Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vừa giao các bộ ngành liên quan xem xét lại Luật Đặc Khu. Đây có phải là một động thái tìm cách hồi sinh dự luật này?
Cụ thể, trong tờ trình về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Chính phủ Việt Nam đã xem xét lại tình hình chuẩn bị một số dự án luật đã rút ra khỏi chương trình các năm 2016, 2017, 2018.
Trong tờ trình, đáng chú ý là Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt hay còn được gọi là Luật Đặc Khu và Luật biểu tình.
Theo cổng thông tin điện tử của Chính phủ, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kỳ họp thứ 5, và kết luận tại buổi họp lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xây dựng phương án chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt theo hướng xây dựng một luật chung.
“Vốn là luật sư, đọc qua các điều khoản dự luật thì tôi hiểu sự lo ngại của công chúng là hoàn toàn có cơ sở, chính đáng. Cho nên, cá nhân tôi cũng không tán thành dự luật.”
-Luật sư Đặng Đình Mạnh
Nhà báo Võ Văn Tạo đưa ra nhận định liên quan vấn đề này:
“Liên quan đến chuyện đặc khu thì trên báo chí nhà nước mới đây, thì chính phủ đang muốn trình lại với quốc hội về kế hoạch xây dựng luật. Từ lâu rồi chính phủ nợ nhân dân Luật Biểu Tình, còn năm ngoái nổi lên chuyện nóng khi họ xây dựng Dự uật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, mà dân gian gọi là Luật đặc khu. Vì nó chỉ áp dụng cho ba đặc khu mà họ dự kiến đưa vào đó là: Vân Đồn – Quảng Ninh, Vân Phong – Khánh Hòa và Phú Quốc – Kiên Giang. Thì dự luật đó khi phát lộ trên truyền thông thì làn sóng phản đối của cả nước rất mạnh mẽ, dữ dội.”
Theo Nhà báo Võ Văn Tạo, xem xét, điều chỉnh lại Luật Đặc Khu, có nghĩa là dự luật đó có thể trở lại chứ không phải là biến mất vĩnh viễn. Theo ông, điều này gây bất ngờ cho công chúng và riêng bản thân ông cũng cảm thấy rất lạ lùng.
Đặc khu không phải là khái niệm mới có ở Việt Nam. Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, chỉ bốn năm sau khi thống nhất đất nước, thì vào năm 1979, chính quyền đã cho thành lập Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo. Tồn tại được 12 năm, đến năm 1991 thì Đặc khu Vũng Tàu- Côn Đảo giải thể “không kèn không trống”.
Trong bối cảnh công chúng vẫn được chưa nghe gì về sự tổng kết của 12 năm tồn tại đặc khu ấy, ưu điểm hay khuyết điểm như thế nào thì trong năm 2018, Quốc hội lại đưa dự án Luật đơn vị hành chánh kinh tế đặc biệt ra bàn thảo với ý định sẽ thông qua đã gây phản ứng dữ dội trong công chúng, khiến quốc hội đã phải tạm dừng việc bỏ phiếu thông qua.
Tại văn bản về chương trình lập pháp các năm 2019 và 2020, công chúng lại thấy xuất hiện trở lại dự án Luật đơn vị hành chánh kinh tế đặc biệt theo hướng chỉnh lý và có thể sáp nhập chung với một dự luật khác.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do qua e-mail hôm 13 tháng 3 năm 2019, về việc chính phủ đem Luật Đặc Khu ra xem xét, điều chỉnh lại, Luật sư Đặng Đình Mạnh, viết rõ:
“Việc này có thể chỉ là giải pháp “bình mới, rượu cũ” của một dự luật vốn quá nhiều tai tiếng để tránh sự phản ứng quyết liệt của công chúng lại tiếp diễn như thời điểm tháng 06/2018.
Chưa bàn đến động cơ thật sự thúc đẩy chính quyền kiên trì thông qua một dự luật có tính chất mất lòng dân đến như vậy. Nhưng rõ ràng, động cơ phát triển kinh tế mà chính quyền giải thích đã không hề làm giảm đi được sự lo ngại ngày càng tăng của công chúng về nguy cơ xâm lấn của Trung Cộng qua các điều khoản cho thuê đất đến 99 năm và những hệ lụy đằng sau đó.
Vốn là luật sư, đọc qua các điều khoản dự luật thì tôi hiểu sự lo ngại của công chúng là hoàn toàn có cơ sở, chính đáng. Cho nên, cá nhân tôi cũng không tán thành dự luật.”
Luật Đặc khu là tên gọi vắn tắt của Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã vấp phải phản đối của người dân từ khi được trình làng tại Quốc hội hồi tháng 6/2018.
Ngày 9/6/2018, Văn phòng Chính phủ bất ngờ ra thông báo quyết định lùi Dự thảo Luật Đặc khu đến kỳ họp kế tiếp vào tháng 10.
Đến ngày 11/6, Quốc hội bỏ phiếu lùi thời gian xem xét, thông qua dự luật này tuy nhiên ở nhiều tỉnh thành trên cả nước người dân vẫn xuống đường phản đối, dẫn đến hàng chục người dân bị bắt giữ, bị xử với các án tù khác nhau.
Một số chuyên gia giải thích sở dĩ người dân phản đối luật này là do luật này sao chép từ Trung Quốc, đã lỗi thời và có nguy cơ bị mất lãnh thổ vào tay láng giềng phương Bắc. Ngoài ra thời hạn thuê đất lên đến 99 năm đối với các trường hợp đặc biệt cũng là 1 điểm bị người dân phản đối, tuy nhiên sau đó điều này đã bị xem xét lại trong dự thảo.
Nhà báo Ngô Nhật Đăng đưa ra nhận định liên quan vấn đề này khi trao đổi với chúng tôi hôm 13/3:
“Tôi ngạc nhiên là với một dự luật gây bức xúc như thế, có những cuộc biểu tình khủng khiếp như thế, chính phủ cũng rất sợ không kiểm soát nổi mà bây giờ lại tiếp tục muốn làm trở lại, cái đó cũng làm cho tôi hơi ngạc nhiên, nói xin lỗi dung cái từ nôm na là sao họ ngu quá vậy”.-Nhà báo Võ Văn Tạo
“Từ năm 2007, lúc đó ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng, thì có dự định áp dụng Luật Đặc khu cho Phú Quốc, thì theo tiêu chuẩn đặc khu lúc đó tôi có đọc thì nó gần như hoàn toàn lấy nguyên văn luật đặc khu Thâm Quyến của Trung Quốc lúc đó. Nếu xét về luật đặc khu khi đó ở Thâm Quyến và ở Việt Nam 2007 thì tôi thấy nó còn tiến bộ hơn luật đặc khu sau này vì nó có sự cạnh tranh công bằng, tức là mở cửa cho mọi nhà đầu tư nước ngoài. Dù tình hình Việt Nam không giống Trung Quốc nữa, nhưng tôi thấy luật đầu tư sau này chặn hết các cửa của nhà đầu tư nước ngoài, mà chỉ có một cửa cho Trung Quốc, ví dụ như là vấn đề tài chính, xây dựng… ”
Nhà báo Ngô Nhật Đăng cho biết, những sự việc như thế chứng tỏ nguy cơ đất nước sẽ bị xâm lấn. Đây là lý do mà ông Ngô Nhật Đăng cho cần phải lên tiếng không thể nào thông qua luật đặc khu để mở cửa cho Trung Cộng vào Việt Nam.
Tuy cho rằng việc nhà cầm quyền Việt Nam tìm cách tái sinh Luật Đặc Khu là một điều lạ lẫm, nhưng nhà báo Võ Văn Tạo cũng cho rằng có điều không lạ. Theo ông, không lạ vì những quốc gia cai trị bằng ách độc tài cộng sản thì thường những người cầm quyền rất kiêu ngạo, máu háo thắng đối với nhân dân, họ không chịu thua, vì họ nắm vũ khí trong tay, không có đối thủ cạnh tranh, không có đối lập… Cho nên biết là sai, nhưng họ không nhận sai, họ làm bằng được để chứng tỏ ta hơn người. Ông nói tiếp:
“Tôi theo dõi lâu năm thì thấy đó là chuyện không ngạc nhiên. Nhưng tôi ngạc nhiên là với một dự luật gây bức xúc như thế, có những cuộc biểu tình khủng khiếp như thế, chính phủ cũng rất sợ không kiểm soát nổi mà bây giờ lại tiếp tục muốn làm trở lại, cái đó cũng làm cho tôi hơi ngạc nhiên, nói xin lỗi dung cái từ nôm na là sao họ ngu quá vậy.”
Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, dự án Luật đơn vị hành chánh kinh tế đặc biệt này thuộc trường hợp đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về kinh tế – xã hội có ảnh hưởng lớn đến lợi ích và sự phát triển của quốc gia, thì quốc hội nên tiến hành trưng cầu dân ý theo Luật trưng cầu ý dân 2015.
Bởi lẽ, khi quốc hội chỉ toàn là đại biểu do đảng cử không thể hiện hết nguyện vọng của công chúng, thì thông qua trưng cầu dân ý, thì sẽ biết được ý nguyện thật sự của công chúng là tán thành hay phản đối dự luật./.