Thường Sơn (VNTB) – Vụ ‘Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok’ vào tháng 1 năm 2019 đã biến diễn một cách phức tạp chứ không thuần túy như vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Berlin vào tháng 7 năm 2017 mà hầu hết mọi người đều biết rõ Thanh là người thế nào – một quan chức tham nhũng, hoặc có nhiều dấu hiệu tham nhũng.
***
Trong vài tuần đầu tiên sau khi vụ Trương Duy Nhất xảy ra, đã có khá nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế như Ân xá Quốc tế, Theo dõi nhân quyền, Phóng viên không biên giới, Ủy ban bảo vệ ký giả và Liên minh Báo chí Đông Nam Á lên tiếng yêu cầu chính phủ Thái Lan phải làm rõ vụ Trương Duy Nhất mất tích ra sao, số phận của Nhất thế nào…, đồng thời những tổ chức này nhắc lại ‘bài học kinh nghiệm’ từ vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Đức.
Trương Duy Nhất đã được Phóng Viên Không Biên giới vinh danh ‘Anh hùng thông tin’ vào năm 2014. Blogger này với blog ‘Một góc nhìn khác’ đã viết phản biện khá mạnh mẽ trước khi bị công an Việt Nam tống giam vào năm 2013. Sau khi ra tù, Trương Duy Nhất vẫn tiếp tục viết phản biện về một số vấn đề thuộc về chính sách và chỉ trích một số quan chức tham nhũng và ăn chơi sa đọa. Đó là lý do căn bản nhất để khi vụ Trương Duy Nhất mất tích bị nghi ngờ là do bắt cóc, vấn đề của ông Nhất đã trở thành một câu hỏi nhân quyền, thậm chí là nhân quyền quốc tế.
Trong khi đó, chính quyền Việt Nam vẫn giữ im lặng – một thái độ im lặng như thể cố tình và chây ì mà họ đã thể hiện sau khi bị Nhà nước Đức cáo buộc mật vụ Việt Nam đã sang tận Berlin để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Cho tới nay, dấu hiệu duy nhất cho thấy chính quyền Việt Nam ‘mở miệng’ chỉ là một số bài viết của giới dư luận viên được tung ra, tập trung mổ xẻ mối quan hệ giữa Trương Duy Nhất với Vũ ‘Nhôm’ và cả những hoạt động thuộc về ‘phe cánh chính trị’ của ông Nhất – hàm ý rằng nếu trong thời gian tới Trương Duy Nhất có bị công an và tòa án truy tố và xử tù về tội danh kinh tế thì cũng chẳng có gì là oan sai, càng chẳng đáng để các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng về ông Nhất.
Tuy thế, cái cách mà giới dư luận viên đặt vấn đề như trên lại khiến lộ ra một tín hiệu: nếu chính quyền Việt Nam không dính dáng gì đến vụ Trương Duy Nhất, nó sẽ chẳng bao giờ thèm quan tâm đến việc chỉ đạo dư luận viên viết bài bao biện và thanh minh cho đảng như thế. Nói cách khác, bắt đầu hiện ra những bằng chứng gián tiếp về việc Trương Duy Nhất có thể đã bị bắt (hoặc bắt cóc), đưa về Việt nam và đang bị giam giữ ở một nơi nào đó.
Còn quan điểm của giới hoạt động nhân quyền Việt Nam về Trương Duy Nhất ra sao?
Từ năm 2013 khi bị bắt, sau đó ra tù và cả cho đến gần đây, Trương Duy Nhất là người được một bộ phận trong giới hoạt động nhân quyền dành cho một số thiện cảm vì hoạt động viết phản biện. Nhưng cũng khá nhiều người bất đồng chính kiến nêu dấu hỏi ‘Trương Duy Nhất là ai?’, bởi ngoài việc được xem là một cựu tù nhân lương tâm, từ trước đến nay ông Nhất không tham gia bất kỳ tổ chức xã hội dân sự độc lập nào.
Một trong số những ý kiến của người hoạt động nhân quyền – từ blogger Phạm Lê Vương Các – cho rằng “Nhất là một người khá thú vị. Nhiều người biết đến ông vì ông được ví là một “Anh hùng Thông tin” (được tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới trao tặng) vì các bài viết phê phán mạnh mẽ về lỗi hệ thống chính quyền, cổ suý cho dân chủ và nhân quyền, nhưng đồng thời nhiều người cũng khá rõ mối quan hệ thân thiết của Nhất với Vũ Nhôm và áp phe với một số giới chức lãnh đạo chóp bu…”, và “Chính sách của chính quyền Việt Nam trong suốt nhiều năm qua là sẵn sàng “tống khứ” những người bất đồng chính kiến hay hoạt động dân chủ nhân quyền ra khỏi Việt Nam. Chỉ cần quốc gia nào đồng ý tiếp nhận các đối tượng này thì chính quyền Việt Nam cũng sẵn sàng để họ ra đi. Trong một số trường hợp chính quyền còn gây áp lực để buộc những người này phải rời khỏi Việt Nam. Nếu ông Nhất chỉ thuần tuý là một người viết lách bất đồng chính kiến hay một nhà hoạt động cho dân chủ nhân quyền thì chính quyền Việt Nam không dở hơi đến nỗi nhanh chóng mở chiến dịch quy mô săn lùng sang tận Thái Lan để bắt về. Về lý do bắt ông Nhất đến lúc này vẫn còn đang bỏ ngỏ”.
Nhưng dù Trương Duy Nhất có là ai chăng nữa, thông tin lan ra ngày rộng và đầy tính nghi ngờ trên một số tờ báo quốc tế về vụ bắt cóc ông Nhất đang khiến chính quyền Việt Nam không thể nhắm mắt che tai. Do đó, nhiều khả năng là trong những ngày sắp tới, chính quyền Việt Nam sẽ phải có thông báo về vụ này, trong đó hoặc phủ nhận việc chính quyền này ra lệnh bắt cóc Trương Duy Nhất, hoặc chính thức xác nhận Trương Duy Nhất đã bị bắt nhưng là ‘tự nguyện về nước đầu thú’ do hành vi phạm pháp – tương tự cái cách mà Bộ Công an và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đồng thanh tương ứng ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’ vào đầu tháng 8 năm 2017.
Song cho dù có thông báo ‘Trương Duy Nhất tự nguyện về nước đầu thú’, chính quyền Việt Nam vẫn không thể làm cho dư luận trong nước và quốc tế tin được, đơn giản vì cho tới nay chính quyền này vẫn còn nợ chính phủ Slovakia câu hỏi ‘Việt Nam phải chứng minh rằng nếu quả thật Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú thì anh ta đã làm thế nào để vượt qua các biên giới và các cửa khẩu quốc tế mà không được bất kỳ nơi nào lưu hồ sơ?’.