Trân Văn – VOA
Cuối cùng, Bộ Công Thương cũng công bố kết quả điều tra và dự tính kỷ luật những cá nhân có liên quan đến vụ điều động công xa đến phi trường Nội Bài đón vợ và con ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công Thương theo thể thức vốn chỉ dành cho các VIP.
Cách nay đúng ba tháng, dư luận sôi sùng sục khi toàn bộ hành khách của một chuyến bay từ TP.HCM ra Hà Nội được lệnh ngồi yên tại chỗ, chờ cho tới khi một phụ nữ và một đứa trẻ rời khỏi phi cơ, an tọa trên một công xa đã đậu sẵn ở chân cầu thang…
Không có bất kỳ lý do nào thuộc loại khẩn cấp để cả hai nhân vật vừa kể cần được ưu tiên, hàng trăm người phải chờ cả hai chỉ vì họ là vợ và con ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN, kiêm Bộ trưởng Công Thương!
Đại diện Bộ Công Thương đã hứa sẽ “điều tra, xử lý nghiêm khắc” việc lạm dụng công quyền, công xa (soạn – gửi văn bản yêu cầu Cảng vụ Hàng không miền Bắc sắp đặt để đưa đón Bộ trưởng tại chân cầu thang phi cơ nhưng thực chất chỉ đón vợ con Bộ trưởng).
Mới đây, ông Đỗ Thắng Hải, một trong các Thứ trưởng của Bộ Công Thương loan báo, Hội đồng Kỷ luật đã xác định có ba cá nhân phải chịu trách nhiệm về scandal này và đã đề nghị hình thức kỷ luật đối với cả ba.
Đáng lưu ý là ông Hải chỉ nêu chức vụ, không nêu danh tính của cả ba viên chức. Trong ba viên chức bị kỷ luật có một là… nhân viên lễ tân, một là… Trưởng phòng Lễ tân và một là… lãnh đạo Văn phòng Bộ Công Thương.
Ông Hải cũng không cho biết hình thức kỷ luật cụ thể đối với từng cá nhân mà chỉ loan báo chung chung là Hội đồng Kỷ luật đã áp dụng hai mức đối với cả ba: Mức nặng nhất là… khiển trách! Mức nhẹ hơn là… kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Để công chúng bớt… băn khoăn, ông Hải cho biết thêm: Hội đồng Kỷ luật đang chờ Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương kết luận (1). Cần lưu ý thêm, ngoài vai trò Bộ trưởng, ông Trần Tuấn Anh còn là Bí thư Đảng ủy Bộ Công Thương.
***
Ông Ngô Văn Tuấn, tân Chánh Văn phòng Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, vừa xin thôi chức vụ mới để quay về vị trí cũ: Tổ trưởng Tổ Chuyên viên của Ban Chỉ đạo Quy hoạch xây dựng – Phát triển đô thị và nhà ở của tỉnh Thanh Hóa (2).
Rất dễ nhận ra lý do chính khiến ông Tuấn vội vàng xin từ chức là để hóa giải một trận bão dư luận có thể mạnh hơn và sẽ gây ra vô số rắc rối cho nỗ lực sắp đặt nhân sự lãnh đạo cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền ở Thanh Hóa.
Thanh Hóa từng được “cả nước trông vào” khi xảy ra scandal Trần Vũ Quỳnh Anh. Cô gái vốn là nhân viên tạp vụ của Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa, đột nhiên được Sở Xây dựng tuyển vào làm chuyên viên. Tại đó, cô chuyên viên này được cất nhắc làm lãnh đạo một trong những phòng béo bở nhất (Quản lý nhà và thị trường bất động sản), được sắp đặt cho đi học Cao cấp chính trị sớm, được quy hoạch làm Phó Giám đốc Sở Xây dựng… Trần Vũ Quỳnh Anh nổi như cồn không chỉ vì “thăng tiến thần tốc” mà còn do cô giàu bất thường. Người phụ nữ chỉ mới ngoài 30 này là chủ nhiều biệt thự ở Thanh Hóa, Hà Nội,… chủ hàng loạt xe hơi trị giá vài tỉ/chiếc.
Trần Vũ Quỳnh Anh trở thành nhân vật chính của một scandal vì nhiều người nhắm vào cô để bắn hạ ông Trịnh Văn Chiến, Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, kiêm Bí thư tỉnh Thanh Hóa. Họ cáo buộc ông Chiến lạm dụng quyền lực để giúp cô tình nhân trẻ trở thành một bà hoàng vừa dư quyền lực, vừa thừa tiền (3). Thế rồi Trần Vũ Quỳnh Anh biến mất. Chính xác là cô đột ngột xin nghỉ việc, còn bộ phận quản trị hành chánh – tổ chức đột nhiên lấy toàn bộ hồ sơ của cô trả lại cho chính cô. Không còn bất kỳ tài liệu nào để xác định – truy cứu trách nhiệm những cá nhân sắp đặt cho Trần Vũ Quỳnh Anh “tiến nhanh, tiến mạnh” và suýt nữa là “tiến vững chắc” đến đỉnh vinh hoa.
Tuy các cơ quan hữu trách không… tìm được Trần Vũ Quỳnh Anh, hết… cửa để truy vấn cô tìm sự thật nhưng sự “thăng tiến thần tốc” của cô là một thực tế không thể chối cãi và tất nhiên, không thể bỏ qua. Ông Ngô Văn Tuấn, nhân vật vốn là Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa thời Trần Vũ Quỳnh Anh được tuyển dụng làm chuyên viên, bổ nhiệm làm Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản,… được xác định là thủ phạm. Cuối năm 2017, ông Tuấn lúc đó là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa bị Ban Bí thư BCH TƯ đảng CSVN tước bỏ tất cả các chức vụ trong đảng. Đầu năm 2018, Thủ tướng Việt Nam quyết định cách chức Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa của ông Tuấn.
Giống như Trần Vũ Quỳnh Anh, ông Tuấn cũng nổi như cồn vì sai phạm chưa từng được định danh trong lịch sử nhân lọai nói chung và lịch sử tư pháp nói riêng: Nâng đỡ không trong sáng!
Dù sai phạm của ông Tuấn được xác định là “rất nghiêm trọng”, ông Tuấn vẫn được lưu dụng làm Tổ trưởng Tổ chuyên viên của Ban Chỉ đạo Quy hoạch xây dựng – Phát triển đô thị và nhà ở của tỉnh Thanh Hóa.
Đầu tháng này, Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa cho biết, ông Tuấn vừa được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng Sở Xây dựng vì Sở Xây dựng “xin” lãnh đạo tỉnh. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu Sở Nội vụ “tham mưu” và sau khi xem xét đã đồng ý.
Không phải tự nhiên mà cả công chúng lẫn hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam xem việc bổ nhiệm ông Tuấn làm Chánh Văn phòng Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa là “một kiểu trả ơn” (4). Từ vị trí này ông Tuấn có thể quay trở lại chức vị cũ.
***
Giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đã cũng như đang tìm mọi cách để thuyết phục công chúng rằng họ quyết tâm “chỉnh đốn” cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền.
Kỷ luật ba viên chức đòi Cảng vụ Hàng không miền Bắc biệt đãi vợ con ông Trần Tuấn Anh, điều động công xa đón cả hai, hay tước bỏ toàn bộ chức vụ của ông Tuấn vì “nâng đỡ không trong sáng”,… được sử dụng như những bằng chứng, chứng minh cho quyết tâm “chỉnh đốn”. Đáng tiếc là dù dụng rất nhiều công, hoạt động biểu diễn quyết tâm “chỉnh đốn” vẫn chưa… khéo, thành ra càng nỗ lực, càng phản tác dụng vì không “đúng người”, không “đúng tội” và tất nhiên là không “đúng pháp luật” hiện hành. “Chỉnh đốn” mà chấp nhận sắp đặt cho “thế thân” thì “chỉnh” làm gì cho mệt. “Chỉnh” như thế thì đến bao giờ tình trạng đổ đốn mới chấm dứt?
Chú thích
(3) https://vi.wikipedia.org/wiki/Trịnh_Văn_Chiến