Tân Phong – Web Việt Tân
Ván cờ dang dở?
Khi điều gì khiến người ta quá kỳ vọng thì kết quả thường là sự thất vọng và những gì diễn ra tại cuộc họp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 ở Hà Nội đã là như vậy. Không có thỏa thuận chung nào được ký kết. Không ăn trưa và không thông cáo chung. Trump đã làm đúng những gì mà ông ta nói trước thời gian thượng đỉnh lần 1 tại Singapore “Sẽ không mất thời gian” nếu mọi việc không đi theo quĩ đạo mà ông đặt ra luật chơi.
Ở cuộc họp lần đầu tiên, ông đã nhân nhượng với Kim Chính Ân. Còn lần này thì không. Thông điệp của sự khước từ rất rõ ràng “Đừng lấy hạt nhân ra mặc cả về kinh tế và lệnh trừng phạt. Thịnh vượng hoàn toàn trong tay cậu nhưng không phải bằng cách mang những đồ chơi đó ra dọa tôi”. Sau cuộc hội đàm ngắn ngủi với Kim Chính Ân, tác giả “The Art of the Deal” đã nhún vai bỏ đi và không có một “Deal” nào được thỏa thuận – “Đôi khi phải rời đi. Đây không phải là thời điểm tốt để ký kết bất cứ điều gì”.
Hai mươi triệu USD và rất nhiều công phu mà người Mỹ có thể bỏ ra lần này tại Hà Nội mà không đạt được kết quả mong đợi. Nhưng rõ ràng Donald Trump giữ vững nguyên tắc “Không có thỏa thuận nào vẫn tốt hơn là ký kết một thỏa thuận tồi”.
Hai mươi triệu USD cho một cuộc thử nghiệm đánh giá lại lần cuối toàn bộ các “nhân tố” trên bàn cờ địa chính trị từ bán đảo Triều Tiên cho đến Đông Nam Á không phải là cái giá đắt. Có thể, Kim Chính Ân sẽ cảm thấy tưng hửng vì sự cứng rắn lập trường của mình đã không đạt được kết quả mong muốn trước một Donald Trump dứt khoát.
Tập Cận Bình có thể mỉm cười hài lòng và cùng các thường vụ Bộ chính trị thưởng trà tại Trung Nam Hải với kết quả tại Hà Nội. Thế giằng co ảnh hưởng địa chính trị ở Đông Bắc Á vẫn tiếp tục. CSVN hí hửng “Dù kết quả thượng đỉnh Mỹ – Triều ra sao thì Việt Nam vẫn là người chiến thắng” với “mớ” dollar “khẳm” kiếm được và hài lòng với vị thế quốc tế “có bao giờ được như bây giờ không”. Nhưng hậu quả của sự đổ vỡ đàm phán Mỹ Triều lần này sẽ dẫn đến điều gì thì chỉ có người Mỹ biết mà thôi. Và điều đó, sẽ đến rất sớm.
Những hậu duệ của AQ đang vui mừng và tuyên bố “chiến thắng” một ván cờ chưa thực sự khai cuộc mà đối thủ đã bỏ đi.
Thấy gì từ những bước đi của người Mỹ?
Ngay sau khi rời khỏi cuộc họp thượng đỉnh Mỹ – Triều, Donald Trump đã viết những dòng twitter đậm chất cowboy “Tôi chưa bao giờ sợ phải rời khỏi một thỏa thuận. Và tôi cũng sẽ làm điều đó với Trung Quốc nếu mọi thứ không phù hợp”. Đó không phải là lời đe dọa. Đó đơn giản là Donald Trump. Thời hạn hưu chiến 90 ngày đã hết và việc áp mức thuế 25% trên 200 tỷ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ có thể được thực thi bất cứ lúc nào dù rằng ngày 24.02.2019 tổng thống Donald Trump đã có thông báo trì hoãn động thái này với lý do những tiến trình đàm phán thương mại Mỹ – Trung có hiệu quả.
Khách quan mà nói, việc áp đặt mức thuế “hủy diệt” đối với hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ sẽ không tác động lớn ngay lập tức đối với nền kinh tế khổng lồ 10.000 tỷ USD của Trung Quốc nhưng sẽ làm suy giảm nhanh chóng đà tăng trưởng của nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.
Nghiêm trọng hơn là tâm lý tháo chạy của giới đầu tư khi khó khăn nảy sinh mang tính khó lường, đặt trong bối cảnh mức nợ công gấp 3 lần GDP quốc gia vẫn không ngừng phình to và áp lực công ăn việc làm gia tăng sẽ là điều đáng lo ngại hơn cả. Điều đó, ảnh hưởng đến điểm cốt tử của thể chế “tính chính danh của đảng cầm quyền dựa trên hiệu quả điều hành kinh tế”.
Mặc dù, gần đây, Trung Cộng đã công bố khả năng giảm mức tăng trưởng GDP xuống khoảng 6 – 6.5% như là một “kết quả tất yếu” của chương trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng bền vững hơn, đa dạng hơn và “sáng tạo” hơn. Tuy nhiên, rõ ràng, việc “tái cơ cấu” – một khái niệm thường được giới chức nhà nước cộng sản sử dụng để mô tả việc chuyển đổi các thành phần kinh tế bằng sự thay đổi chính sách quản lý nhà nước – với nền kinh tế khổng lồ như Trung Quốc không dễ dàng như việc “sản xuất” ra các nghị quyết đảng. Trong khi đó, thể chế chính trị đang biến đổi theo hướng toàn trị cứng rắn hơn. Điều này chỉ cho thấy rằng ảo tưởng quyền lực ở những thể chế độc tài là không có giới hạn.
Một động thái khác trong diễn biến của vụ Huawei – tâm điểm của cuộc chiến chống lại gian lận thương mại, gián điệp công nghệ cao và vi phạm lệnh trừng phạt Iran của Mỹ. Canada đồng ý cho dẫn độ “công chúa đỏ” Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu phía Hoa Kỳ bất chấp sự nổi giận và đe doa từ Bắc Kinh.
Sự sụp đổ của Huawei chỉ còn là vấn đề thời gian. Huawei cùng với ZTE có thể được coi là những quân át chủ bài của đảng cộng sản Trung Quốc trong mặt trận công nghệ cao, với tham vọng chiếm lĩnh ưu thế trước Hoa kỳ trong vòng 10 năm tới đang bị cô lập nhanh chóng, mất những thị phần quan trọng đã dầy công xây dựng trên qui mô toàn cầu. Nhưng nghiêm trọng hơn là các doanh nghiệp công nghệ cao trọng điểm của Trung Cộng phải đối diện với sự trừng phạt “vô phương cứu giải” mà Hoa Kỳ áp đặt. Đó là một tình trạng “cá nằm trên thớt” không có giải pháp với một Donald Trump cứng rắn, thực dụng và tinh quái khôn lường.
Bên cạnh hai áp lực trực tiếp rõ nhất là sự suy giảm tăng trưởng nhanh chóng do áp lực thương chiến Mỹ – Trung, nguy cơ sụp đổ của những mũi nhọn chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao mà Trung Cộng đã dồn sức phát triển với nguồn lực tài chính, nhân sự và hậu thuẫn chính trị to lớn như Huawei, ZTE… Trung Cộng còn phải đối mặt với việc “rơi rụng” rất nhanh các “đối tác chiến lược” trong tham vọng “một vành đai, một con đường” như ở Venezuela, Malaysia, các nước Phi Châu… Rủi ro này đang hiện hữu và những núi tiền đã bỏ ra có thể bị mất trắng khi các thể chế độc tài được Bắc Kinh chống lưng sụp đổ.
Biển Đông – ván bài “all in” của Tập Cận Bình?
Sự dồn ép của Hoa Kỳ ở bàn cờ địa chính trị chiến lược Đông Á, Biển Đông và chính sách anti-China trên qui mô toàn cầu của thế hệ lãnh đạo Donald Trump đang gia tăng áp lực nhanh chóng. Trong khi đó, mâu thuẫn sâu sắc trong vấn đề Đài Loan đòi độc lập, phong trào đấu tranh đòi dân chủ ở Hongkong, xung đột sắc tộc và đàn áp nhân quyền nghiêm trọng ở Tân Cương, Nội Mông, Tây Tạng đang gây áp lực to lớn.
Nội bộ Trung Cộng đối diện với nguy cơ ly khai của chính quyền cấp tỉnh, các bè phái và nhóm lợi ích có quyền lực lớn trong đảng bất mãn sâu sắc khi bị ảnh hưởng lớn sau cuộc “đả hổ, diệt ruồi” của Tập Cận Bình. Mao Trạch Đông từng nói “đốm lửa nhỏ có thể đốt cháy cánh đồng cỏ”. “Đốm lửa” đó có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu trong bối cảnh Bắc Kinh đang phải đối mặt.
Trước tất cả những thách thức và rủi ro đó, một phương thức nhằm tập trung cao độ quyền lực chính trị mà Tập Cận Bình có thể lựa chọn là một xung đột ở ngoài biên giới Trung Hoa ở mức độ hạn chế. Chiến thắng nhỏ ở một cuộc xung đột khu vực không gây nhiều tổn thất, có thể đem lại lợi ích chính trị lớn. Động thái mới nhất là việc hải quân Trung Cộng đang tiến hành chiếm những dải cát ở vùng ven của đảo Thị Tứ – hòn đảo nổi có diện tích lớn thứ 2 trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang do quân đội Philippines chiếm đóng bằng lực lượng trá hình là “ngư dân” mà báo chí Philippines mới đây đăng tin có thể là một hành động quyết đoán hơn của Tập Cận Bình trong ván cờ Biển Đông. Đây rất có thể là một quyết định mạo hiểm – một ván bài all in – nhưng là toan tính chính trị kỹ lưỡng.
Cuộc họp thượng đỉnh Mỹ – Triều ở Hà Nội kết thúc bằng một ván bài để ngỏ giữa hai kỳ thủ và những gì diễn ra tiếp theo mới là cuộc chiến thực sự. Đúng là “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, sau những ồn ào, hoa lệ mà Hà Nội cố công tô vẽ và tuyên bố mới đây về việc “tái khởi động dự án Cá Voi Xanh với ExxonMobil”, CSVN đã phải nhận ngay “cái tát nổ đom đóm mắt” của Tập Cận Bình mà chẳng dám hé một tiếng phản đối “xâm phạm chủ quyền không thể chối cãi” với người bạn 16 chữ vàng.
Tân Phong, ngày 28.02.2019