Ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện, nhưng dư âm về việc trách nhiệm của ai vẫn là câu hỏi to tướng được đặt ra?
1.000 tỷ đồng vì những chây ì và lưu manh – cướp bóc trong não trạng quan chức thời điểm trước đó sẽ do ai trả?
Cựu TBT báo Thanh Niên – nhà báo Nguyễn Công Khế, người có mối quan hệ khá tốt với người đồng hương Nguyễn Xuân Phúc trong một chia sẻ vào ngày 13.04 về sự kiện này đã cho biết: Trường hợp Trịnh Vĩnh Bình là vì, có những người ở cấp trên đã nghe báo cáo không trung thực từ những người cấp dưới không minh bạch và tham nhũng.
Và theo ông Khế, bà Nguyễn Thị Bình đã lên tiếng, ông Võ Văn Kiệt đã lên tiếng, ông Phan Văn Khải đã lên tiếng, tướng Trương Vĩnh Trọng cũng lên tiếng,… nhưng tất cả đều “bất lực” trước một cán bộ an ninh kinh tế có tên Ngô Chí Đan ở Vũng Tàu (em rể của Phương Vicarent).
Hóa ra, những con người “ghi danh trong lịch sử Việt Nam đương đại”, những người khi còn tại thế có quyền cao – chức trọng, có người còn là Ủy viên Bộ chính trị lại “bất lực” trước một sự vụ bắt đầu tư một viên an ninh kinh tế. Diễn giải như ông Khế, thì khác gì Bộ Chính trị toàn người có tâm có tài, trong khi bị giật dây bởi viên an ninh nói trên, hay là viên an ninh nói trên là người “ba đầu, sáu tay” đã giật dây toàn bộ Bộ Chính trị và coi đấy như một ván cờ của chính mình.
Cái kiểu viết như thế, vô hình chung đẩy toàn bộ gánh nặng 1.000 tỷ đồng và bộ mặt Chính phủ Việt Nam vào tay viên an ninh kinh tế – Ngô Chí Đan. Một cách đổ tội, biện minh,… rất Việt Nam.
Nhưng ít ra, trong toàn bộ bài viết của ông Khế, cũng có một đoạn quan trọng và có phần chân thật hơn, đó là, ông cho biết, “ở Vũng Tàu, bạn tôi, anh Nguyễn Trọng Minh lúc đó bức xúc quá viết một tâm thư gởi Bộ chính trị. Sau đó, anh cũng bị kỷ luật, tôi cũng không nắm rõ, việc kỷ luật anh có dính dáng gì đến nội dung bức thư này hay không?.”.
Như vậy, bóng dáng của “quyết tâm Bộ Chính trị” cũng hình thành trong tổng thể vụ kiện của Trịnh Vĩnh Bình. Và chính những con người hoặc ít nhất đa số những vị Ủy viên Bộ Chính trị vào thời điểm đó, là những người đồng thuận với việc làm của viên an ninh kinh tế – Ngô Chí Đan. Và nếu xét trên tinh thần Quy định số 102-QD/TƯ của ĐCSVN, thì cần đưa hết những ai liên quan đến vụ kiện Trịnh Vĩnh Bình theo hướng “ủng hộ cướp bóc” – kể cả dưới hình thức im lặng phải ra ánh sáng, và kỷ luật. Và gần 1.000 tỷ đồng thua kiện lần này, phải được chia đều cho các vị Ủy viên Bộ chính trị vào thời kỳ đó, cũng như các vị quan chức địa phương, viên an ninh kinh tế Ngô Chí Đan.
Câu chuyện Trịnh Vĩnh Bình và cán bộ an ninh kinh tế có tên Ngô Chí Đan cho thấy điều gì?. Đó là khi mà bao trùm lên trên cả một hệ thống nhà nước hay chính quyền là não trạng toàn quyền và độc tài chân lý hơn gần hai người, nơi mà tồn tại quyền lực và quyết tâm chính trị, thì kết quả của các chủ trương – chính sách sẽ là tiền thuế của người dân bị bòn vét vì những sai lầm. Và thực tế đã chứng minh, không chỉ Trịnh Vĩnh Bình, mà còn có 12 đại dự án thua lỗ, dự án boxite ở vùng Tây Nguyên. Nó cho thấy, sự trung thực và phản biện trong nội bộ ĐCSVN là cực kỳ yếu kém, khi nào mà bản thân ĐCSVN chưa bị ràng buộc bởi Luật của Nhà nước, thay vì “Luật Đảng” (Nghị quyết, Quyết định, Điều lệ) như hiện nay. Khi không có một chế tài trách nhiệm, thì các chủ trương – chính sách sai lầm của vua tập thể sẽ hoàn toàn vô trách nhiệm, và người dân phải gánh toàn bộ hậu quả từ sự quan liêu, duy ý chí, độc tôn quyền lực đó.
Câu chuyện Trịnh Vĩnh Bình cũng nhắc nhở người dân, những nhà khoa học, trí thức có lương tâm, những chính trị gia chưa bị hủ hóa quyền lực còn tồn tại trong chính trường Việt Nam rằng, hãy cảnh giác, cảnh giác với mọi chủ trương – quyết định xuất phát từ “quyết tâm chính trị”, và một trong số đó bao gồm cả việc thành lập đặc khu ở Phú Quốc, Vân Đồn và Bắc Vân Phong. Bởi nếu duy ý chí và thiếu tính độc lập như cách mà bà Chủ tịch Quốc Hội – Nguyễn Thị Kim Ngân khi áp đặt mệnh lệnh “phải bàn ra luật”, thì thế hệ sau, không phải trả giá về tiền bạc, mà cả chủ quyền quốc gia và hiểm họa lệ thuộc.
Câu chuyện Trịnh Vĩnh Bình cũng nhắc nhở người dân cảnh giác hơn về cái gọi là “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế, luật pháp”. Nhốt như thế nào, khi mà quyền lực đang tiếp tục được thâu tóm ở Bộ Chính trị, trong khi các sự nhắc nhở, giám sát và trung thực bị giới hạn hoặc thậm chí khóa lại bởi nhóm bộ luật như Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật an ninh mạng,… và đặc biệt là giải tán tư tưởng “thực hiện thể chế xã hội dân sự” ở những đảng viên và đồng thời là lãnh đạo ở Việt Nam?. Và như thế, câu chuyện, chính trị Việt Nam thừa quyền lực chủ quan nhưng thiếu quyền lực giám sát khách quan; thừa nịnh thần và tuân phục nhưng lại thiếu sự trung thực, phản biện, ngay thẳng,… vẫn đang diễn ra, như dòng chảy đầy biến loạn trong lòng xã hội Việt Nam./.