ông ấy đã gây ra trên giải đất hình chữ S này.
Một nghịch lý ba năm rõ mười ai cũng thấy, ai cũng hiểu, chỉ duy nhất cái đảng và nhà nước của ông Lê Đức Anh không hiểu. Và chẳng những không hiểu, họ còn quyết định ngồi xổm lên dư luận, cả dư luận Việt Nam lẫn dư luận thế giới. Cơn bão thông tin trong cả nước và giờ bắt đầu tràn ra quốc tế về cuộc khủng hoảng kế nhiệm người đứng đầu bộ máy đã và đang “vần vũ” 10 ngày qua nhưng tất cả 800 tờ báo chính thống tuyệt nhiên không có lấy một dòng tin.
Trong khi đó, đảng và nhà nước ngay tắc lự, phím cho những “lều báo” bưng bô tung ra hàng loạt các bài viết bốc thơm vị tướng 4 sao (có lẽ là duy nhất trên thế giới này) từng ra lệnh cho binh sỹ không được nổ súng ở Gạc Ma khi những tên côn đồ Trung Quốc đổ bộ chiếm đảo. Mà những bài viết bốc thơm này, chắc ít người biết, đã được viết sẵn và duyệt trước cách đây hàng năm trời.
Kể cả điếu văn, danh sách Ban Lễ tang… tất cả đã được chuẩn bị đâu vào đấy, gộp thành một tệp dày trên máy tính của Ban Tuyên giáo Trung ương. Nhưng ở đời, người tính, thậm chí ở đây, Bộ Chính trị tính không bằng Trời tính. Chỉ có thể đổ lỗi cho nguyên nhân “khách quan” là đương kim Chủ tịch nước – Tổng Bí thư đã ngã bệnh không đúng thời điểm!
Và giờ đây thật sự là tình thế tiến thoái lưỡng nan. Gửi điện chúc mừng, tiếp đoàn khách cao cấp từ Hoa Kỳ… tất cả đều không thiếu những “diễn viên đóng thế”. Nhưng với tư cách là đương kim Chủ tịch nước, đứng trước quốc dân đồng bào để đọc điếu văn cho cái “quốc tang” không bóng “dân tang” này thì ông Trọng quả là người không thể thay thế.
Khôn ra, “đảng ta” không nên cho cánh “dư lợn viên” chửi rủa các trang mạng xã hội. Từ Nguyễn Bá Thanh cho đến Trần Đại Quang, nay tới Nguyễn Phú Trọng, hoá ra các trang mạng ấy mới thực sự là “giai cấp tiên phong” trên lĩnh vực phục vụ độc giả. Ít người biết đọc biết viết nào mà vài lần trong ngày lại không đảo qua một lượt các trang mạng mà “đảng ta” cho là phản động ấy.
Và dù có cào… (lưng) ăn vạ thì cuối cùng ngày 25/4, Bộ Ngoại giao và Quốc hội Việt Nam cũng đã phải đồng thanh thừa nhận sức khoẻ của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước có “bị ảnh hưởng” thật, song ngài “sẽ sớm trở lại làm việc bình thường”. Nhưng mức độ của “sự ảnh hưởng” ấy và “sớm trở lại” là khi nào thì có lẽ chính cả Hằng lẫn Ngân cũng không thể biết. Vậy mà thị Ngân vẫn gào thét, bà con “đừng nghe thông tin trên mạng”. Đúng là “cà cuống chết đến đít còn cay”.
Trót đi theo nền chính trị bá đạo nên “đảng ta” rơi vào tình trạng bi hài thảm hại. Phỉ báng các trang mạng xã hội vì đã “cả gan dám” đưa tin ông Trọng ốm. Nhưng 12 ngày sau lại thừa nhận trước thiên hạ rằng, ông Trọng ốm thật. Tương tự, nền báo chí “bưng bô” bốc ông Lê Đức Anh lên mây xanh để rồi chuốc lấy sự khinh bỉ của người dân. Từ một cai đồn điền, một kẻ chỉ điểm leo lên các nấc thang cao nhất trong bộ máy, thử hỏi làm thế nào cái “quốc tang” này lại có được những giọt nước mắt thiện lành???