Tân Phong – Web Việt Tân
Hà Nội đón chờ cuôc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ diễn ra vào cuối tháng 2/2019 trong không khí hân hoan, rộn ràng như vào mùa cưới.
Người ta bán cờ Mỹ, cờ Triều Tiên khắp phố cổ, bờ Hồ Gươm, bàn tán xôn xao từ quán trà đá vỉa hè, đến nhà hàng, quán nhậu, công viên về sự xuất hiện của Tổng thống Donald Trump và Kim Chính Ân sắp tới. Mọi tầng lớp người dân háo hức từng chi tiết về những chiếc C-17 Globemaster, những chiếc “quái thú”, đội đặc nhiệm lừng danh, ý nghĩa về cuộc họp lịch sử và ẩn ý của người Mỹ khi lựa chọn Hà Nội là địa điểm cho cuộc họp Mỹ Triều…
Nhiều người còn bày tỏ sự lạc quan về cơ hội “thoát Trung” đang dần hé lộ và ngợi ca sách lược “dựa Mỹ, đối Trung” của đảng CSVN khi nhận thấy dịp kỷ niệm 40 năm cuộc chiến tranh biên giới 17/02/2019 vừa qua, Hà Nội lần đầu tiên “lớn tiếng” tố cáo tội ác “quân bành trướng Trung Quốc”, sau đúng 40 năm “cấm khẩu”.
Những người có vẻ am hiểu chính trị Việt Nam hơn thì mỉa mai “Không biết hầu hạ ông Trump vụ này có xin xỏ được gì không? Không cẩn thận chẳng kiếm chác được gì như hồi APEC 2017, lại bị Tập nó tát cho vỡ mồm.”Không biết mấy ông bà “lãnh đạo” thì thấy sao, chứ dân đen nghe mà thấy nhục cho cái “vị thế” của nước Việt Nam mình.
Cuộc gặp gỡ Mỹ-Triều lần này tại Hà Nội là một cuộc gặp gỡ lịch sử và cũng là một cơ hội lịch sử không chỉ riêng cho bán đảo Triều Tiên. Cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Triều Tiên về cơ bản đã không còn là vấn đề. Nó đã được giải quyết.
Vấn đề còn lại là giải pháp cho thể chế Bắc Hàn trong con đường hòa nhập với thế giới, sự tiếp tục vai trò quyền lực của gia tộc họ Kim và ảnh hưởng địa chính trị của Bắc Kinh tại Đông Bắc Á. Tất cả điều đó sẽ phải được đặt lên bàn trong những cuộc bàn soạn trước đó từ lâu.
Trung Quốc không dễ dàng buông bỏ một “tiền đồn thể chế” mà đã phải bỏ ra quá nhiều công của, xương máu suốt gần một thế kỷ qua. Việc từ vai trò là kẻ “cầm cái” trong ván cờ Triều Tiên, giờ đây Tập Cận Bình trở thành “kẻ bên lề” và ngồi nhìn Tổng thống Donald Trump và Kim Chính Ân họp thượng đỉnh tại Hà Nội mà không đếm xỉa đến mình là điều mà Bắc Kinh không thể “nuốt trôi”.
Nhiều thông tin “bên lề” cho rằng Kim Chính Ân sẽ có mặt ở Hà Nội từ hôm 24/02/2019 bằng đường bộ và toàn bộ chi phí của chuyến đi Việt Nam lần này của Kim do CSVN đài thọ bằng tiền thuế của dân Việt Nam – đúng là “bòn nơi khố rách, đãi nơi quần hồng”. Người độc mồm hơn thì nói “Sang như đĩ”.
Một diễn biến cực kỳ bất ngờ nữa là báo chí truyền thông Việt Nam ngày 21/02/2019 đăng tin ông TBT, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ đi thăm hai nước Lào và Cambodia từ 24-26/02. Như vậy, rất có thể ông ta sẽ không có mặt vào ngày 27/02/2019 để thực hiện nghi thức ngoại giao là “chủ nhà” đón tiếp hai nguyên thủ quốc gia là Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Chính Ân trước cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Nếu điều này thực sự xảy ra, thì đây là một trò hề quá lố của CSVN. Dù với bất cứ lý do nào thì sự vắng mặt của ông “Tổng – Tịch” sẽ làm cho tính chính danh vốn đã như một cái “mền rách” của thể chế CSVN và chính cá nhân ông ta đã thực sự sụp đổ trên trường quốc tế. Hà Nội đã tự mình loại bỏ (hoặc bị loại bỏ) khỏi bàn cờ địa chính trị khu vực và thế giới kể từ sự kiện này.
Danh nghĩa “chủ nhà” của Hà Nội chính thức bị “thẻ đỏ” ở phút 90, rất có thể là hành động trả đũa của Bắc Kinh trong việc Tổng thống Donald Trump đã chơi “sát ván” khi từ chối một cuộc gặp bên lề cuộc họp thượng đỉnh với “người bạn” Tập Cận Bình ở thời điểm deadline 01/03/2019 cận kề, cũng như thói “đòn xóc hai đầu” của CSVN trong dịp kỷ niệm 40 năm cuộc chiến tranh biên giới 17/021979 vừa qua? Một thông điệp mang đậm “tính văn hóa” 5.000 năm lịch sử.
Việc lựa chọn Hà Nội làm địa điểm cho cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 chắc chắn không phải là điều gì bất ngờ với Bắc Kinh. Đó là sự lựa chọn của Bắc Kinh. CSVN chỉ đóng vai trò làm kẻ đỡ “trái bóng” được “quan thầy” tung cho. Người Mỹ mỉm cười khi nhìn “đường ban” và “thế cờ” bày sẵn.
Từ Đông Bắc Á với “lò lửa” Triều Tiên suốt 7 thập kỷ, qua tới Đông Nam Á với Việt Nam là “tử chiến địa” – nơi mà người Mỹ đã phải nếm trải “trái đắng” – chẳng phải đều là hai “quân cờ” của Bắc Kinh đấu với Phương Tây và Hoa Kỳ hay sao? Bắc Kinh đã ngạo mạn bày trận và thách đấu. Tập muốn nhắc nhở Donald Trump một cách khéo léo đầy ẩn ý “Trump, ông hãy nhớ, ở Việt Nam, người Mỹ đã thua như thế nào!” Nhưng sự ngạo mạn đó quá ấu trĩ vì thế giới đã không còn ở thế kỷ 20. Cũng giống như Napoleon Bonaparte đã chọn Waterloo cho cuộc chiến cuối cùng của đời mình, Tập Cận Bình đã chọn Việt Nam.
Giới chính trị thế giới đang dồn mọi con mắt vào diễn biến của bữa tiệc “Hồng Môn Yến” với những âm mưu chính trị đỉnh cao sẽ diễn ra ở Hà Nội. Diễn biến rất khó lường nhưng cuộc họp lần này không phải là show truyền hình thực tế.
Những quyết định được đưa ra sau cuộc họp này sẽ quyết định cơ bản những vấn đề địa chính trị Đông Bắc Á và chuẩn bị cho một cuộc phân định ảnh hưởng của hai siêu cường ở bàn cờ Đông Nam Á. Dù cho Tập Cận Bình vẫn hoàn toàn nắm trong tay một “phế vương” Nguyễn Phú Trọng nhưng với Kim Chính Ân thì không. Bắc Triều Tiên đã thực sự “trở cờ” và ở tình thế không “trở cờ” cũng không xong. Kim Chính Ân chỉ quan tâm đến vấn đề duy trì quyền lực của gia tộc, thoát khỏi “móng vuốt” Trung Quốc và Donald Trump có thực sự là một đối tác tin cậy?
Ở tuổi 36, nhà độc tài máu lạnh này có những tính toán chính trị khiến cho tác giả “the Art of the deal” phải khen ngợi và rõ ràng “Rocket man” không “dễ bảo” như Nguyễn Phú Trọng chút nào. Dù vậy, Bắc Kinh vẫn muốn nắm quyền kiểm soát ván cờ địa chính trị từ Đông Bắc Á tới Đông Nam Á thông qua hai “đệ nhất chư hầu” là Việt Nam và Bắc Triều Tiên. Người Mỹ đã chuẩn bị sẵn mọi phương án. Triều Tiên cũng đã biết rõ mình cần gì và phải làm gì. Kẻ thực sự đang bối rối trong cuộc sắp đặt lịch sử này là CSVN.
Bị mắc kẹt trong mối quan hệ với người “láng giếng xấu tính, to xác” và ý thức hệ cộng sản, thể chế chính trị và nền kinh tế quá mức phụ thuộc vào Trung Quốc, khiến cho Việt Nam rơi vào “bãi lầy” không lối thoát dù rằng không phải không nhìn ra viễn cảnh tăm tối của cái gọi là “vận mệnh tương quan” với “quan thầy” của mình. Cuộc hôn nhân đầy tính toán và trục lợi lẫn nhau giữa hai đảng cộng sản Việt – Trung đang đến hồi ngã ngũ.
“Cô gái đẹp” Việt Nam đã nhận ra sự tham lam và thói vũ phu của ông chồng khi suốt hơn 40 năm qua phải còng lưng trả nợ “tình phí” bằng tất cả của “hồi môn” là tài nguyên và biển đảo. Bị bạo hành tàn bạo (cuộc chiến biên giới 17/02/1979) sau cuộc “ngoại tình” với Liên Xô, Hà Nội đã cố quay trở lại với Bắc Kinh, chấp nhận mọi sự khinh bỉ và tước đoạt (Gạc Ma – Cô lin, Tư Chính, Cá Voi Xanh, Vịnh Bắc Bộ, biên giới phía Bắc và các định chế hợp tác bất bình đẳng về kinh tế). Nhưng xem ra, tất cả điều đó là không đủ với cái dạ dày không đáy của Trung Quốc.
Giờ đây, người Mỹ đến Việt Nam và đưa ra một cơ hội. Nhưng vấn đề giành được cơ hội “Tự Do và Thịnh Vượng” đó hay không thì là câu chuyện hoàn toàn khác. Người Việt Nam muốn thay đổi nhưng tập đoàn CSVN thì không. Nguyện vọng đó không bao giờ xuất phát từ giới chóp bu CSVN vì “trà Việt Nam không ngon bằng trà Trung Quốc”. Và giấc mơ “Tự Do và Thịnh vượng” chỉ đạt được khi người dân Việt Nam phải gỡ bỏ được gông cùm vô hình mà người người cộng sản đã đeo lên cổ mình hơn 7 thập kỷ mà thôi.
Còn nhớ, vào ngày 7/7/2015, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden của chính phủ Tổng thống Obama, trong một cuộc tiếp đón ông Nguyễn Phú Trọng nhân sự kiện kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ tại Bộ Ngoại giao Mỹ, đã mượn hai câu Kiều đầy ý nghĩa nói với ông ta:
Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời.
Có lẽ, ông Trọng – một Maxist Leninist thuần túy – là người không thuộc Kiều và không hiểu Kiều. Cuộc gặp gỡ giữa Kiều và Kim Trọng sau mười lăm năm xa cách, khi mà “nàng Kiều” đã “bấy chầy gió táp mưa sa; Mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn” – lặn ngụp trong chốn bùn nhơ thanh lâu – chịu bao tủi nhục cay đắng, “chàng Kim” đã giang rộng cánh tay, đưa tay cho “nàng Kiều” một cơ hội để sum họp, bất chấp thân phận và quá khứ.
Có vẻ như, một lần nữa, thay vì nắm lấy cơ hội tốt đẹp, “nàng Kiều” đã quay lưng lại với mối lương duyên để quay lại “đường cũ”, tiếp tục con đường hồng trần lấm lem. Dù rằng, Hà Nội trong mắt Trump vẫn là “cô gái đẹp”, thì cũng không còn đáng để nhìn nhận nữa.
Tân Phong