Phạm Minh Hoàng – Web Việt Tân
Chiều 11/2/2019, Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, Chính phủ vừa chấp thuận chủ trương sửa đổi hai nghị định 79 và 15 về nghệ thuật biểu diễn. Theo đó một số đề xuất của Bộ Văn hoá trong dự thảo tờ trình xin ý kiến Chính phủ về việc sửa đổi hai nghị định này cũng được đồng ý.
Cụ thể, Bộ đề nghị bỏ việc cấp phép ca khúc trước năm 1975 bởi cho rằng đây là tài sản cá nhân của tác giả và phần lớn có nội dung lành mạnh. Cơ quan quản lý chỉ can thiệp, ngăn chặn “những sáng tác có nội dung phản động, chống phá nhà nước, bôi nhọ tổ chức, cá nhân”.
Vào đầu năm 2018, lần đầu tiên Bộ Văn hóa đã đưa ra dự thảo nghị định về nghệ thuật biểu diễn, trong đó đề xuất bỏ cấp phép ca khúc trước 1975, đồng thời lập danh sách các bài hát cấm nếu đi ngược lại cái gọi là “lợi ích dân tộc.” Theo Cục trưởng Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Quang Vinh, các bài hát sáng tác trước 1975 có nhiều tác phẩm đã đi vào đời sống tinh thần đông đảo người dân nên không cần cấp phép. Tuy nhiên ông còn băn khoăn bởi sẽ gặp khó khăn khi tập hợp các bài hát để lập danh sách cấm.
Việc bỏ kiểm soát các ca khúc trước 75 đã được đưa ra bàn tán từ nhiều năm nay. Gần đây nhất, vào năm 2012, báo chí đã đăng các phàn nàn của các nhà sản xuất phim ảnh, băng đĩa theo đó quy trình xin và cấp giấy phép một bản nhạc thực sự quá nhiêu khê, dài dòng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc kinh doanh của họ.
Cụ thể, vào năm 2010, Bến Thành Audio đã xin phép Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho năm ca khúc chưa được phổ biến. Phải đến gần một năm sau Cục mới có văn bản đồng ý cho phép ba ca khúc gồm: Tàu Đêm Năm Cũ, Hoa Nở Về Đêm và Nếu Hai Đứa Mình. Khốn nỗi đến nửa năm sau, nghe đông nghe tây đâu đó, Cục bất ngờ rút giấy phép của bài Tàu Đêm Năm Cũ vì cho rằng lời bài hát có khuynh hướng ca ngợi người lính Cộng Hòa. Việc này làm Bến Thành Audio lỗ hơn 100 triệu vì phải thu hồi, hủy bỏ toàn bộ các đĩa nhạc đã sản xuất. Tiếp theo, việc thay hoặc bỏ ca khúc Tàu Đêm Năm Cũ để làm lại album mới cũng đồng nghĩa làm lại trình tự giấy phép mới mất không ít thời gian công sức.
Tôi tò mò lên mạng để xem bài Tàu Đêm Năm Cũ nó “ca ngợi người lính Cộng Hòa” ở chỗ nào thì thú thật, suốt 270 chữ, tôi thấy chỉ có câu “Tàu xa dần rồi, thôi tiếc thương chi khi biết người ra đi vì đời” là có “màu sắc Cộng Hòa” nhất. Hết ý!
Đến năm 2016, Cục đã cho phép bài Ly Rượu Mừng của Phạm Đình Chương. Tôi nhớ báo chí thuở ấy ca tụng đây là một “tin vui” và việc này chứng tỏ chính sách cởi mở của nhà nước. Có ai biết đâu rằng lý do mà tác phẩm tuyệt vời này bị cấm suốt 40 năm là cực kỳ vớ vẩn. Trên tờ Thanh Niên số tân niên 2017, nhà báo Nguyên Minh viết “Chính yếu tố người lính làm bài hát không được hát.” Trong bài Ly Rượu Mừng có những câu:
Chúc người binh sĩ lên đàng,
Chiến đấu công thành, sáng cuộc đời lành
Mừng người vì nước quên thân mình…
Cục đặt câu hỏi “Người lính là người lính nào?”.
Ông Nguyên Minh cho biết, khi công ty Phương Nam Film muốn ghi bài hát này, họ đã phải cùng gia đình tìm lại tất cả các tư liệu cũ liên quan đến bài ca. Rất may, trong những tư liệu đã quá cũ, gia đình tìm và thấy bản ghi chép, tư liệu cũ của ca khúc này. Qua đó, có thể xác định bài hát được sáng tác khoảng thời gian 1951-1953. Tư liệu cũng cho thấy đó là bài hát mà ông Phạm Đình Chương viết về người lính chống Pháp. Trên cơ sở đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn mới cấp phép cho bài hát được hát hồi đầu năm 2016. Cũng hết ý!
Viết đến đây tôi mới nghiệm ra rằng các bài hát trước 75 nói về chiến tranh, về người lính; nhưng trừ những bản nhạc của Tâm lý chiến ra thì phần lớn các bài hát đều mang một tính nhân văn, nhẹ nhàng, không căm thù, không dao kiếm, không sắt máu hận thù. Hai bài Tàu Đêm Năm Cũ và Ly Rượu Mừng nói trên chính là hai thí dụ điển hình trong hàng ngàn nhạc phẩm khác cùng nội dung.
Vào tháng 3/2017, Cục ra văn bản “tạm dừng lưu hành” bài Con Đường Xưa Em Đi với lý do là “có nhiều dị bản.” Về sau người ta truy ra là có nhiều ông bầu sô đã tự ý sửa lời cho bớt “màu sắc Cộng Hòa” cụ thể như các câu “Chiến trường anh bước đi” và “Nơi đây phiên gác canh dài” vì sợ Cục thắc mắc “Chiến trường” đây là chiến trường nào? Không bàn đến quyết định vớ vẩn là “có nhiều dị bản” để cấm, nhưng qua đó mới thấy sự khiếp nhược của người dân trước sự cấm đoán của nhà cầm quyền cộng sản đến mức nào.
Thực tình mà nói, những cấm đoán của nhà nước cộng sản chỉ áp dụng trên mặt chính thống, nghĩa là trên các sân khấu, trên các phương tiện truyền thông, thậm chí trong các tiệm karaoke. Người ta vẫn hát trong nhà, trong các buổi tiệc tùng thân hữu − và đặc biệt người ta vẫn ê a, vẫn hát mỗi khi có dịp. Nói tóm lại, những dòng nhạc ấy vẫn sống mãi trong tim óc người dân Việt. Tôi xin nhấn mạnh ở đây là dân Việt không phân biệt vùng miền. Và đây có lẽ là lý do khiến nhà nước bỏ việc cấp phép ca khúc trước năm 1975: Quản không được thì cấm − Cấm không được thì bỏ (cấm).
Trả lời trên đài Á Châu Tự Do (RFA) về quyết định này, nhạc sĩ Tuấn Khanh đã cho rằng đây là sự thất bại của kiểm duyệt văn hóa chứ không phải là một bước mở của chính quyền: “Nói một cách nào đó thì ngày hôm nay nhà nước cho phép bình đẳng tất cả mọi thứ thì thực chất cái tên gọi của nó là sự thất bại toàn phần của những chương trình kiểm duyệt văn hóa. Cho nên khi người ta bắt đầu cho phép là người ta lùi lại cái sự thất bại của mình và người ta đánh loãng đi cái vòng kiềm tỏa đã không còn giá trị nữa. Do đó nếu hôm nay họ không vội vàng tháo dỡ những nghị định đó thì bản thân họ mãi mãi vướng trong hình ảnh một kẻ thất bại và mãi mãi không lấy lại được tư cách trong việc đã từng cấm đoán như vậy, chứ đây không phải là một bước mở của chính quyền cộng sản.”
Nhà thơ Hoàng Hưng, người từng bị bắt giam và tập trung cải tạo từ tháng 8/1982 đến tháng 10/1985 vì tội “lưu truyền văn hoá phẩm phản động,” nêu lên quan điểm của ông là nhà nước không có quyền cho phép hoặc không cho phép. Những ca khúc là những sản phẩm tương đối đại chúng. Chất lượng ca khúc và cảm tình của quần chúng đối với ca khúc nó quyết định ca khúc đó sống hay chết chứ không phụ thuộc vào sự cho phép của ai cả. Cho nên quyết định bỏ việc cấp phép ca khúc trước năm 1975 là một chuyện phải đến chứ không có nghĩa là ban phát hay ân huệ.
Đã từ lâu, trên website của Cục Nghệ thuật Biểu diễn có một “Danh mục các bài hát phổ biến” (hiện có 2658 bài). Đây là danh sách các bài hát được cho phép. Bàn về khía cạnh pháp lý thì việc này hoàn toàn trái luật. Bản chất của luật ở khắp nơi là người dân được làm những gì luật pháp KHÔNG CẤM, chứ không phải là chỉ được làm những gì luật pháp CHO PHÉP. Thế cho nên rất nhiều tiếng nói đã chỉ trích danh mục này, và thậm chí có một số sở đề nghị nên công khai những bài hát bị cấm thay vì những bài hát cho phép. Và câu trả lời của Cục là “Không công khai được vì đâu biết có bao nhiêu bài hát.” Câu nói này lột trần được hết sự bất lực của vấn đề quản lý các nhạc phẩm nói riêng và tư tưởng con người nói chung và rút cuộc là phải đi đến việc đầu hàng.
Nói gì thì nói, nếu thực sự lệnh cấm được dỡ bỏ thì âu cũng là một niềm vui. Như tôi đã viết ở trên, kho tàng âm nhạc của miền Nam cực kỳ phong phú và nhân văn. Trong những khoảnh khắc đau thương, tử biệt sinh ly, người ta vẫn sống trong hy vọng, trong yêu thương. Và tôi đã tìm được tất cả trong bài Chuyến Đò Vĩ Tuyến − sáng tác năm 1956, nói về sự chia cắt của hai miền đất nước. Kính mời mọi người nghe lại trong những ngày đầu Xuân:
Hò ơi, hò ơi! Anh và cùng em xây một nhịp cầu
Để mai đây quân Nam về Thăng Long,
Đem thanh bình sưởi ấm muôn lòng.
Phạm Minh Hoàng