Cả hai đều “vận động”?
Ông Nguyễn Phú Trọng đang có cơ hội lặp lại lịch sử được đón tiếp tại Phòng Bầu Dục ở Tòa Bạch Ốc năm 2015 trong năm 2019 này.
Trước, trong và sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Bắc Hàn tại Hà Nội vào cuối Tháng Hai, năm 2019, một số nguồn tin từ truyền thông quốc tế và giới quan sát chính trị ở Việt Nam cho biết Bộ Công An Việt Nam đã “vận động” giới chức an ninh Mỹ để Bộ Trưởng Công An Tô Lâm có một chuyến công du Hoa Kỳ vào Tháng Tư, năm 2019, cùng lúc có thông tin về một chuyến thăm Hoa Kỳ của Nguyễn Phú Trọng vào giữa năm 2019.
John Bolton, cố vấn an ninh Mỹ, người đã có mặt cùng với Tổng Thống Trump trong cuộc gặp với Kim Jong Un, đã nhận được “gợi ý” từ phía Bộ Công An Việt Nam.
Vào cuối năm 2018, một nguồn tin ngoại giao cho biết Tô Lâm đã “vận động đi Mỹ,” tuy nhiên khi đó phía Mỹ chưa thể sắp xếp được cho chuyến đi này, cũng như chưa rõ mục đích chuyến đi của Tô Lâm nhằm vào điều gì.
Vào ba tháng cuối năm 2018 cũng đã lao xao đôi chút đồn đoán về việc Bộ Ngoại Giao Việt Nam đôn đáo vận động cho một chuyến “thăm và làm việc” của Nguyễn Phú Trọng – người mà khi đó đã chính thức trở thành nguyên thủ quốc gia sau khi trám vào cái ghế chủ tịch nước của nhân vật vừa chết là Trần Đại Quang. Tuy nhiên những nguồn tin ngoại giao khi đó cho biết “Mỹ chưa thể tiếp Trọng” do Trump còn bận nhiều việc và còn phải căng mình đối phó với những đợt tấn công dữ dội của đảng Dân Chủ.
Chỉ đến cuối Tháng Hai, năm 2019, khi tổ chức “thành công” sự kiện cuộc gặp Trump-Kim tại Hà Nội, dường như Nguyễn Phú Trọng và một số cấp dưới của ông ta như Bộ Trưởng Công An Tô Lâm, Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh và cả Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc mới có thể tự tin và mạnh miệng hơn để “gợi ý” Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về những chuyến “thăm và làm việc” của lãnh đạo Việt Nam tại Mỹ trong năm 2019.
Theo đó, quốc gia mạnh nhất thế giới là Hoa Kỳ cần có một cuộc đón tiếp chính thức và cực kỳ tôn trọng dành cho Nguyễn Phú Trọng – người mà giờ đây khác xưa rất nhiều khi không chỉ là tổng bí thư mà dễ bị giới chính khách phương Tây xét nét về vị thế “không chính danh” khi xem xét các nghi thức ngoại giao để đón tiếp, mà đã trở thành chủ tịch nước và suy ra là nguyên thủ quốc gia… Điều này theo đúng não trạng “mình phải như thế nào người ta mới tiếp như thế chứ” của ông Trọng sau khi ông ta được Tổng Thống Mỹ Barak Obama trải thảm đỏ tại Phòng Bầu Dục vào Tháng Bảy, năm 2015.
Điệu cười mơn trớn và hể hả như thể “địa chủ được mùa” chưa có tiền lệ của Nguyễn Phú Trọng dành cho một tổng thống Mỹ khi hai nhân vật này gặp nhau ở Hà Nội bên lề thượng đỉnh Trump-Kim là logic với một luồng dư luận cho rằng phía Hoa Kỳ đã phát ra tín hiệu ưng thuận cho Trọng đến Washington vào mùa Hè năm 2019.
$60 tỷ!
Đến gần giữa Tháng Ba, 2019, viên đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ là Hà Kim Ngọc đã chính thức thông báo cho báo chí nhà nước về chuyến công du Mỹ của Nguyễn Phú Trọng, tuy chưa rõ và thời điểm nào năm.
Tình hình trên đang có vẻ “hợp lý” với bầu không khí từ “cầu viện” biến thành nồng ấm hơn trong quan hệ Việt-Mỹ kể từ Tháng Bảy, năm 2017, khi Bộ Trưởng Ngô Xuân Lịch vội vã sang Hoa Kỳ, ngay sau vụ Trung Quốc đe dọa tấn công mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ – liên doanh giữa Việt Nam với hãng dầu khí Tây Ban Nha là Repsol và khiến Repsol phải “bỏ của chạy lấy người.” Sau đó Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis đã lần đầu tiên điều động hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đến hiện diện tại cảng Đà Nẵng vào Tháng Ba, năm 2018. Việc làm này phục vụ cho một nhu cầu cần thiết với Mỹ và tối cần thiết với Bộ Chính Trị Việt Nam: dự án khai thác mỏ dầu khí Cá Voi Xanh ở vùng biển Quảng Nam, Quảng Ngãi, có trữ lượng đến 150 tỷ mét khối, được liên doanh giữa Tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ với Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam, sẽ không còn phải mắt trước mắt sau trước thói đe nẹt của “đồng chí bốn tốt.”
Bằng chứng là ngay sau chuyến thăm Việt Nam một cách bất thường của Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis vào Tháng Mười Một, năm 2018, cùng tuyên bố đầy thách thức “Mỹ sẽ hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông dù có Trung Quốc hay không” của Cố Vấn An Ninh Mỹ John Bolton, ExxonMobil đã một lần nữa quay lại nhà máy lọc dầu Bình Sơn để tiến hành hợp đồng FEED (tư vấn lập thiết kế tổng thể) trong dự án Cá Voi Xanh.
Trong bối cảnh ngân sách Việt Nam đang nhanh chóng cạn kiệt và đặc biệt đang quá thiếu ngoại tệ để trang trải nợ quốc tế – lên tới $10-$12 tỷ/năm – và để phục vụ cho nhu cầu nhập cảng hàng hóa từ các nước, đồng thời phải bảo đảm dự trữ ngoại hối, $60 tỷ dự kiến khai thác được từ dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam là Cá Voi Xanh (con số dự đoán mới nhất được nêu ra bởi chính quyền Việt Nam, gấp đến 3 lần con số dự đoán trước đây là $20 tỷ) – được xem là giá trị rất đáng để giới lãnh đạo Việt Nam tỏ một chút can đảm trước “đồng chí tốt” Trung Quốc.
Còn với Trump, là một nhà kinh doanh thực dụng trước khi bước chân vào chính trường, $60 tỷ quả là con số hấp dẫn.
Không hoài nghi rằng chuyến đi Mỹ sắp tới của Nguyễn Phú Trọng, nếu diễn ra, sẽ bàn sâu về một trong những nội dung trọng tâm là “làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác quốc phòng” và làm thế nào để Mỹ-Việt cùng khai thác triệt để mỏ Cá Voi Xanh mà không để “kẻ cướp” dây phần.
Còn Tô Lâm đóng vai trò gì cho chuyến đi trên?
Nhìn lại Trần Đại Quang
Bốn tháng sau khi chính thức trở thành “tổng chủ,” Nguyễn Phú Trọng đã chính thức thăng hàm đại tướng cho Bộ Trưởng Công An Tô Lâm, hàm mà trước đó chỉ đặc cách cho phái quân đội và nghe nói Tô Lâm đã phải chờ đợi đủ lâu mới có được cầu vai mới này.
Vụ phong hàm đại tướng trên xảy đến trong bối cảnh vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Tnanh” vẫn còn nguyên một núi hậu quả mà chưa giải quyết được một vấn đề nào, còn Thủ Tướng Đức Angela Merkel hối thúc các cơ quan điều tra và công tố Đức lẫn phía Slovakia tăng tốc điều tra vụ “vận chuyển” Trịnh Xuân Thanh từ Berlin sang Bratislava và từ đó về Việt Nam – bằng cách nào và nhờ vào bàn tay đạo diễn của những người Việt nào.
Cũng một cách chính thức, có thể hiểu rằng Tô Lâm đã trở thành “người của Trọng” – một hình ảnh mà dễ khiến người ta ngay lập tức liên tưởng với một hình ảnh khác: Trần Đại Quang, vào năm 2015 còn là bộ trưởng Công An, cũng đã được xem là “người của bác Cả” và đã có một chuyến đi tiền trạm Hoa Kỳ cho Trọng vào Tháng Ba, năm 2015, trong đó có những cuộc gặp không chỉ giới giới chức an ninh mà cả với Bộ Quốc Phòng Mỹ. Bốn tháng sau, Nguyễn Phú Trọng được TT Obama tiếp tại Washington và được báo đảng Việt Nam ca ngợi như “một thắng lợi ngoại giao chưa từng có.”
Một dấu hỏi đang hiện ra là liệu chuyến đi Mỹ của Tô Lâm vào Tháng Tư, năm 2019, nếu xảy ra, có liên quan và có phải chuyến đi tiền trạm cho chuyến đi Mỹ của Nguyễn Phú Trọng vào giữa năm 2019 hay không? Hoặc những chuyến đi Mỹ của hai nhân vật này chỉ là “đánh lẻ”?
Dù gì đi nữa, 2019 có thể là năm sẽ chứng kiến một phong trào “đi Mỹ” khá ồ ạt của giới quan chức cao cấp Việt Nam như đã từng diễn ra vào năm 2015, bao gồm cả giới quan chức bên khối chính phủ, Quốc Hội và thậm chí… dân vận.
Nếu Tô Lâm đi Mỹ tiền trạm cho Nguyễn Phú Trọng, đó sẽ là hiện tượng một bộ trưởng Công An “làm phông” cho tổng bí thư hai lần liên tiếp cách nhau 4 năm.
Cần nhắc lại, sau chuyến tiền trạm Mỹ cho Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang đã được ông Trọng xếp vào danh sách ứng cử viên hàng đầu cho ghế chủ tịch nước. Tuy nhiên từ sau khi trở thành chủ tịch nước, mối quan hệ giữa Quang và Trọng đã không còn “cơm lành canh ngọt” nữa – theo rất nhiều dư luận và cả bình luận của truyền thông quốc tế.
Đến Tháng Chín, năm 2018, khi mới ngồi ghế nguyên thủ quốc gia chưa đầy nửa nhiệm kỳ, Trần Đại Quang chết./.