Người cộng sản luôn theo tư tưởng triết thuyết thống trị rằng vật chất quyết định ý thức, nhưng không hiểu sao họ thường tặng tranh, ảnh lãnh tụ cách mạng quá cố cho những người dân nghèo hoặc đồng bào dân tộc thiểu số.
Họ muốn người nghèo khó sống bằng tinh thần thuần tuý với động lực được đem lại từ những tấm hình trên các khuông ảnh lúc nhìn vào sau khi lao động mệt nhọc từ đồng áng, nương rẫy, ngư điền trở về.
Hãy làm điều gì đó thiết thực hơn là những ngôn từ tuyên truyền về cơm no áo ấm nhưng lại dành tặng cho họ phần lớn chỉ là những món đồ mà không giúp ích gì được trong cuộc sống thực tế mà họ phải đối mặt, ngoài việc ngắm nhìn và chiêm ngưỡng.
Các giá trị tinh thần là quan trọng và nó đòi hỏi mỗi con người phải có đủ điều kiện về mặt đời sống (hoặc ít nhất là có một trí tuệ về ý niệm vượt trội) mới có thể phát huy hay cảm thụ được các giá trị cao đẹp của nó, ngược lại, nếu khi chưa thể sinh tồn theo đúng nghĩa, nó sẽ trở nên khó khăn cho việc nhận thức và không có tác dụng cải thiện cuộc sống của chính mình. Nhìn lãnh tụ, họ lại thấy buồn tủi vì trở thành gánh nặng và kém cỏi hơn thay vì là tìm thấy động lực nào đó để vươn lên.
Người ta cần cơm ăn, áo mặc, nhà ở và đất đai canh tác, học hành và sự an ninh, sau đó mới là những thứ tinh thần khác để làm cho cuộc sống phong phú và thanh tịnh hơn. Cũng giống như một nhà hát giao hưởng, nếu chỉ có nghèo khó và khổ nhọc, rõ ràng những tiếng hát cất vang lên sẽ không thể đem tới niềm vui thú cho những người hưởng thụ.
Những người cộng sản mác xít cũng luôn nói rằng hình thức phải phù hợp với nội dung, hiện tượng bên ngoài phản ánh bản chất bên trong, họ cũng nói các hành động phải xem xét dựa trên các hoàn cảnh phù hợp của nó – tất cả những sự tương thích đó đều được những người mác xít thuyết giảng như một lẽ sống cốt yếu – nhưng không mấy khi ta tìm thấy các hành động phù hợp của nó khi đối chiếu vào những hoàn cảnh cụ thể.
Ví dụ như: họ vẫn tổ chức đêm nhạc hội lớn khi miền Trung lũ lụt chết hàng chục người với hàng chục ngàn người rơi vào cảnh tan nát nhà cửa; che ô cho riêng ông Thủ tướng dưới mưa trong khi bỏ qua các bà mẹ Việt Nam anh hùng mặc áo giấy co ro chịu lạnh; vẫn hào hứng tổ chức kỷ niệm sự hợp tác vào đúng ngày mà nhân dân đã đổ máu chống lại sự bành trướng xâm lược của đất nước đó cách đây chưa lâu; kêu gọi hoà giải hoà hợp dân tộc nhưng vẫn kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam hằng năm và hát những bài ca khiến triệu người buồn đau, rỉ máu…rất nhiều những sự kiện cụ thể để minh chứng rõ ràng cho điều nghịch lý này.
Tặng ảnh lãnh tụ cho người nghèo khổ và nhọc nhằn với đời sống mưu sinh cũng giống như ta đưa chiếc cuốc cho những nhà quý tộc sống trong lâu đài lộng lẫy vậy. Trong khi, những hộ nghèo ở một tỉnh nào đó chỉ được tặng 15.000 đồng trong một dịp gần đây mà chúng ta đã thấy. Đó là còn chưa kể nhiều kẻ ăn cả những đồng tiền hỗ trợ của người tàn tật, người có công với cách mạng, với trẻ em, với những người đang chịu thiên tai.
Nhìn các cụ già với vẻ mặt trầm lắng và ánh mắt lạ lẫm, nháo nhác, thấy một nỗi suy tư chạy ngang cắt rời các hoạt cảnh hỗn độn có thể mường tượng ra sau đó./.