Bất chấp việc công an Việt Nam gia tăng đợt bắt bớ giới bất đồng chính kiến ngay vào những ngày sát tết nguyên đán 2019, nhà hoạt động về môi trường và quyền của người lao động Hoàng Đức Bình vẫn có thể tự do trong năm 2019, dù cái án tù giam mà anh bị nhà cầm quyền cộng sản giáng lên đầu lên tới 14 năm.
Ngày 1/2/2019, 9 dân biểu Nghị viện Châu Âu đã gửi một bức thư tới Nguyễn Phú Trọng – quan chức vừa là Chủ tịch nước vừa kiêm tổng bí thư đảng CSVN, kêu gọi việc trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Hoàng Đức Bình.
Các nghị sĩ Châu Âu cho rằng việc Việt Nam bắt giam và xử án tù nhà hoạt động Hoàng Đức Bình đã đi ngược lại các quy định trong Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia ký kết từ năm 1982.
Ngoài việc kêu gọi trả tự do cho ông Hoàng Đức Bình, các Nghị sĩ cũng yêu cầu chính phủ Việt Nam phải đảm bảo chắc chắn và trả bồi thường đầy đủ theo luật quốc tế, điều tra những quan chức công an, toà án, và nhà tù chịu trách nhiệm về những đối xử tàn tệ đối với ông Hoàng Đức Bình. Đồng thời các nghị sĩ cũng yêu cầu phải để ông Hoàng Đức Bình được ở trong nước, không trục xuất ông ra nước ngoài như điều kiện để được trả tự do.
Bức thư trên được gửi đi chỉ ít ngày sau khi một sự kiện chấn động khiến giới chóp bu Việt Nam bị sốc nặng: Liên minh châu Âu quyết định hoãn việc phê chuẩn EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu) mà lý do thực chất là phía Việt Nam đã chẳng làm bất cứ hành động nào để thỏa mãn các điều kiện cải thiện nhân quyền do Nghị viện châu Âu nêu ra.
Càng về sau này, EU càng trở nên cứng rắn với thái độ bị xem là ‘lươn lẹo’ của nhà cầm quyền Việt Nam. Khi những cuộc đối thoại nhân quyền EU – Việt Nam hầu hết đã đi vào bế tắc, những lời hứa hẹn ngon ngọt hay cam kết nửa vời của những quan chức thật ra chẳng có thẩm quyền gì của Việt Nam đã chẳng còn có thể ma mị được các quan chức EU. Ngay cả việc đoàn Việt Nam đã tưởng như vượt quan được cuộc điều trần EVFTA- nhân quyền vào tháng 10 năm 2018 tại Brusells, Bỉ, Nghị viện châu Âu đã chặn EVFTA lại bằng một bản nghị quyết nhân quyền lên án Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng và đưa ra một ‘tối hậu thư’ về nhân quyền trên hết, để nếu không cải thiện nhân quyền thì Việt nam sẽ không thể nào có được EVFTA.
Hoàng Đức Bình bị bắt giữ vào tháng 5/2017 và bị kết án tù 14 năm vào tháng 2/2018 theo các điều 330 và 331 của Bộ luật Hình sự về chống người thi hành công vụ, và lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước.
Nhưng càng về sau này, mức án tù giam đối với các nhà hoạt động nhân quyền càng chỉ tồn tại như một con số chẳng có ý nghĩa gì. Trước và ngay sau cuộc điều trần nhân quyền – EVFTA vào tháng 10 năm 2018 tại Bỉ, hai nhà hoạt động nhân quyền nổi bật là Nguyễn Văn Đài và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được quốc tế gây áp lực đã được tự do khỏi nhà tù việt Nam, bất chấp mức án tù giam của hai người này lên đến hàng chục năm và hơn thế.
Hoàng Đức Bình – một trong những nhà tranh đấu nhân quyền nổi bật ở Việt Nam – cũng có thể sẽ được trả tự do trong năm 2019, trong bối cảnh mà nhà cầm quyền Việt Nam về thực chất không còn lối thoát khả dĩ nào với EVFTA ngoài việc phải bắt buộc thực hiện những hành động cải thiện nhân quyền như trả tự do cho một số tù nhân lương tâm, ký kết 3 công ước quốc tế còn lại của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đặc biệt là tôn trọng và triển khai công ước về quyền tự do lập hội của công nhân, cùng những điều kiện nhân quyền khác mà EU đòi hỏi một cách dứt khoát.
Một nguồn tin cho biết sau khi EVFTA bị EU hoãn vô thời hạn, ‘đảng và nhà nước ta’ đã buộc phải cử một số đặc sứ đi thương thuyết trở lại với EU, với chủ đề đàm phán chuyên về cải thiện nhân quyền. Nhưng vào lần này, yêu sách của EU không còn là một khung hoạt động nhân quyền chung chung trong EVFTA, mà EVFTA phải được chi tiết hóa về một lộ trình theo thời gian và cụ thể hóa những việc mà Việt Nam phải thực hiện để cải thiện nhân quyền./.