Trân Văn – VOA
Ông Nguyễn Thanh Sơn, cựu Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Đắk Nông, cựu Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan cấp tỉnh của Đắk Nông đang xin cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCN QSDĐ) đối với bảy lô đất rừng, diện tích mười héc ta ở huyện Đắk Song (1).
Cuối năm 2017, sau khi ông Sơn bị Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN (UBKT của BCH TƯ đảng CSVN) “cảnh cáo” vì gian lận trong việc lập hồ sơ, xin nhận đất rừng theo “chương trình 135” của chính phủ, chính quyền huyện Đắk Song đã thu hồi GCN QSDĐ đối với bảy lô đất rừng này.
Theo tờ Người Lao Động, từ đó đến nay, chính quyền huyện Đắk Song chỉ thu hồi GCN QSDĐ đối với bảy lô đất đã cấp cho ông Sơn, còn trên thực tế, vợ chồng ông Sơn vẫn đang sử dụng bảy lô đất ấy. Giờ, vợ chồng ông Sơn đã chuyển hộ khẩu về huyện Đắk Song. Bởi đã hội đủ “căn cứ”, ông Sơn xin nhận đất theo đúng… “qui định pháp luật”.
Một lãnh đạo của Phòng Tài nguyên – Môi trường tỉnh Đắk Nông giải thích, chính quyền huyện này chỉ thu hồi bảy GCN QSDĐ đã cấp cho ông Song, không tổ chức thu hồi mười héc ta đất ông Sơn đang khai thác, sử dụng vì “chưa có hướng giải quyết tài sản gắn liền trên đất thành ra phải xin ý kiến và đang chờ chỉ đạo của tỉnh”.
Khoan bàn đến chuyện tại sao chỉ “cảnh cáo” ông Sơn trong nội bộ đảng, không truy cứu trách nhiệm hình sự dù đương sự gian lận trong việc xin nhận – sử dụng công thổ, chỉ đối chiếu chuyện hai năm vừa qua, ông Sơn vẫn khai thác và sử dụng đất rừng trái phép, với trường hợp ông Đặng Văn Hiến cũng đủ thấy chính phủ thích… đùa!
***
Năm 2008, chính quyền tỉnh Đắk Nông cho Công ty Long Sơn thuê 1.079 héc ta đất rừng. Hai năm sau (2010), Sở Tài nguyên – Môi trường mới hợp thức hóa quyết định ấy bằng hợp đồng cho thuê đất và năm sau nữa (2011), Công ty Long Sơn được cấp GCN QSDĐ.
Giống như nhiều vùng khác ở Tây Nguyên, Tuy Đức là túi chứa di dân tự do – những cá nhân dắt díu nhau đi tìm đất mới, khai hoang với hi vọng có thể thoát khỏi khốn cùng. Ở Tây Nguyên, đất mới là những khu rừng nguyên sinh đã bị khai thác đến cạn kiệt rồi bỏ hoang… và di dân chính là những người “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” để phục hóa.
Sau khi được thuê rồi được giao 1.079 héc ta “rừng”, chủ Công ty Long Sơn đã bán cả công ty lẫn quyền khai thác – sử dụng đất cho gia đình ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu. Kể từ đó, gia đình ông Sửu – chủ mới của Công ty Long Sơn bắt đầu tiến trình xua đuổi di dân tự do ra khỏi khu vực mà công ty toàn quyền… khai thác, sử dụng.
Vườn, rẫy – cơ hội đổi đời của hàng trăm gia đình bị chặt phá, bị đốn hạ, nhà cửa bị giật sập. Sau vài thập niên dốc hết sức lực, vốn liếng vào việc khai hoang, định cư, hàng trăm gia đình đối diện với viễn cảnh vừa trắng tay, vừa vô gia cư… Họ bắt đầu tất tả ngược xuôi xin cứu xét.
Chỗ này, chỗ kia bắt đầu đặt vấn đề, khai phá – sử dụng công thổ để mưu tìm cơm no, áo ấm có thể là sai nhưng gạt bỏ thực tế khai thác – sử dụng công thổ cũng như tất cả những tình tiết có liên quan khác để cho phép Công ty Long Sơn phủi tay, không bồi thường, không hỗ trợ dường như không… ổn.
Nếu giao đất, cho thuê rừng nhằm phát triển kinh tế – xã hội địa phương, tại sao “chương trình 135” của chính phủ không cho những gia đình di dân tự do thuê lại phần đất họ đã khai hoang mà lại chỉ dành quyền thuê cả thổ cư, vườn, rẫy của họ cho một số cá nhân hoặc doanh nghiệp như Công ty Long Sơn?..
Hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương không đếm xỉa tới điều đó. Do vậy, Công ty Long Sơn liên tục điều động các loại xe chuyên dụng và “công nhân” dỡ bỏ nhà cửa, hủy diệt những vườn tiêu, vườn điều, vườn cà phê,… trên phần đất mà chính quyền tỉnh Đăk Nông đã giao.
Trong quá trình tự do tổ chức các đợt “cưỡng chế – thu hồi đất”, “công nhân” của Công ty Long Sơn đã đánh đập, gây thương tích cho nhiều người dân ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức chỉ vì họ “dám” bảo vệ nhà cửa, vườn tược vốn là nơi họ từng “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”.
Kết quả của tám năm toàn bộ hệ thống công quyền từ xã đến tỉnh ở Đắc Nông án binh bất động là có người ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức bị “công nhân” của Công ty Long Sơn dùng rựa vạt mất gần nửa hộp sọ và đang sống với cái đầu bị móp ấy cho đến hết đời. Có phụ nữ bị trụy thai do “công nhân” của Công ty Long Sơn đạp vào bụng,…
Bất nhẫn, một số tờ báo bắt đầu lên tiếng. Đến năm 2015, chính quyền tỉnh Đắk Nông mới quyết định thu hồi 265/1.097 héc ta đã giao cho Công ty Long Sơn vì phần đất này vốn là nơi cư trú, vườn, rẫy của hàng trăm gia đình nhưng quyết định này chỉ có hiệu lực trên… giấy.
Năm sau nữa (tháng 7 năm 2016), sau khi thị sát tại chỗ, ông Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Việt Nam yêu cầu chính quyền tỉnh Đắk Nông ngăn chặn Công ty Long Sơn “cưỡng chế – thu hồi đất” để kiểm tra lại. Tuy nhiên hệ thống công quyền vẫn không làm gì cả, Công ty Long Sơn vẫn tiếp tục tổ chức “cưỡng chế – thu hồi đất”…
Đó cũng là lý do dân chúng xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức quyết định tự cứu họ bằng cách tự vũ trang với súng tự chế. Sau khi bị 30 “công nhân” Công ty Long Sơn hành hung vì ngăn cản dỡ nhà, phá vườn của mình trong đợt “cưỡng chế – thu hồi đất” mà công ty này tiến hành vào ngày 23 tháng 10 năm 2016, ông Đặng Văn Hiến đã chạy về nhà lấy súng tự chế, bắn chỉ thiên để cảnh cáo… Bởi “công nhân” Công ty Long Sơn vừa lao đến, vừa ném đá… ông Hiến chĩa thẳng súng vào đám đông bóp cò…
Chỉ đến khi có ba người chết, 13 người bị thương, hệ thống công quyền ở tỉnh Đắk Nông mới chuyển động. Tuy nhiên những chuyển động ban đầu chỉ nhắm tới chuyện trừng phạt Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình, Hà Văn Trường vì “giết người”, Đoàn Văn Diện vì “che giấu tội phạm”… Một tuần sau thảm án, ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu, chủ Công ty Long Sơn còn dọa sẽ kiện nhiều cơ quan truyền thông chính thức ra tòa vì thông tin sai sự thật, vừa chỉ dẫn báo chí “lên huyện, lên tỉnh” để tìm… “sự thật”!
Mũi dùi công lý chỉ chĩa vào Công ty Long Sơn khi công chúng sôi lên vì giận. Ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu (Phó Giám đốc Công ty Long Sơn) và ông Phạm Công Thiện (Trưởng Ban Quản lý nhân sự) bị khởi tố vì “hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” và phải hầu tòa cùng với ông Hiến và ba người hàng xóm. Ở phiên xử sơ thẩm, ông Sửu bị phạt sáu năm tù, ông Thiện bị phạt bốn năm tù. Tòa án tỉnh Đắk Nông tuyên tử hình ông Hiến, phạt ông Bình 20 năm tù, ông Trường 12 năm tù, ông Diện chín tháng tù.
Dư luận lại dậy lên thành bão. Đến khi xử phúc thẩm, Tòa án Tối cao giảm cho ông Bình hai năm tù, giảm cho ông Trường ba năm tù, chuyển hình phạt 9 tháng tù giam của ông Diện thành án treo. Ông Sửu, ông Thiện cũng được giảm mỗi người hai năm tù nhưng Hội đồng Xét xử cương quyết giữ hình phạt tử hình dành cho ông Hiến.
Tháng 9 năm ngoái, Thanh tra tỉnh Đắk Nông chính thức thừa nhận, chuyện giao 1.097 héc ta đất rừng cho Công ty Long Sơn là sai pháp luật vì công ty này không đủ khả năng tài chính, không đủ cả nhân lực lẫn phương tiện, các giải pháp đầu tư mà công ty này trình bày khi xin nhận đất không khả thi. Trong 1.097 héc ta đất rừng được giao cho Công ty Long Sơn năm 2008, có 183 héc ta thật sự là rừng nhưng đã bị Công ty Long Sơn đốn sạch mà hệ thống công quyền cùng làm ngơ (2).
Chuyện để Công ty Long Sơn tổ chức các đợt “cưỡng chế – thu hồi đất”, không bồi thường cũng chính thức được xác định là… sai. Thậm chí hệ thống công quyền đã làm ngơ để Công ty Long Sơn “cưỡng chế – thu hồi” phần đất mà từ năm 2015. chính quyền tỉnh Đắk Nông đã từng công bố quyết định thu hồi, không cho Công ty Long Sơn thuê nữa nhằm “giải độc dư luận”… Nếu hệ thống công quyền không làm ngơ, không có thảm án với ba người chết, 13 người bị thương, bốn người lương thiện bị phạt tù!
Nếu không nổ súng, gây ra thảm án ngày 23 tháng 10 năm 2016, ông Hiến đã trắng tay (mất cả nhà lẫn vườn tược như một số nạn nhân trong các vụ “cưỡng chế – thu hồi đất” trước đó của Công ty Long Sơn). Nếu ông Hiến không liều mạng thì nỗ lực kêu oan của ông và hàng trăm gia đình ở xã Quảng Đức, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông chẳng có ai thèm xem xét.
Một số luật sư và những người am tường luât pháp từng thắc mắc, với những tình tiết liên quan đến thảm án ngày 23 tháng 10 năm 2016 ở xã Quảng Đức vốn đã được bạch hóa từ lâu, tại sao hệ thống tư pháp (công an, Viện Kiểm sát, Tòa án) từ địa phương tới trung ương không cải sửa tội danh của ông Hiến từ “giết người” thành “giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh” (hình phạt tối đa là bảy năm tù)?
Yếu tố chính để xác định một cá nhân “giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh” là tinh thần đương sự bị kích động mạnh vì “hành vi trái pháp luật”. Khăng khăng xác định ông Hiến “giết người” – phạt tử hình một thường dân – chẳng lẽ chỉ vì điều đó… đơn giản hơn điều tra, truy cứu trách nhiệm “hành vi trái pháp luật” của hàng loạt viên chức các cấp, với tình tiết tăng năng là hậu quả của thảm án ngày 23 tháng 10 năm 2016? Hoặc vì hình phạt tử hình dành cho ông Hiến còn có tác dụng răn đe?
Khi công bố bản án phúc thẩm, các thẩm phán của Tòa án Tối cao từng nhắc đi, nhắc lại nhiều lần với ông Hiến rằng, ông nên xin Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tha tội chết. Vẫn chưa biết Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam có tha tội chết cho ông Hiến hay không. Người đàn ông này vẫn bị biệt giam trong khu vực dành cho phạm nhân bị phạt tử hình, thắc thỏm chờ cả ân xá lẫn chờ đội hành quyết đến dẫn mình đi thi hành án…
***
Không may cho người Việt là ở Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp như Công ty Long Sơn luôn luôn sát cánh với hệ thống công quyền các cấp, cùng hệ thống từ trung ương tới địa phương này tổ chức quản trị công thổ như chính quyền tỉnh Đắc Nông. Sau thảm án Tuy Đức, cuối năm ngoái, UBKT của Tỉnh ủy Đắk Nông loan báo đã kỷ luật chín tổ chức đảng và 217 đảng viên vì sai phạm trong việc xin nhận đất theo “chương trình 135” của chính phủ hoặc sai phạm trong việc giao đất (3).
Cho dù ông Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực của Tỉnh ủy Đắk Nông cam kết: Từ nay đến cuối nhiệm kỳ sẽ thanh lọc bộ máy, loại hết những đồng chí thoái hóa, biến chất để lấy lại niềm tin của nhân dân (4) – song trường hợp ông Sơn, sau khi bị “cảnh cáo”, chuyển hộ khẩu về Đắk Song để có “cơ sở pháp lý” xin cấp lại bảy GCN QSDĐ là ví dụ mới nhất minh họa cho thành tâm, thiện ý của cam kết ấy.
Cần nhắc lại rằng, bốn năm trước khi ông Danh cam kết “thanh lọc bộ máy” ở Đắk Nông, hồi 2014, Tổng Thanh tra từng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch tỉnh Đắk Nông chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất và bảo vệ, phát triển rừng. Kiểm tra toàn bộ đất đai mà các công ty đang quản lý để thu hồi nếu sử dụng sai mục đích, bàn giao cho địa phương để bố trí cho các hộ dân thiếu đất, bảo đảm ổn định đời sống dân cư, an sinh xã hội, trật tự kỷ cương (5).
Nếu bộ máy “trong sạch, vững mạnh”, đủ khả năng quản trị, điều hành, chắc chắn không có chuyện hai năm sau, Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình, Hà Văn Trường,… bị đẩy vào tuyệt lộ, phản kháng rồi bị bắt, bị phạt tù!.. Cho dù các qui định hiện hành về đất đai đã gây ra vô số thảm nạn, thảm án nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không muốn cải sửa ngay các qui phạm pháp luật liên quan tới đất đai. Chính phủ Việt Nam vừa rút Dự luật sửa Luật Đất đai khỏi chương trình làm luật năm nay của Quốc hội
(6). Mồ hôi, nước mắt, thậm chí máu của lương dân vẫn chỉ là “đồ chơi” cho một chính phủ thích… đùa tung hứng ở cả hiện tại lẫn tương lai.
Chú thích
(1) https://nld.com.vn/thoi-su/nguyen-bi-thu-tha-thiet-xin-cap-lai-dat-rung-sau-khi-bi-thu-hoi-20190406165921322.htm
(2) https://dantri.com.vn/su-kien/cong-bo-ket-luan-thanh-tra-toan-dien-cong-ty-xay-ra-vu-no-sung-lam-3-nguoi-chet-20180912095715138.htm
(3) https://baotainguyenmoitruong.vn/phap-luat/dak-nong-xu-ly-nhieu-can-bo-sai-pham-trong-giao-nhan-khoan-dat-rung-1260735.html
(4) https://tuoitre.vn/nhieu-quan-chuc-dak-nong-chia-nhau-dat-rung-20180717092242606.htm
(5) http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/715651/sai-pham-nghiem-trong-trong-viec-giao-dat-giao-rung-tai-dak-nong
(6) http://kinhtedothi.vn/rut-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-dat-dai-ra-khoi-chuong-trinh-xay-dung-luat-2019-340526.html