Thường Sơn – (VNTB) – Lần đầu tiên kể từ khi Nhà nước Đức cáo buộc bị mật vụ Việt Nam sang tận Berlin bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào tháng 7 năm 2017 và gây ra cơn địa chấn khủng hoảng ngoại giao quan hệ Đức – Việt, đến nay một ít tờ báo nhà nước Việt Nam mới dám hé lộ sự thật về ‘khôi phục quan hệ Việt – Đức’.
Tờ báo mà gần đây được xem là ‘thân đảng’ như Thanh Niên, với tựa đề “Đức muốn ‘làm mới’ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam” – là một trong số tờ báo hiếm hoi trên mà có lẽ đã quá chán ngán cái cảnh ‘đảng và nhà nước ta’ phủ áo lên mặt cố che giấu một sự thật đã từ lâu rành rành trong dư luận xã hội.
Nhưng nhiều tờ báo đảng vẫn dối trá không biết liêm sỉ: “Đưa quan hệ Đối tác chiến lược tiếp tục phát triển sâu rộng”, hay ‘Thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược với Đức’…
Vậy ‘đối tác chiến lược’ ấy thực chất ra sao?
2 tháng sau khi ra thông báo phản đối Việt Nam về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Nhà nước Đức đã tuyên bố tạm ngừng vô thời hạn vào tháng 9 năm 2017. Tháng tiếp theo, Đức hoãn thêm một hiệp định về miễn thị thực cho cán bộ Việt Nam đi công tác ở Đức. Cùng lúc , hàng loạt chương trình viện trợ kinh tế – xã hội của Đức cho Việt Nam cũng bị đình hoãn.
Hơn một năm rưỡi qua, trong lúc phía Việt Nam vẫn chưa chịu trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức và ‘xin lỗi, cam kết không tái phạm’ về vụ này, quan hệ Đức – Việt đã hầu như đóng băng, khiến giá trị giao thương song phương giữa hai nước có phần sút giảm, đặc biệt là hàng Việt Nam khó khăn hơn khi vào thị trường Đức – thị trường mà nhờ đó hàng năm Việt Nam xuất siêu được đến 5 tỷ Euro.
Vào tháng 11 năm 2017, lần đầu tiên phía Đức bắn tiếng ‘phục hồi quan hệ đối tác chiến lược’, cùng lúc với quá trình đàm phán vụ Trịnh Xuân Thanh tưởng đâu đã có lối ra. Nhưng sau đó phía Việt Nam lại ngậm miệng và tất cả chìm vào bóng tối.
Còn vào lần này, tháng 2 năm 2019 – lần đầu tiên mà cấp bộ trưởng ngoại giao như Phạm Bình Minh công cán đến Đức kể từ vụ khủng hoảng Trịnh Xuân Thanh, những điều kiện cho triển vọng phục hồi đối tác chiến lược đã không còn dễ thở như năm 2017.
“Trong thời gian qua đã có những khác biệt có thể nhận thấy rõ rệt giữa Đức và Việt Nam – đặc biệt là vì vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh ở Berlin. Hôm nay chúng tôi đã trao đổi với nhau về việc chúng tôi có thể điều chỉnh lại mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức như thế nào và làm sao có thực chất trở lại. Theo quan điểm của chúng tôi, một quan hệ đối tác chiến lược cũng bao gồm sự tôn trọng các giá trị chung, đặc biệt là tôn trọng nhân quyền phổ quát” – một thông cáo báo chí cho biết như thế sau cuộc họp của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas với Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh tại Berlin.
Một từ ngữ đặc biệt mà Ngoại trưởng Đức Heiko Maas dùng là ‘điều chỉnh’ trong quan hệ đối tác chiến lược, nếu quan hệ này được phục hồi. Điều đó có nghĩa là sẽ có những thay đổi, thậm chí là thay đổi đáng kể về nội dung quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Hoàn toàn có thể hiểu rằng kể từ nay trở đi và chỉ sau khi Trịnh Xuân Thanh được trao trả lại cho Đức, quan hệ đối tác chiến lược mới được đàm phán lại, nhưng sẽ được bổ sung vào đó ít nhất nội dung nhân quyền.
Còn nếu chính quyền Việt Nam vẫn không chịu trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức và không có bất kỳ cải thiện nào về nhân quyền, cái gọi là ‘đưa quan hệ Đối tác chiến lược tiếp tục phát triển sâu rộng’ trên mặt báo đảng Việt Nam sẽ biến thành một vết đen đúa không cách nào tẩy xóa được khi quan hệ đối tác chiến lược này sẽ bị người Đức thẳng tay hủy bỏ./.