Trong chuyến đi Pháp và Bỉ vận động cho việc ký kết Hiệp định tự do thương mại với EU (EVFTA) vào những ngày đầu tháng 4 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Việt Nam sẽ xem xét kỹ lưỡng những khuyến nghị của Liên minh Châu Âu (EU) và Nghị viện Châu Âu (EP).
Báo chí trong nước cho biết chuyến đi của bà Ngân rất thành công.
Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng cho rằng trong chuyến đi Châu Âu vừa rồi, bà Kim Ngân đã mang theo một “món quà”, đó là khả năng Việt Nam có thể đáp ứng yêu cầu cải thiện nhân quyền của phía Châu Âu đưa ra:
“Trước mắt bà Ngân nhấn mạnh và được báo đảng nhấn mạnh theo, là Việt Nam sẽ xem xét kỹ lưỡng ba công ước quốc tế còn lại liên quan đến vấn đề lao động, liên quan đến Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Đặc biệt là công ước cho phép người lao động được quyền tự do thành lập công đoàn độc lập.”
Việt Nam hiện chỉ chấp nhận một công đoàn duy nhất chịu sự chỉ đạo của chính phủ và các công đoàn độc lập khác được người dân lập ra đều không được chấp nhận.
Năm 2011, ba người sáng lập phong trào Lao Động Việt, hoạt động cho quyền lợi công nhân, là ông Đoàn Huy Chương, bà Đỗ Thị Minh Hạnh và ông Nguyễn Hoàng Quốc Hùng bị kết án tù với cáo buộc “Phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân theo Điều 89 Bộ Luật Hình sự.”
Đây không phải lần đầu tiên bà Kim Ngân đi Châu Âu vận động cho EVFTA. Tháng 4/2017, bà Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cũng sang Châu Âu gặp gỡ nguyên thủ ba quốc gia Séc, Thụy Sĩ và Hungary, cũng được báo chí trong nước gọi là chuyến đi thành công dù không có bất kỳ một lời cam kết nào của các nước về việc ủng hộ cho Việt Nam mau chóng vào EVFTA. Đến nay đã tròn hai năm mà mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ.
Ông Phạm Chí Dũng nhận định bối cảnh chuyến đi vừa rồi của bà Chủ tịch Quốc hội Việt Nam diễn ra sau khi Hội đồng Châu Âu ra thông báo quyết định hoãn vô thời hạn việc phê chuẩn EVFTA, và chuyến đi lần này có một nét khả quan:
Lần này có một nét khả quan hơn một chút, là bà Kim Ngân có cuộc gặp tương đối đặc biệt với ông Bernd Lange – Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của châu Âu. – TS. Phạm Chí Dũng
“Lần này có một nét khả quan hơn một chút, là bà Kim Ngân có cuộc gặp tương đối đặc biệt với ông Bernd Lange – Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của châu Âu.
Theo thông tin từ đoàn của bà Nguyễn Thị Kim Ngân chứ không phải từ ông Bernd Lange, thì ông Lange đã nói với bà Ngân rằng tháng 6 hoặc tháng 7 năm 2019 sẽ ký và phê chuẩn EVFTA. Thông tin này được coi là thành tích lớn trong chuyến đi vận động kỳ này của bà Nguyễn Thị Kim Ngân và được hệ thống tuyên giáo lẫn báo đảng tuyên truyền ầm ĩ.”
Tháng 10/2018, Nghị Viện Âu Châu đã tổ chức cuộc điều trần về những lợi ich và giá trị của EVFTA. Nội dung buổi điều trần được nhắm đến ba vần đề chính là Lao động, Nhân quyền và Môi trường. Tại buổi điều trần, bà Maria Arena –Thành viên của Nghị Viện Liên Âu lên tiếng:
“Từ năm 2012 đến năm 2018 chúng tôi nhận thấy các tiêu chí về quyền nghiệp đoàn và nhân quyền của Việt Nam vẫn chưa tiến bộ một cách đầy đủ. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể chờ thêm 6 tháng nữa để Việt Nam thực hiện lời hứa. Nhưng không chỉ là lời hứa mà là sự đảm bảo, ngay cả trước khi Nghị Viện Liên Âu phê chuẩn hiệp định này. Nghị viện Liên Âu cần Việt Nam có những chỉ dấu tích cực chứ không chỉ là lời hứa.”
Đến tháng 1/2019, các thành viên Nghị viện châu Âu chính thức thông báo về việc hoãn phê chuẩn EVFTA giữa lúc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các doanh nghiệp hàng đầu như Apple, Facebook… bên lề một hội nghị ở Davos để vận động sự ủng hộ của họ cho hiệp định này.
Theo video được đăng tải trên trang Twitter của nữ Nghị sĩ Jude Kirton-Darling, thì lý do hoãn được bà viện dẫn là bởi vấn đề kỹ thuật; tuy vậy bà đặt câu hỏi: “Sự chậm trễ này có xảy ra nếu chính phủ Việt Nam tiến bộ về nhân quyền?”
Theo thông tin từ cổng thông tin điện tử của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO thì Bộ Luật Lao động hiện một lần nữa đang trong quá trình đổi mới nhằm đáp ứng những yêu cầu mới trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh hội nhập toàn cầu. Bộ luật bày lần đầu tiên được thông qua vào năm 1994 và được sửa đổi trong các năm 2002, 2006 và 2012.
Tuy là thành viên chính thức của ILO nhưng cho tới nay Việt Nam chỉ mới phê chuẩn 21/187 công ước của ILO, trong đó chỉ có 5/8 công ước cơ bản. Còn ba công ước cơ bản còn lại thì Chính phủ Việt Nam chỉ đang xem xét phê chuẩn, đó là Công ước số 98 về thương lượng tập thể vào năm 2019; Công ước số 105 về lao động cưỡng bức vào năm 2020 và Công ước số 87 về tự do hiệp hội vào năm 2023.
ILO dẫn lời ông Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam rằng“Các nghĩa vụ quốc tế bắt nguồn từ việc Việt Nam là thành viên chính thức của ILO và vì thế Việt Nam cần tôn trọng và thúc đẩy Tuyên bố của ILO về các Nguyên tắc và Quyền Cơ bản trong Lao động.”
Việt Nam sẽ xuống thang?
Với những quyền lợi mà Việt Nam được hưởng khi EVFTA được thông qua, liệu Việt Nam có chấp nhận nhượng bộ để được ký kết hay không, luật sư Nguyễn Văn Đài từ Đức nhận định:
“Tôi hy vọng trong nửa năm sau của năm 2019 thì nhà cầm quyền cộng sản sẽ nhượng bộ một số điều kiện để khi Nghị viện Châu Âu được bầu mới thì họ có thể vận động để được thông qua EVFTA vào cuối năm 2019.
Thứ nhất thì họ sẽ ký vào ba nghị định thư còn lại của Công ước Quốc tế về lao động mà Việt Nam từ xưa đến nay vẫn từ chối ký. Không chỉ các nước thành viên của EU nêu vấn đề này lên mà Nghị viện Châu Âu cũng nhiều lần nêu vấn đề là Việt Nam phải ký nốt những nghị định thư còn lại. Thứ hai là chắc họ sẽ trả tự do cho một số tù nhân lương tâm vào dịp Quốc Khánh 2/9 tới đây. Đó là hai vấn đề họ phải nhượng bộ.”
Hy vọng nhà cầm quyền sẽ nhượng bộ một số điều kiện để khi Nghị viện Châu Âu được bầu mới thì họ có thể vận động để được thông qua EVFTA vào cuối năm 2019. – LS. Nguyễn Văn Đài
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng tin rằng Việt Nam phải nhượng bộ để EVFTA được ký kết, bởi đó là lối thoát duy nhất của Việt Nam trong bối cảnh chính thể này đang phải trả nợ nước ngoài mỗi năm từ 10 đến 12 tỷ USD và gần như không biết tìm ngoại tệ đâu ra mà trả nợ. Hiện nay trong 10 hiệp định thương mại song phương (FTA) mà Việt Nam ký với các nước thì chỉ có hai thị trường xuất siêu lớn cho Việt Nam là thị trường Hoa Kỳ lên tới gần 35 tỷ USD xuất siêu một năm, và thị trưởng Châu Âu xuất siêu lên tới gần 30 tỷ USD một năm. Ông kết luận:
“Đó là lối thoát duy nhất và chính quyền Việt Nam phải có những bước xuống thang về nhân quyền, chỉ có điều xuống thang ở mức độ nào thì còn tùy thuộc vào bản lĩnh của khối Liên minh Châu Âu”.
Theo bản phúc trình toàn cầu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch đưa ra vào ngày 17 tháng 1 năm 2019, thì trong năm 2018, chính quyền Việt Nam đã tìm cách phá vỡ một số mạng lưới bất đồng chính kiến. Ít nhất 42 người đã bị kết án vì bày tỏ ý kiến chỉ trích chính phủ, tham gia các cuộc biểu tình một cách ôn hòa hoặc tham gia các nhóm ủng hộ dân chủ, trong đó bao gồm 9 thành viên của Hội Anh em Dân chủ và 5 thành viên của Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết.
Bên cạnh đó, công an Việt Nam đã sử dụng nhiều cách đàn áp và hạn chế các nhà hoạt động và bloggers, như giám sát; quấy rối; quản thúc tại gia; cấm đi lại; giam cầm; dọa nạt và thậm chí tra tấn trong khi thẩm vấn./.