Mặc Lâm – VOA
Mạng xã hội Việt Nam trong những ngày đầu năm bị lôi cuốn theo những tin tức về vụ cướp tại trạm thu phí Dầu Giây, tiếp theo đó là một loạt câu hỏi liên quan đến số tiền thu được và nghĩa vụ thuế của công ty với nhà nước. Từ vụ cướp này người dân thấy rõ mức thu vô lý của một BOT trên lưng họ và dư luận bàn tán không dứt về tình trạng khai gian thu nhập của các đại gia chủ các BOT bẩn trên toàn quốc.
Câu chuyện chưa ngã ngũ thì một tin khác xuất hiện trên báo chí làm cho dư luận căm phẫn hơn cả việc BOT gian lận, đó là bản tin VEC từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện trên tuyến cao tốc do đơn vị này quản lý, khai thác. Nguyên nhân hai phương tiện bị cấm có các hành vi vi phạm các quy định theo Quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV ngày 10/01/2019. VEC cho rằng những người đi trên 2 phương tiện này đã có hành vi gây rối tại trạm thu phí Long Phước trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
VEC là chữ viết tắt của Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (Vietnam Expressway Corporation). Nó là một doanh nghiệp chuyên môn đầu tư vào các dự án đường cao tốc và tranh thầu các BOT (viết tắt của tiếng Anh: Build-Operate-Transfer, Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao). Chính phủ kêu gọi các công ty tư nhân bỏ vốn xây dựng trước (build) thông qua đấu thầu, sau đó khai thác vận hành một thời gian (operate) và sau cùng là chuyển giao (transfer) lại cho chính quyền sở tại.
VEC là một Tổng công ty chuyên môn vào lãnh vực đó, và khi nó tự ý “từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện trên tuyến cao tốc do đơn vị quản lý” thì người dân bắt đầu tự hỏi liệu quyết định mà nó đưa ra có hợp pháp hay không? Và dựa vào tiêu chuẩn pháp lý nào nó có quyền cấm người dân vận hành trên đất nước của mình trong khi chính bản thân nó không phải là một cơ quan quản lý giao thông có quyền hạn xử phạt những phương tiện vi phạm pháp luật?
Ông Nguyễn Viết Tân, giám đốc VEC là người ký quyết định này và còn tuyên bố với báo chí rằng mọi quyết định của VEC đều hợp pháp.
Cụm từ “Từ chối phục vụ” chỉ là uyển ngữ, nó che bớt đi sự lộng hành của một doanh nghiệp đang nắm giữ huyết mạch lưu thông tại Việt Nam, thay vì nói “Cấm lưu hành” có vẻ công an quá nó chuyển sang “từ chối” cho dễ nghe hơn giống như trước đây nó từng sử dụng “thu giá” thay vì “thu phí”. Cách nói của những chủ nhân ông đường nhựa nắm giữ phương tiện giao thông của người dân qua hành vi thu phí cao một cách bất hợp pháp.
“BOT bẩn” là cụm từ rất chính xác khi mô tả những trạm thu phí do doanh nghiệp câu kết với chính quyền địa phương nhằm móc túi dân chúng một cách hợp pháp. Đã có phát hiện nhiều chủ tịch Ủy ban của địa phương có cổ phần trong các BOT, nơi họ có quyền sinh sát. Những nhóm lợi ích từ lâu nhắm tới các BOT như những bầu sữa vô tận khi mà mọi phản ứng của dân chúng đều bị chính quyền đứng phía sau hành hung bằng các hình thức côn đồ, lưu manh sẵn sàng đàn áp người dân nếu họ chống lại BOT bẩn. Hai chiếc xe bị VEC cấm lưu hành trên các tuyến đường thuộc quyền thu phí của nó đã từng có hành động công khai chống lại việc thu phí quá giới hạn và tài xế hai chiếc xe này chống lại bằng cách bất hợp tác.
VEC dù có lớn đến cỡ nào cũng chì là một doanh nghiệp, nó có quan hệ với khách hàng là những người sử dụng con đường mà nó đặt trạm thu phí cũng chỉ là quan hệ dân sự. Quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV của Nguyễn Viết Tân ký vào ngày 10.1.2019 không có ý nghĩa gì về mặt pháp lý, nó chỉ làm cho sự căm phẫn của người dân dày thêm khi họ đã chịu đựng những chèn ép qua các mức thu lệ phí hút máu không thua gì cá mập của các BOT bẩn trên khắp nước.
VEC không phải là cơ quan quản lý đường cao tốc mà chỉ là đơn vị khai thác, đầu tư xây dựng và quản lý, bảo trì công trình đường cao tốc, VEC không có chức năng và thẩm quyền quản lý Nhà nước nhất là việc xử phạt vi phạm.
Xét về hành vi, Nguyễn Viết Tân có thể vi phạm pháp luật khi tự ý cấm đoán người dân trong khi chức năng của ông ta chỉ là giám đốc doanh nghiệp. Người dân có quyền lưu thông trên bất cứ con đường nào miễn là họ đóng thuế hay phí đầy đủ cho phương tiện của họ, mọi hành động chống đối lại các hành xử thô bạo của một BOT bẩn nếu có tranh chấp thì cơ quan pháp luật như tòa án mới có quyền đưa ra quyết định cấm hay không cấm tùy theo trường hợp. Nguyễn Viết Tân đã lộng hành ký quyết định xử phạt người dân trong khi một doanh nghiệp chỉ có thể hành xử đối với nhân viên dưới quyền của nó mà thôi.
Nguyễn Viết Tân có thể đang “vận động” báo chí bênh vực cho hành vi phạm pháp của ông ta qua những nghị định từng được chính phủ ký có liên quan đến các cung đường có BOT nhưng tới giờ phút này mạng xã hội vẫn nóng bỏng trong đề tài này vì thế khó lòng có tờ báo nào dám đi ngược lại với hành động phi pháp của Nguyễn Viết Tân khi ông ta tưởng có thể vượt lên trên pháp luật bằng đồng tiền mà công ty ông ta có được từ từng đồng bạc cơ cực của người dân.
Quyết định của một đơn vị không có chức năng nhà nước lại xâm phạm quyền tự do đi lại của người dân nếu không được xử lý thì rồi đây sẽ có những quyết định khác theo sau do các nhóm lợi ích nghĩ ra để đẩy người dân vào đường cùng. Khi lưng đã bị đẩy vào tường hành động tất yếu là người ta sẽ phản ứng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình đến lúc ấy sẽ còn nhiều đề tài hay ho cho báo chí lẫn mạng xã hội.
(Đến tối ngày 12 tháng Hai, giờ Việt Nam, báo chí trong nước bắt đầu đưa tin, rằng lãnh đạo VEC cho biết vụ “từ chối phục vụ vĩnh viễn” “mới chỉ là đề xuất, không đủ cơ sở thực hiện.”)