Tượng đài Đức thánh Trần những ngày này bỗng dưng được người dân quan tâm đặc biệt sau sự cố “cẩu lư” vào ngày 17 tháng 2 vừa qua. Chưa bao giờ không gian mạng lại bận rộn chỉ tập trung vào một đề tài như thế. Mở ra bất cứ trang nào cũng thấy người chủ trang chăm chú nhìn vào việc này, nhất là sau khi nghe tin bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND thành phố qua đời ba ngày sau khi chiếc lư trước tượng đài bị câu đi.
Trăm nơi như một, người ta hân hoan cho rằng bà Thu bị thánh thần xử phạt vì đã phạm vào tội bất kính với tiền nhân. Người ta vạch ra bằng chứng là trong tư cách là Phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực văn hóa – xã hội bà Thu đã ký một văn bản “phạm thượng” cho phép di dời chiếc lư hương từ chỗ cũ của nó về đền thờ Đức Thánh Trần ở số 36 Võ Thị Sáu. Quyết định được bà Thu ký ngày 15 tháng 1 năm 2019 và một tháng sau thì bà qua đời.
Có hàng ngàn nhận xét về hiện tượng này nhưng chung quy nhắm tới luật nhân quả cho người nào xem việc tàn phá văn hóa tâm linh hay báng bổ thần thánh đều bị trừng phạt. Sự trừng phạt ấy nếu xảy ra nhanh chóng như trường hợp bà Thu có lẽ là điều hiếm khi xảy ra, nhưng khi nó xảy ra thì niềm tin vào sự trừng phạt của thánh thần được nhân lên gấp bội, bất kể việc này chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Người ta không muốn nghe hai từ ngẫu nhiên bởi sự tin tưởng vào thế giới huyền bí khó giải thích hơn là sự giải thích theo cách khoa học.
Nhất là khi niềm tin ấy đính kèm lòng hả hê vì sự tàn bạo của một chính quyền chỉ biết tham lam phá hoại.
Rất nhiều người dân không biết tại sao chính quyền có quyết định “cưỡng chế” chiếc lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo tại sông Sài gòn. Họ không có khái niệm về việc chiếc lư hương được cho là vật giúp người có lòng dạ với đất nước trước họa diệt vong của Trung Quốc làm nơi lưu giữ chút hương khói dâng lên Đức Thánh Trần.
Sự căm giận của người dân trong vụ này được bộc lộ. Họ không thù oán hay có định kiến với bà Nguyễn Thị Thu nhưng khi nghe tin bà chết là họ ùn ùn reo hò bằng những từ ngữ xúc xiểm tệ hại nhất. Phải chăng đó là dịp để người dân đánh trả thói quen xem thường dân chúng của chính quyền các cấp? Họ đã sống dưới sự kềm kẹp, chà đạp lẫn khinh bỉ quá lâu đủ để lòng căm giận chế độ lên men sau nhiều năm được ủ. Tâm lý hả hê không giấu giếm đã làm một số người bất mãn, cho rằng như vậy là tàn ác đối với người đã mất.
Đáp lại sự lên án ấy là những câu chữ không kém phần thuyết phục. Bà Thu bị ghét bỏ như vậy vì chính tay bà đã ký một quyết định báng bổ thần thánh. Bất cứ vì lý do gì kể cả lý do chế độ lo sợ người biểu tình thì cũng phải suy xét cặn kẽ trước một quyết định mất lòng dân như vậy. Mạo phạm một hình tượng uy vũ như Trần Hưng Đạo không khác gì lấy cây thọc vào tượng Chúa hay bôi bẩn lên khuôn mặt Đức Phật Thích Ca. Nguồn cơn tại bà phụ trách văn hóa nhưng lại không hiều chút gì về văn hóa tâm linh của người dân nên bà bị rủa sả.
Nhưng xét cho cùng, văn hóa Việt Nam từ ngàn xưa vốn hiền lành, tha thứ không chấp nê, sao lại đưa đẩy tới chốn thị phi nghiệt ngã như hôm nay, khi con người sẵn lòng nguyền rủa một người vừa nằm xuống chưa kịp tẩm liệm?
Đây là câu hỏi mà đảng Cộng sản Việt Nam phải ngồi lại với nhau tìm câu trả lời thỏa đáng. Có phải vì họ đã quá hà khắc với dân để lòng căm thù ngày một lớn và vô phương hóa giải? Có phải vì họ xem dân là cỏ rác khiến lòng tự trọng của dân bị thương tổn tạo ra phản ứng trả thù đối với người đã chết? Có phải cứ là đảng viên là bị người dân căm ghét vì đảng đã lợi dụng quyền lực của mình để bao che cho những thành phần này khiến người dân trở thành thứ phẩm, chỉ biết tuân lệnh và không được phản ứng?
Còn nhiều câu hỏi khác đề giải mã cho phản ứng trả thù với xác chết nhưng câu trả lời dễ chấp nhận nhất là người dân phản ứng vì tự vệ.
Họ đang dùng sự nguyền rủa đề cảnh tỉnh đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu còn tỉnh táo thì đảng phải ngay lập tức dừng lại mọi hành vi chà đạp người dân dưới bất cứ hình thức nào. Đừng nghĩ rằng họ không biết đảng đang đu dây với Trung Quốc nhằm tìm sự yên lành cho đảng bằng cách áp bức người yêu nước trước các hành vi sai trái, nhu nhược và hèn hạ mà đảng hành xử trong những năm qua.
Nếu còn những suy nghĩ là đảng đủ mạnh để có thể làm bất cứ việc gì đảng muốn thì người dân cũng sẽ còn nhiều cơ hội để rủa sả ngay cả những kẻ chưa chết nhưng trái tim thì đã héo khô hai chữ Việt Nam. Sự nguyền rủa ở số ít thì có thể cho là tàn nhẫn, nhưng khi cả nước đã nguyền rủa thì đảng nào sống sót cho nổi trước lòng căm thù tập thể của những con người cơ cực chịu đựng sự giày vò của một đảng cầm quyền trong suốt gần một thế kỷ?