Mình tò mò theo dõi cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un tại Hà Nội thấy nhiều cái hay. Từ phong cách nhà lãnh đạo, nội dung bàn thảo đến những cái “râu ria” quanh cuộc gặp, có nhiều điều thú vị. Nhưng ở đây chỉ muốn chia sẻ một điều: Suy ngẫm về chuyện từ đối đầu sang đối thoại…
Thực ra, chuyện từ đối đầu, thù địch đến đối thoại và trở thành bạn của nhau thì Việt Nam ta có quá nhiều bài học rồi. Đánh đuổi Pháp, rồi lại hội đàm với nhau và trở thành bạn thân; đánh đuổi Mỹ rồi lại bình thường hóa quan hệ và trở thành đối tác toàn diện, tin cậy của nhau; sau cuộc chiến chống quân xâm lược “bành trướng, bá quyền Bắc Kinh” 1979, lại có hội nghị Thành Đô 1990 và Việt Nam – Trung quốc trở thành quan hệ thân thiết “4 tốt, 16 chữ”… Cách ứng xử, chuyển hóa đó đã trở thành kinh nghiệm sống, thành truyền thống của Việt Nam, thành những bài học có thể cho các nước rút kinh nghiệm cả điều hay lẫn điều dở.
Có lẽ cuộc gặp Mỹ – Triều tại Hà Nội cũng có hàm ý liên hệ đến bài học hòa giải của Việt Nam và Mỹ. Còn nhớ, năm 2017 quan hệ Mỹ – Triều rất căng thẳng, hai bên đe dọa nhau, “chửi bới” nhau đủ điều xấu xa. Ông Trump gọi ông Kim là “thằng oắt con”; ông Kim gọi ông Trump là “thằng già điên”; ông Kim bảo, nút bấm hạt nhân của tao luôn đặt trên bàn; ông Trump bảo, nút bấm hạt nhân của tao to hơn… Mỹ còn tập trận dữ dội, đe dọa dùng bom đạn xóa sạch Triều Tiên; Triều Tiên đe phóng tên lửa có đầu đạn hạt nhân tới Mỹ. Một thành phố của Mỹ còn báo động nhầm, có tên lửa Triều Tiên, khiến dân tình một phen hoảng loạn…. Đúng là khi đối đầu nhau, coi nhau là kẻ thù thì không từ một lời nói, một hành động xấu xa nào không đem ra đối xử với nhau…
Vậy mà hôm nay, tại Hà Nội hai ông Trump và Kim tay bắt, mặt mừng, cảm ơn nhau, dành cho nhau những lời thật xây dựng, thân tình, hữu hảo… Đặc biệt Trump ca ngợi hết lời về tiềm năng phát triển vượt bậc của Triều Tiên, nếu phi hạt nhân hóa, tập trung vào làm kinh tế trong môi trường hòa bình, hữu nghị. Trump còn hứa, Mỹ sẽ giúp Triều Tiên phát triển… Những người tử tế, có lương tri, nghe những lời chia sẻ của Trump và Kim thấy ấm lòng, hy vọng về một nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên; mong nhân dân Triều Tiên được ấm no, hạnh phúc, hòa nhập với thế giới…
Từ đó lại nghĩ về đối nội. Tại sao những người có quan điểm khác nhau về xây dựng và phát triển đất nước, lại trở thành đối đầu với nhau? Đặc biệt là, tại sao chính quyền lại coi người bất đồng chính kiến là “bọn bất hảo”, là “phản động”, “thế lực thù địch” thậm chí đàn áp tàn bạo, bắt tù đày dã man? Cách hành xử của chính quyền như vậy khiến cho xã hội khó hòa giải, hòa hợp, mà còn dẫn đến chia rẽ, hận thù nhau. Thật phi lý, vô đạo, khi một người già 80 – 90 tuổi chỉ nêu lên ý kiến gì đó khác với chủ trương, chính sách của chính quyền, là có thể bị đám dư luận viên, được bảo kê, tha hồ thóa mạ không tiếc lời; có thể còn bị an ninh và bọn xã hội đen đe dọa…
Rõ ràng, sự đối đầu, quy kết, định kiến, coi nhau là bất hảo, thù địch thì dẫn đến xung đột, gây nên môi trường xã hội căng thẳng và xấu đi. Nhưng khi chuyển hóa mâu thuẫn, xung đột thành đối thoại, cởi mở, xóa bỏ định kiến, chân thành lắng nghe nhau, tìm điểm tương đồng vì lợi ích chung, thì trở thành bạn bè, đối tác thân thiện, xóa bỏ thù nghịch, hướng đến tương lai tươi sáng.
Tại sao đối ngoại thì nhẫn nhục, kiên trì, mềm dẻo để đạt mục đích tốt đẹp, mà đối nội lại kiêu ngạo, bất cần, thô bạo… để gây chia rẽ, hận thù? Ai trả lời giúp với!
Tất nhiên, đối thoại phải chân thành, thẳng thắn, xây dựng, vì lợi ích chung, mới đem lại kết quả bền vững; chứ đối thoại kiểu đối phó, lừa dối, nói một đằng, làm một nẻo, thì chỉ càng gây sự bất tín, càng hủy hoại lòng tin để tiếp tục đối thoại. Chuyện đối thoại Trump và Kim cũng vậy thôi. Để xem thực tế có như mong đợi?
Chuyện nọ sọ sang chuyện kia. Sự đời thật lắm chuyện rắc rối, trớ trêu, nhiều cái “thế này, thế khác”, nên mới cần người lãnh đạo đủ Tâm và Tài, chấp nhận và giải quyết được mớ bòng bong đó một cách hiệu quả! Chứ nếu người chỉ chấp nhận những cái tròn vo, thẳng đuột, thì cần quái gì!